Bị cáo buộc vòi tiền để cho án treo, cựu thẩm phán ở Ninh Bình đối mặt khung hình phạt nặng

Quang Trung Thứ năm, ngày 25/08/2022 06:50 AM (GMT+7)
Quá trình thụ lý vụ án, một thẩm phán của TAND huyện Nho Quan (Ninh Bình) bị cáo buộc "vòi tiền" và nhận của bị cáo 20 triệu đồng để giúp được hưởng án treo. Hành vi này có thể bị xử lý thế nào?
Bình luận 0

Cựu thẩm "vòi tiền" và nhận 20 triệu đồng để cho án treo

Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Hứa Công Nguyên (41 tuổi), cựu thẩm phán TAND huyện Nho Quan (Ninh Bình), để điều tra về tội "nhận hối lộ".

Bị cáo buộc vòi tiền để cho án treo, cựu thẩm phán ở Ninh Bình có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Trụ sở TAND huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình nơi ông Hứa Công Nguyên làm việc. Ảnh: Trần Hải.

Bước đầu, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao xác định quá trình đương chức, thẩm phán Nguyên được phân công thụ lý, xét xử một vụ án "cố ý gây thương tích" xảy ra trên địa bàn huyện.

Quá trình thụ lý, ông Nguyên đã có hành vi "vòi tiền" và nhận 20 triệu đồng của bị cáo nhằm giúp bị cáo được hưởng án treo.

Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đang tiếp tục làm rõ vụ án để xử lý theo quy định pháp luật.

Khung hình phạt của tội nhận hối lộ

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, nhận hối lộ được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận bất kì lợi ích nào cho mình hoặc cho người, tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Hành vi nhận hối lộ được quy định tại điều 354 Bộ luật hình sự 2015. Hành vi này được thực hiện với lỗi cố ý cùng với động cơ vu lợi và xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội…

Chủ thể của tội nhận hối lộ là người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị của nhà nước.

Ông Hòe cho biết, theo Điều 354, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, có thể bị phạt tù với mức thấp nhất là hai năm, mức cao nhất là tử hình.

Cụ thể, bị phạt tù từ 2 đến 7 năm trong trường hợp tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…

Bị phạt tù từ 7 đến 15 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn; Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100 đến dưới 500 triệu đồng; Gây thiệt hại về tài sản từ 1 tỉ đồng đến dưới 3 tỉ đồng; Phạm tội hai lần trở lên…

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp như của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500 đến dưới 1 tỷ đồng; Gây thiệt hại về tài sản từ 3 tỉ đồng đến dưới 5 tỉ đồng… sẽ bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Như vậy, nếu bị chứng minh có tội nhận hối lộ, với số tiền 20 triệu đồng đã nhận, cựu thẩm phán Hứa Công Nguyên có thể phải đối mặt với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù. Đây là khung hình phạt theo quy định của khoản 1 Điều 354.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem