Chùa Bà Đanh (chùa Châu Lâm) cách mặt đường Thụy Khuê khoảng 50m
Nằm sâu trong ngõ 199 Thụy Khuê, chùa Châu Lâm ngày nay còn được biết đến với tên gọi chùa Bà Đanh. Chùa được đặt theo tên một người phụ nữ có công xây dựng chùa. Đến nay, tấm bia Bà Đanh tự vẫn còn được lưu giữ tại đây.
Chùa Bà Đanh là một trong những ngôi chùa có tiếng từ lâu của Hà Nội nhưng khung cảnh rất vắng vẻ không chỉ vào ngày thường mà hôm rằm, mùng một, lượng người đến hương khói ít hơn hẳn so với nhiều ngôi chùa tại Hà Nội.
Lý giải câu thành ngữ “vắng như chùa Bà Đanh”, ông Nguyễn Văn Tùng (85 tuổi, Trưởng ban quản lý Di tích đền, chùa Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Sở dĩ có câu thành ngữ như vậy vì Bà Đanh là người có công xây dựng lên ngôi chùa này và trước kia nơi đây toàn ruộng, đồng chứ không có nhà cửa gì nên người dân thường ví vắng như chùa Bà Đanh”.
Mặc dù là ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội nhưng rất ít người đến thăm, vãn cảnh
Ông Tùng cho biết thêm, sự tích Bà Đanh được lập đền thờ từ năm 1478. Chùa Bà Đanh (tên nôm của chùa Châu Lâm) là một ngôi chùa cổ nằm ở làng Thụy Chương, Hà Nội, (nay là phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ). Chùa này được cất lên cùng với viện Châu Lâm vào thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) ở làng Thụy Chương, Hà Nội.
Vào thời đó, viện Châu Lâm là chỗ ở cho những người Chiêm Thành được đưa về sau các cuộc chiến tranh, còn chùa Châu Lâm là nơi dành cho họ cúng lễ, vì hầu hết những người này đều theo đạo Phật.
“Trong chùa có đủ các tượng nhưng riêng chùa Châu Lâm có một ông tượng xanh, khi người dân vào làm lễ cứ ngây ngất như người say rượu. Sau khi bị mất tượng xanh, dân Chiêm Thành về nước, lúc đó chùa rất vắng vẻ nên gọi là vắng như chùa Bà Đanh”, ông Tùng nói.
Chùa rộng hơn 4 nghìn mét vuông…
Theo ông Tùng, sau một thời gian dài chùa vắng không có ai ghé thăm và thời gian Thực dân Pháp chiếm đóng Hà Nội, họ đã chiếm khu đất này để lập trường Trung học Bảo hộ (1907), nay là Trường Trung học Chu Văn An, vì thế chùa Châu Lâm phải rời về phía Tây Nam, ở cuối làng.
"Bây giờ nếu gọi là chùa Bà Đanh một số người dân không hiểu, sau khi tôi dịch từ bia đá trong chùa mọi người mới hiểu tại sao lại có tên gọi là chùa Bà Đanh. Trong chùa hiện có 3 nhà sư tuổi đã cao trông coi", ông Tùng nói.
...với nhiều cây xanh, có ao, vườn rất tĩnh mịch
Năm 1889 chùa được trùng tu một lần, sau kháng chiến chống Pháp, chùa bị cháy nhưng vẫn còn khung, các cụ trong làng đã khôi phục lại. Sắp tới, quận Tây Hồ sẽ sửa chữa phần mái bị dột.
Hiện nay, ngày rằm, mùng một có một số khách đến vãn cảnh và dâng hương hành lễ. Chính không gian tĩnh mịch của chùa đã mang đến sự thư thái cho khách vãn cảnh và dâng hương.
Còn có một địa danh nữa cũng có tên là chùa Bà Đanh. Chùa này không nằm ở Hà Nội mà nằm ở vùng Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, nơi có ngọn núi Ngũ Động và đền thờ Lý Thường Kiệt.
Cảnh quan chùa Bà Đanh (xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam)
Chùa Bà Đanh tại đây được xây dựng từ thời Lý (thế kỉ XI) do một người đàn bà giàu có trong làng cung tiến. Làng có tên chữ là Đinh Xá (nghĩa là "nơi ở của dòng họ Đinh"), tên nôm gọi là Đanh (nhiều địa phương cũng gọi "cái đinh" là "cái đanh"), vì vậy ngôi chùa được gọi là chùa Bà Đanh.
Ngôi chùa linh thiêng, cổ kính nhìn ra con sông Đáy có một quang cảnh vô cùng vắng lặng. Chùa thuộc địa phận thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách núi Ngọc khoảng 100m. Đây là một địa điểm rất xa xôi và cách trở so với trung tâm thành phố Phủ Lý.
Đường vào chùa vô cùng vắng vẻ
Chùa Bà Đanh ở Hà Nội được xây dựng vào thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Trong khi đó, chùa Bà Đanh ở Kim Bảng, Hà Nam lại được xây dựng từ thời Lý (thế kỉ XI).
"Chùa Bà Đanh ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam ra đời trước ngôi chùa Bà Đanh ở Hà Nội, vì vậy thành ngữ vắng như chùa Bà Đanh cũng nhiều khả năng có xuất xứ từ ngôi chùa Bà Đanh ở tỉnh Hà Nam", ông Tùng nhận định.
Chùa Ngọc Hoàng đang chuẩn bị cho cuộc đón tiếp lịch sử: Đón Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.