Bị bắt vì dùng nhục hình, cựu đội trưởng, đội phó công an ở Thái Bình đối mặt mức phạt nào?

Quang Trung Thứ sáu, ngày 11/11/2022 15:57 PM (GMT+7)
Cựu đội trưởng, đội phó công tác tại Công an huyện Vũ Thư (Thái Bình) vừa bị khởi tố, bắt tạm giam về tội dùng nhục hình. Bộ luật hình sự quy định về tội danh này thế nào?
Bình luận 0

Khởi tố cựu đội trưởng, đội phó công an ở Thái Bình

Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao ngày 10/11 đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Quang Hùng (cựu đội trưởng) và Trịnh Thanh Hùng (cựu đội phó) cùng công tác tại Đội cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Công an huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) để điều tra về tội dùng nhục hình.

Bị bắt vì dùng nhục hình, cựu đội trưởng, đội phó công an ở Thái Bình đối mặt mức phạt nào? - Ảnh 1.

Công an huyện Vũ Thư, nơi hai cựu công an từng công tác. Ảnhh: CTV

Hai cựu cán bộ trên bị bắt vì đã liên quan đến cái chết bất thường của 1 nam nghi phạm tại nhà tạm giữ Công an huyện Vũ Thư.

Trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam, cả hai đối tượng trên đã bị tước danh hiệu Công an nhân dân.

Quy định về tội dùng nhục hình

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, tội danh cựu đội trưởng, đội phó công an ở Thái Bình vừa bị khởi tố được quy định tại Điều 373 Bộ luật hình sự 2015.

Dùng nhục hình là hành vi của người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tác động lên thể xác của người bị buộc tội, khiến họ bị đau đớn, tổn hại về sức khỏe, tinh thần và nhân phẩm.

Theo bà Thơ, chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ có những người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc… mới có thể thực hiện được tội phạm này.

Người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự có thể thực hiện một hoặc một số hành vi dùng nhục hình như tra tấn, đánh đập, bắt nhịn ăn, nhịn uống, cho ăn cơm thừa, canh cặn, không cho ngủ, cùm kẹp, hỏi cung suốt ngày đêm…

Tội phạm xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người tham gia tố tụng, làm giảm uy tín của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án và cơ quan thi hành án.

Người phạm tội thực hiện các hành vi phạm tội của mình là do lỗi cố ý, tức là người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc chỉ thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, chỉ cần người phạm tội thực hiện hành vi dùng nhục hình là tội phạm đã hoàn thành.

Ngoài ra, theo vị luật gia, mức hình phạt đối với tội này được chia thành ba khung, cụ thể như sau: Khung một có mức hình phạt là phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm được áp dụng trong các trường hợp có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản.

Khung hai có mức phạt tù từ 2 đến 7 năm nếu phạm tội 2 lần trở lên; Đối với 2 người trở lên; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt…

Khung ba có mức phat tù từ 7 đến 12 năm nếu gây thương tích hoặc gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên; Làm người bị nhục hình tự sát.

Khung bốn quy định, nếu phạm tội làm người bị nhục hình chết sẽ bị phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Như vậy, sau khi bị khởi tố, bắt tạm giam, nếu bị chứng minh có tội, tùy tính chất mức độ mà hai người trên có thể đối mặt với các khung hình phạt nêu trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem