Bị bắt làm tù binh và kết án tử, phi công Liên Xô vượt ngục khó tin, lập đại công
Bị bắt làm tù binh và kết án tử, phi công Liên Xô vượt ngục khó tin, lập đại công
Thứ sáu, ngày 21/07/2023 10:31 AM (GMT+7)
Đào hầm vượt ngục nhưng bị phát hiện và lĩnh án tử hình, một phi công Liên Xô vẫn có lần vượt ngục thứ 2 đầy ngoạn mục, li kì giữa thanh thiên bạch nhật và ngay trước mắt nhiều lính Đức.
Hitler luôn tự hào về những nhà tù khét tiếng mà theo Đức Quốc xã là "không thể trốn thoát". Nhưng với sự mưu lược, gan dạ và kiên trì, các tù binh Liên Xô và phe Đồng Minh đã nhiều lần làm nên những điều khó tưởng tượng, khiến quân lính phát xít bẽ bàng. Loạt bài này sẽ giới thiệu tới độc giả một số cuộc vượt ngục khó tin của tù binh Liên Xô và phe Đồng Minh trong Thế chiến II.
Trong một lần thực hiện nhiệm vụ vào ngày 13/7/1944, máy bay chiến đấu do phi công Mikhail Petrovich Devyatayev (Liên Xô) điều khiển, bị bắn rơi gần thành phố Lviv, phía tây Ukraine.
Thời khắc nguy cấp, Devyatayev quyết định nhảy khỏi máy bay đang rơi. Những tưởng "tử thần" đang chờ đón phi công Liên Xô nhưng "phép màu" đã xảy ra khi Devyatayev sống sót sau cú nhảy.
Đức Quốc xã bắt Devyatayev và giam giữ tại trại tù binh ở Ba Lan. Phi công Liên Xô nhất quyết không hợp tác với Đức Quốc xã và đào hầm trốn khỏi nhà tù.
Tuy nhiên, đường hầm bị quân Đức Quốc xã phát hiện. Devyatayev bị kết án tử hình và được chuyển đến trại tập trung Sachsenhausen thuộc thị trấn Oranienburg, Đức - nơi phi công này dự kiến bị hành quyết.
Cái chết một lần nữa cận kề Devyatayev nhưng một "quý nhân" đã giúp thay đổi số phận của phi công Liên Xô. Khi Devyatayev được đưa tới khu vực cắt tóc, một trong số các tù nhân đứng chờ ở hành lang đã hút thuốc. Người này lập tức bị cai ngục Đức đánh chết.
Không chút do dự, người thợ cắt tóc gỡ thẻ số khỏi tù nhân bị đánh chết và thay bằng thẻ số của Devyatayev. Thi thể với số thẻ của Devyatayev được mang đi hỏa thiêu. Phi công Liên Xô nhờ đó mà thoát được án tử và sống nhờ vỏ bọc là cựu giáo viên Grigory Nikitenko.
Ngay sau đó, Devyatayev một lần nữa phải "đổi" nhà tù. Phi công Liên Xô được chuyển đến một trại tập trung trên đảo Usedom ở biển Baltic. Tại đây, Đức Quốc xã còn mở một địa điểm thử nghiệm bí mật có tên là Peenemünde.
Các vũ khí mà Hitler xem là "vũ khí kỳ diệu" của Đức Quốc xã như máy bay phản lực đầu tiên, tên lửa hành trình V-1 hay tên lửa đạn đạo V-2 đều được nghiên cứu và phát triển tại địa điểm này.
Devyatayev có thể chất khỏe mạnh, được chọn để làm việc tại bãi thử nghiệm. Công việc của ông là di chuyển thiết bị, vật liệu và dọn bom chưa nổ do oanh tạc cơ của Đồng Minh thả xuống. Theo Russian Beyond, một phi công Liên Xô không bao giờ được quân Đức cho phép đến gần sân bay và máy bay. Nhưng Devyatayev khi đó đang sống dưới vỏ bọc là cựu giáo viên Nikitenko nên vẫn được làm việc tại đó.
Sau quá trình làm quen và tìm hiểu kỹ lưỡng nơi làm việc mới, Devyatayev quyết định vượt ngục một lần nữa. Phi công Liên Xô tập trung được 9 tù nhân cùng chí hướng. Nhóm quyết định bỏ trốn bằng đường không và chọn chiếc oanh tạc cơ Heinkel He 111 làm công cụ vượt ngục.
"Chúng tôi đưa ra quyết định vượt ngục vào đầu tháng 1/1945. Kể từ thời khắc đó, chúng tôi đã gọi oanh tạc cơ Heinkel He 111 bằng cái tên thân thuộc: Heinkel của chúng ta", Devyatayev viết trong cuốn hồi ký Polyot k solntsu (tạm dịch: Chuyến bay về phía Mặt trời).
"Chiếc oanh tạc cơ là của quân Đức Quốc xã nhưng chúng tôi coi nó như của mình vì cả nhóm không rời mắt khỏi nó. Chúng tôi nghĩ và nói về nó, đặt tất cả cảm xúc, hy vọng lên chiếc Heinkel He 111. Trong trí tưởng tượng của mình, tôi đã hơn một lần nghĩ đến cảnh tự tay khởi động nó, chạy trên đường băng, cho máy bay cất cánh, vút lên những đám mây...", phi công Liên Xô viết trong hồi ký.
Theo Russian Beyond, Devyatayev là thành viên duy nhất trong nhóm có kinh nghiệm điều khiển máy bay. Phi công này tận dụng mọi cơ hội để tới gần chiếc Heinkel He 111 và có thể liếc nhìn vào bảng điều khiển bên trong.
Ngày 8/2/1945, một bước ngoặt đã diễn ra. Trong giờ ăn trưa tại địa điểm thử nghiệm máy bay, 10 tù nhân đã lẻn đến chỗ để chiếc Heinkel, giết chết lính gác và chuẩn bị cho oanh tạc cơ cất cánh.
Toàn bộ kế hoạch tưởng chừng như thất bại khi nhóm phát hiện ra rằng pin điện của chiếc Heinkel bị thiếu. Cả nhóm nhanh chóng tản ra xung quanh để tìm kiếm. May mắn, họ tìm thấy phần còn thiếu và khẩn trương đưa lên máy bay.
"Không ai ở sân bay chú ý đến tiếng gầm rú của chiếc Heinkel. Tôi có thể dễ dàng hình dung phản ứng của các kỹ thuật viên và phi công. Họ đang vui vẻ ăn uống... Đó là lý do tôi không ngại khởi động máy để bay thử. Tôi cảm thấy rất tự tin và thoải mái. Bây giờ, không ai có thể ngăn cản chúng tôi tăng tốc và bay lên không trung", Devyatayev chia sẻ lại khoảnh khắc lịch sử trong hồi ký. "Tôi cảm thấy như chúng tôi đã được tái sinh".
Tuy nhiên, nỗ lực đầu tiên để đưa oanh tạc cơ cất cánh đã hoàn toàn thất bại. Chiếc Heinkel đến cuối đường băng mà không thể bay lên và gần như dừng lại ở rìa của một đường dốc thẳng đứng. Quay vòng máy bay, Devyatayev thử thêm lần nữa. Phi công Liên Xô lái oanh tạc cơ theo hướng ngược lại, đi thẳng qua một đám đông lính Đức đang ngơ ngác. "Chúng không thể ngờ chiếc Heinkel lại lao thẳng về phía mình. Và càng không thể ngờ hơn, người điều khiển oanh tạc cơ là một tù nhân. Lính Đức bỏ chạy tán loạn. Tôi cần phải cho máy bay cất cánh trước khi các khẩu súng phòng không của Đức khai hỏa hay trước khi đám lính kia kịp báo động và chiến đấu cơ Đức xuất kích. Tôi phải làm gì đó để mọi chuyện không quá muộn".
Sau hàng loạt nỗ lực, Devyatayev cuối cùng cũng đưa được oanh tạc cơ lên không trung. Nhưng đó cũng là lúc tiếng còi báo động rền vang ở khu vực sân bay thử nghiệm. Ngoài hệ thống súng phòng không sẵn sàng khai hỏa, các chiến đấu cơ của quân Đức cũng sẵn sàng nhận lệnh bắn hạ chiếc Heinkel đơn độc.
Nhưng Devyatayev là một phi công giàu kinh nghiệm, ông biết cách "giấu" oanh tạc cơ trong những đám mây dày đặc, khiến phi công Đức không xác định được vị trí và hướng bay của chiếc Heinkel.
Theo Russian Beyond, chỉ có một chiếc Focke-Wulf tiếp cận được chiếc Heinkel. Nhưng chiếc chiến đấu cơ của Đức Quốc xã không thể bắn hạ oanh tạc cơ do Devyatayev điều khiển. Vì nó không còn đạn khi đang trên đường trở về sân bay sau một nhiệm vụ trước đó.
Sau khi nghiên cứu các biểu đồ tìm thấy trên oanh tạc cơ, Devyatayev quyết định lái máy bay vượt biển hướng về Leningrad. Khi Devyatayev đưa máy bay vào không phận Liên Xô, bất ngờ một chiếc Focke-Wulf khác tiếp cận chiếc Heinkel.
Phi công trên chiếc Focke-Wulf chưa biết chuyện Devyatayev cướp máy bay nên không hiểu vì sao chiếc oanh tạc cơ Heinkel của quân Đức lại bay vào lãnh thổ Liên Xô ở tầm thấp, với phần càng hạ cánh được hạ xuống.
Chưa kịp tìm hiểu chuyện gì xảy ra, chiếc Focke-Wulf đã bị súng phòng không của Liên Xô đuổi đi. Tuy nhiên, chiếc Heinkel do Devyatayev điều khiển cũng bị trúng đạn. Dù gặp phải hỏa lực "rát" từ phía phòng không Liên Xô, Devyatayev vẫn cố gắng cho oanh tạc cơ hạ cánh. Lực lượng bộ binh Liên Xô sau đó bao vây chiếc Heinkel.
Devyatayev cùng 2 tù binh khác được đưa đến một trại sàng lọc trong thời gian cấp bậc, danh tính của họ được xác minh. Sau khi được làm rõ thân phận, Devyatayev đã góp công lớn khi cung cấp tọa độ của các bệ phóng tên lửa của quân Đức trên đảo Usedom với độ chính xác cao. Quân đội Liên Xô đã thực hiện không kích ngay lập tức theo tọa độ đó, tiêu diệt không chỉ tên lửa đạn đạo V-2, mà cả phân xưởng ngầm sản xuất bom uranium, dập tắt hy vọng tiếp tục chiến tranh của Hitler.
Herman Goering - Tổng Tư lệnh lực lượng không quân Đức (Luftwaffe) - tuyên bố Devyatayev là kẻ thù cá nhân của mình. Goering đã cùng một số binh sĩ đến ngay hiện trường và xử bắn tại chỗ chỉ huy trại tù, bốn lính canh cùng một số binh sĩ khác vì để nhóm của Devyatayev bỏ trốn.
Tháng 11/1945, Devyatayev rời quân ngũ, làm nhiều công việc khác nhau, đồng thời, tham gia các hoạt động xã hội và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Năm 1957, phi công này được trao tặng danh hiệu cao quý - Anh hùng Liên Xô.
Theo Russian Beyond, Devyatayev dành thời gian để hỗ trợ nhà thiết kế Sergei Korolev, người được coi là cha đẻ của ngành du hành vũ trụ Liên Xô, trong các nghiên cứu về tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình Đức, giúp Liên Xô phát triển các hệ thống vũ khí tên lửa tiên tiến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.