Bị bức cung, ở tù oan 31 năm

Chủ nhật, ngày 22/12/2013 07:53 AM (GMT+7)
Bị tù oan 31 năm, sau khi được trả tự do, Stanley Wrice cho biết ông từng phải nhận tội hiếp dâm sau khi bị cảnh sát dùng đèn chớp và cây nhựa đánh vào háng và mặt ông để bức cung. Nhiều tù nhân khác cũng nói họ bị bức cung và tra tấn.
Bình luận 0
Wrice nay 59 tuổi, từng bị bắt hồi tháng 9.1982. Lúc đó cảnh sát Chicago nêu ông cùng vài người bạn đang lái xe thì trông thấy một người phụ nữ, liền đón cô rồi đưa về nhà Wrice, nơi cô bị hiếp liên tục rồi bị dùng bàn ủi chà lên cơ thể, rồi họ toan thiêu sống cô. Sau đó, Wrice bị kết án oan những 100 năm tù vì tội hiếp dâm, gây bạo lực có vũ trang, bắt người trái phép.

img
Stanley Wrice ngày ra tù

Khi bị xử và những năm sau đó, Wrice vẫn khẳng định ông bị bức cung và phải nhận tội hiếp dâm, sau khi 2 “cớm” John Byrne và Peter Dignan dùng đèn chớp và cây nhựa đánh vào háng và mặt ông. Một nhân chứng cũng cho biết ông ta cũng bị Byrne và Dignan đánh cho đến khi ông chịu làm chứng giả chống lại Wrice. Luật sư Flint Taylor cũng khẳng định một thân chủ là cựu tù Darrell Cannon nói ông cũng bị hai "cớm” này tra tấn.

Ngày 11.12, Wrice được tự do, rời khỏi một nhà tù ở bang Illinois, nhờ phán quyết của chánh án Tòa án tối cao bang vào ngày trước đó, nêu hai cảnh sát đã nói dối về kỹ thuật lấy lời khai do trung sĩ Jon Burge chỉ định. Luật sư của các nạn nhân bị tra tấn khác cũng nói đó là 2 công cụ tra tấn để buộc nhận tội vào thời Burge là chỉ huy cảnh sát Chicago. Wrice là một trong hơn 20 tù phạm - đa số là dân da màu - khẳng định họ bị cảnh sát tra tấn theo lệnh của trung úy Burge.

Nữ luật sư Heidi Linn Lambros kể khi tòa công bố phán quyết trả tự do cho Wrice, ông “lắc tay tôi, mắt đẫm lệ nhìn tôi và nói ông nợ tôi một USD”, ám chỉ món cá độ bà cược với ông rằng bà sẽ đưa ông về nhà vào dịp Noel.
Wrice nói khi gặp lại hai cô con gái, các luật sư cùng những người ủng hộ: “Tôi vui tột cùng, hạnh phúc vì cuối cùng cuộc đày đọa đã kết thúc”. Ông cho biết đã thức suốt đêm trước ngày ra tòa chờ tin mình có được trả tự do hay không, nên ông liên tục trò chuyện với các bạn tù. Họ đề nghị ông hát bài ca ông thích mang tựa Tôi vẫn chờ. Ông kể: “Tôi bảo họ: “Tôi không thể chờ lâu hơn nữa. Nay bài hát đó xưa rồi”.
Vài giờ sau khi được tự do, Wrice cảm thấy bị bất ngờ vì nay cũng sử dụng điện thoại di động và thất vọng đôi chút về các kiểu xe hiện đại: “Trông chúng như đồ chơi í”. Ông cũng thưởng thức lại một cái hamburger bự lần đầu tiên từ sau 30 năm. Trên hộp bánh, người chủ tiệm viết “Chúc mừng!”. Nhưng ông cũng cảm thấy có lỗi vì suốt một thời gian dài không thể dạy dỗ, chăm sóc hai cô con gái.


Hàng chục người nói từ những năm 1970, Burge và “lính” của ông ta đánh, trấn nước và siết cổ cho đến khi các nạn nhân phải nhận các tội từ cướp có vũ trang đến giết người. Burge chưa bao giờ bị truy tố hình sự vì thời hiệu các vụ án oan này đã hết hiệu lực, khiến ông ta không phải hầu tòa hình sự. Nhưng Burge đang phải thụ án 4 năm rưỡi tù vì tội khai man trước tòa và cản trở công lý, sau một vụ án dân sự năm 2010 cũng liên quan chuyện tra tấn can phạm.

Việc Wrice được tự do là một thắng lợi lớn cho các tù phạm và các cựu tù phạm khác, vì tòa nêu dù có chứng cứ chính quyền tra tấn bị cáo hay không, không bao giờ có thể xem sự ép cung, bức cung là một “sai lầm vô hại”. Vị thẩm phán cũng nói 2 cảnh sát đã “nói láo” rằng họ đánh Wrice. Với phán quyết này, chánh án Richard Walsh cho Wrice được tự do và có thể mở phiên tòa mới để xử lại. Luật sư của văn phòng công tố bang có thể xử lại Wrice, nhưng khó thể xảy ra chuyện này, vì nhiều công tố viên đã qua đời và các cảnh sát liên quan đều đã bị sa thải. Ngày 26.12 tới, một thẩm phán sẽ tuyên có xử Wrice lại hay không, nhưng luật sư của ông hy vọng vụ án sẽ được hủy luôn.

Đây là một vụ tai tiếng càng khiến Chicago nổi tiếng là “thiên đàng của cớm mất chất”, nơi mà cảnh sát có thể ngược đãi nghi can mà không bị cảnh cáo hoặc bị kỷ luật. Những cáo buộc cảnh sát tra tấn để bức cung, ép cung cũng giúp dẫn đến việc cựu Thống đốc bang Illinois là George Ryan ký duyệt quyết định tạm thi hành án tử hình năm 2000, rồi đến năm 2011, Thống đốc Pat Quinn hủy án tử hình. Một số tù phạm bị kết án oan đã được trả tự do, số khác vẫn còn ở tù thì hy vọng cũng được xem xét sự oan sai như Wrice đã được.
Cha con Wrice đoàn tụ cùng với luật sư
Cha con Wrice đoàn tụ cùng với luật sư

2 “cớm” Byrne và Dignan đều đã ra khỏi lực lượng, cũng không bị truy tố hình sự hoặc dân sự vì án hết thời hiệu như Burge. Giáo sư luật Leonard Cavise là thành viên một ủy ban xem xét các vụ tra tấn thời Burge, nói: “Hậu quả là tôi không biết có cách nào để tóm 2 ông này”. Cavise cũng cho biết có ít nhất 100 vụ can phạm bị tra tấn chờ xem xét. Trong chuyện sai phạm của Burge cũng có “sự nhạy cảm chính trị”: dưới thời cựu Thị trưởng Richard M. Daley, sự bức cung thường chỉ được phát hiện ở tòa. Daley là công tố viên trưởng ở Cook County trong một giai đoạn “trị vì” của Burge, và ông đã truy tố thành công nhiều vụ án. Cho đến nay, ông ra làm chứng nhưng không thực hiện quy định thề sẽ nói sự thật, hoặc chủ yếu là kín miệng trước các cáo buộc cảnh sát bức cung ngày càng tăng.

Hồi tháng 9.2013, tòa thị chính Chicago chính thức xin lỗi, khi đương kim Thị trưởng Rahm Emanuel (từng là trợ lý của Tổng thống Mỹ Barack Obama) ký chi hơn 27 triệu USD để bồi thường riêng trong năm nay. Giới chỉ trích cũng muốn Tòa thị chính lập quỹ đào tạo việc làm, chăm sóc y tế cùng các hình thức bồi thường khác cho các nạn nhân bị tù oan mà vì nhiều lý do, họ không thể nhờ tòa xem xét lại. Cavise nói Thị trưởng Emanuel kiên quyết chống án oan, thay vì chọn cách bồi thường lập tức vốn ít tốn kém hơn. Thường thì Tòa thị chính phải thuê luật sư của Andrew Hale & Associates, một công ty luật ở Chicago đã kiếm được hơn 20 triệu USD từ những vụ án oan. Cavise nói: “Đó là mối bở cho họ. Chưa người bị tra tấn nào kiếm được tiền, nhưng luật sư của các cớm thì phất to”.

Wrice chỉ còn một lựa chọn là kiện tòa thị chính Chicago, như các tù nhân oan khác đã làm. Tòa thị chính Chicago đã phải chi hơn 85 triệu USD tiền án phí và bồi thường cho 17 vụ án liên quan Burge, người chỉ huy một đơn vị mật chuyên tra tấn khi lấy lời khai các can phạm từ năm 1972 đến 1991. Hồi đầu năm nay, Ronald Kitchen và Marvin Reeves (đều được tha năm 2009 vì tội giết nhiều người hồi năm 2009) đã được bồi thường 6,15 triệu USD/người. Nhưng nữ luật sư Jennifer Bonjean của Wrice nói: “Đáng tiếc là người đóng thế sẽ phải chịu gánh nặng này. Nhưng Wrice cũng đã bị mất 31 năm trong đời ông”.
Diên Phúc (Thế giới & Hội nhập/ Christian Science Monitor) (Diên Phúc (Thế giới & Hội nhập/ Christian Science Monitor))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem