Các nhà khoa học về không gian đang tạo ra một phương pháp mới để tìm kiếm Hành tinh X. Trước đó một nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu này đã tuyên bố rằng có đến 99,9% cơ hội hành tinh này tồn tại.
Trong vài năm vừa qua, các nhà thiên văn học Mỹ liên tục cho biết họ tin rằng có một hành tinh thứ chín đang tồn tại ở rìa ngoài Hệ Mặt trời của chúng ta. Bất chấp những lý luận của họ, vẫn chưa ai thực sự nhìn thấy hành tinh này. Các nhà nghiên cứu đã có những tài liệu được ghi chép đầy đủ cho thấy các vật thể khác trong không gian bị ảnh hưởng bởi một "hành tinh lạ" - một hiệu ứng được cho là do Hành tinh X hay còn được gọi là Hành tinh Chín.
Gần đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Yale đã bắt đầu hướng tới xây dựng những cách để xác định hình dạng của hành tinh hiện đang vô hình kia. Họ hy vọng có thể sử dụng kính thiên văn để nhìn bầu trời đêm dưới ánh sáng khác, sử dụng kỹ thuật "dịch chuyển và xếp chồng" để hỗ trợ cho cuộc đi săn. Ngay cả khi không có bằng chứng về hình ảnh hoặc vật lý nào của hành tinh X - được cho là tồn tại xa hơn sao Diêm Vương - nhiều nhà khoa học vẫn bày tỏ niềm tin chắc chắn của họ vào sự tồn tại của hành tinh này. Konstantin Batygin, một nhà thiên văn học người Mỹ gốc Nga và là Giáo sư Khoa học Hành tinh tại trường đại học Caltech, đã cho rằng xác suất Hành tinh X tồn tại là chắc chắn 99,9%.
Phát biểu trong một bộ phim tài liệu trên kênh khoa học Veritasium, Giáo sư Batygin, khi được hỏi liệu ông có còn tin rằng hành tinh này tồn tại với xác suất 99,8% hay không, ông trả lời: "Đại loại vậy. Trên thực tế, bây giờ, tôi nghĩ nó có xác suất 99,9%." Tuy nhiên, một đồng nghiệp của Giáo sư Batygin ngay lập tức nói: "Đây là một ý tưởng hão huyền. Nếu ai đó chắc chắn như vậy, hãy tìm nó!"
Giáo sư Batygin là một trong những người đề xuất và nghiên cứu về sự tồn tại của Hành tinh X trong lĩnh vực thiên văn học. Các nhà khoa học khác, những người đã làm việc cùng với ông ấy, tin rằng Hành tinh X lớn hơn Trái đất mười lần và có thể ở xa hơn 20 lần so với Sao Hải Vương. Điều này có nghĩa là nó có quỹ đạo thực sự dài - mỗi vòng quay quanh Mặt trời sẽ mất từ 10.000 đến 20.000 năm.
Nguồn gốc ban đầu rấy lên ý nghĩ về sự tồn tại của Hành tinh X có thể là vào năm 1781, khi Sao Thiên Vương được William Herschel phát hiện lần đầu tiên. Để hiểu tại sao lại như vậy, ông Herschel đã quay lại những quan sát cũ, tìm lại quỹ đạo mà Sao Thiên Vương đã theo dõi. Các nhà thiên văn và toán học thời đó đã nhận thấy sự khác biệt với quỹ đạo của hành tinh mới được phát hiện: nó đi chệch khỏi lộ trình. Vài năm sau, nhà toán học người Pháp, Urbain Le Verrier đã nghĩ ra một tập hợp các phép tính phức tạp nhất trong thời đại của ông nhằm giải quyết câu hỏi quỹ đạo của Sao Thiên Vương. Ông cho biết một hành tinh ẩn, chưa được khám phá, sẽ giải thích quỹ đạo kỳ lạ của Sao Thiên Vương - điều này dẫn đến việc khám phá ra hành tinh thứ tám, Sao Hải Vương trong vòng một đêm. Tương tự với Sao Hải Vương, giờ đây các nhà khoa học tin rằng hành tinh thứ chín - Hành tinh X - thực sự tồn tại.
Bất chấp những bằng chứng về hành tinh thứ chín, nhiều nhà khoa học vẫn do dự trong việc đồng ý với nghiên cứu của Giáo sư Batygin. Ví dụ, Ethan Siegel, một nhà vật lý thiên văn người Mỹ chuyên nghiên cứu lý thuyết về Vụ nổ Bigbang, tuyên bố rằng các cuộc khảo sát được thực hiện để xác định bằng chứng cho Hành tinh X không đi đủ sâu. Trong một bài báo của Forbes năm 2018, ông Siegel ca ngợi công trình của Giáo sư Batygin đã mô tả những quan sát gia tăng của hành tinh thứ chín đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, ông lập luận rằng các vật thể xuyên sao Hải Vương quan sát được và quỹ đạo của chúng mà Hành tinh X sẽ chịu trách nhiệm, phải nằm trong một vùng cụ thể của bầu trời, thay vì xuất hiện lẻ tẻ. Ông nói rằng những phát hiện này mà Giáo sư Batygin và các đồng nghiệp của ông đã thực hiện có lẽ không có gì bất thường, trên thực tế, nhiều khả năng ông Batygin và cộng sự là nạn nhân của hiện tượng được gọi là "sai lệch phát hiện". Các nhà khoa học khác cũng lên tiếng lo ngại tương tự về cái gọi là phát hiện này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.