Công phá sào huyệt phát xít Đức, bao nhiêu chiến sĩ Hồng quân Liên Xô hy sinh?
Công phá sào huyệt phát xít Đức, bao nhiêu chiến sĩ Hồng quân Liên Xô hy sinh?
Duy Sơn
Thứ ba, ngày 20/06/2023 20:35 PM (GMT+7)
Để đập tan được sào huyệt cuối cùng của phát xít Đức, Hồng quân Liên Xô chịu tổn thất to lớn với 78.291 quân nhân hy sinh, 274.184 người khác bị thương.
Chiến dịch Berlin của Hồng quân Liên Xô bắt đầu ngày 16/4/1945 sau trận pháo kích và không kích dữ dội vào thành phố nơi quân đội Đức Quốc xã cố thủ.
Phương diện quân Belorussia 1 do nguyên soái Georgi Zhukov tiến đánh các vị trí đối phương dọc sông Oder. Cùng lúc, Phương diện quân Ukraina 1 của Nguyên soái Ivan Konev vượt sông Neisse.
Sau khi chọc thủng các tuyến phòng ngự của quân đội Đức, Phương diện quân Belorussia 1 ngày 20/4/1945 pháo kích tầm xa nhằm vào Berlin, tiến tới khu ngoại ô phía Đông Bắc thành phố đêm hôm sau.
Phương diện quân Ukraina 1 cũng nhanh chóng tiếp cận khu vực phía Nam, sau đó sử dụng ưu thế về tăng thiết giáp cơ động sang khu vực phía Tây.
Ngày 25/4/1945, hai phương diện quân hội quân ở phía Tây Berlin, vây chặt khoảng 500.000 người của Đức gồm quân đội, đội cận vệ của Đảng Quốc xã, bảo an, cảnh sát và dân quân Volkssturm. Lực lượng Đức phòng thủ Berlin có khoảng 3.000 pháo hạng nặng và 250 xe tăng.
Phương diện quân Belorussia 2 vượt sông Oder và kìm chân Tập đoàn Thiết giáp 3 của Đức đang tìm cách giải vây cho Berlin. Sau những trận giao tranh ngày 26-28/4/1945, Hồng quân Liên Xô chia cắt lực lượng Đức tại Berlin thành ba ổ đề kháng.
Các trận đánh khóc liệt diễn ra trên phố, trong nhà và dưới hầm tàu điện ngầm. Lực lượng Liên Xô được các đơn vị thiết giáp và pháo binh yểm hộ đánh bật quân Đức khỏi từng khu phố, có ngày chiếm được 300 khu nhà.
Không quân Liên Xô điều hàng nghìn máy bay oanh tạc Berlin. Trận không kích dữ dội nhất diễn ra ngày 25-26/4/1945 với 2.049 máy bay tham gia.
Tập đoàn quân Xung kích 3 của Phương diện quân Belorussia ngày 28/4/1945 tiếp cận tòa nhà Quốc hội Đức (Reichstag) và đối đầu với khoảng 1.000 lính phòng thủ của đối phương. Hồng quân Liên Xô cắm cờ trên nóc tòa nhà Reichstag vào đêm 30/4, song chỉ chiếm được toàn bộ tòa nhà vào ngày 2/5, khi nhóm lính Đức cố thủ trong hầm ngầm đầu hàng.
Hơn 2.000 lính Đức bị tiêu diệt trong trận đánh ở Reichstag, hơn 2.600 người bị bắt làm tù binh. Hồng quân Liên Xô thu được khoảng 1.800 súng trường và tiểu liên, 59 tổ hợp pháo, 15 xe tăng và pháo tự hành trong trận đánh tại đây.
Sáng 2/5/1945, phía Đức gửi thông điệp bằng tiếng Nga: “Xin ngừng bắn. Chúng tôi đã gửi người đàm phán tới cầu Postdam”. Đại tướng Đức Helmuth Weidling, tư lệnh lực lượng phòng thủ Berlin, gặp tướng lĩnh Liên Xô và nói sẽ ngừng kháng cự.
Weidling lệnh cho binh sĩ Đức tại Berlin đầu hàng Liên Xô qua hệ thống loa phóng thanh. Tuy nhiên, nhiều nhóm lính Đức kháng lệnh và tiếp tục chống trả tới khi bị bắt hoặc tiêu diệt ngày 5/5/1945. Tổng cộng hơn 134.000 binh sĩ Đức tại Berlin bị bắt, một số trốn khỏi thành phố và tới khu vực Mỹ kiểm soát.
Đêm 8/5, rạng sáng 9/5, phát xít Đức ký văn kiện đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, chấm dứt Thế chiến II ở châu Âu.
Trong chiến dịch Berlin, quân đội Liên Xô bao vây và tiêu diệt 70 sư đoàn bộ binh, 23 sư đoàn thiết giáp và bộ binh cơ giới Đức, bắt 480.000 tù binh.
Để đập tan được sào huyệt cuối cùng của phát xít Đức, Hồng quân Liên Xô chịu tổn thất to lớn với 78.291 quân nhân hy sinh, 274.184 người khác bị thương. Phía Đức mất khoảng 100.00 binh sĩ và 220.00 người bị thương. Khoảng 125.000 người trong số 2 triệu dân thường ở Berlin thiệt mạng trong các cuộc giao tranh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.