Bị đuổi học vì mẹ chê đồng phục trên facebook: Nhà trường có phạm luật?

Thứ tư, ngày 09/09/2015 08:17 AM (GMT+7)
Trả lời PV Infonet, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, việc cho học sinh nghỉ học như báo chí nêu, trường có thể đã vi phạm luật giáo dục.
Bình luận 0

Mới đây, cộng đồng xôn xao khi báo chí đưa tin, một học sinh bị nhà trường đuổi học vì mẹ lên Facebook chê đồng phục nhà trường. Để góp tiếng nói từ góc nhìn pháp luật, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường về vấn đề này. 

Thưa luật sư, mới đây, báo chí đưa tin, chỉ vì phụ huynh chê cà vạt đồng phục trường trên Facebook, học sinh bị đuổi. Vậy theo luật sư, việc làm này của trường có vi phạm luật không? Vi phạm quy định pháp luật nào?

Luật sư Đặng Văn Cường: Theo thông tin báo chí cung cấp cho thấy: Một học sinh tiểu học đã bị nhà trường đuổi học khi phụ huynh chê cà vạt đồng phục của trường trên facebook. Hiện nay, dư luận đang có rất nhiều ý kiến trái chiều về hành vi buộc thôi học nêu trên của nhà trường.

Theo quy định pháp luật, đối với vấn đề kỷ luật học sinh tiểu học, khoản 2 Điều 44 Điều lệ Trường Tiểu học (Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) quy định như sau

“2. Học sinh phạm khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện thì tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp sau:

a) Nhắc nhở, phê bình;

b) Thông báo với gia đình.”.

Như vậy, theo quy định trên thì chỉ có hai hình thức xử lý vi phạm kỷ luật với đối tượng là học sinh tiểu học, không có quy định về việc kỷ luật đuổi học, buộc thôi học.

Căn cứ quy định trên, nhà trường được áp dụng hình thức kỷ luật học sinh khi học sinh phạm những khuyết điểm (lỗi) trong quá trình học tập và rèn luyện. Hơn nữa, hình thức buộc thôi học không phải là hình thức kỷ luật học sinh. Do đó, việc nhà trường buộc học sinh thôi học trong trường hợp này là không có căn cứ.

Như vậy, hành vi trên của nhà trường có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 21 Nghị định 138/NĐ-CP ngày 22/10/2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục như sau:

“Điều 21. Vi phạm quy định về kỷ luật người học, ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi kỷ luật buộc người học thôi học không đúng quy định.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ các quyết định trái pháp luật và khôi phục quyền học tập của người học đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.”.

Phụ huynh và gia đình cháu bé bị đuổi học sẽ làm gì để đảm bảo quyền được học tập của cháu?

Luật sư Đặng Văn Cường: Trước hết, có thể nói học tập vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của công dân. Điều này đã được ghi nhận tại Điều 39 của Hiến pháp nước ta. Riêng đối với học sinh tiểu học, quyền được học tập của học sinh tiểu học còn được quy định tại Điều 16 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Cụ thể như sau, Điều 16 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định như sau:

“Điều 16. Quyền được học tập

1. Trẻ em có quyền được học tập.

2. Trẻ em học bậc tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập không phải trả học phí”

 Trong trường hợp này, để đảm bảo quyền học tập của cháu, phụ huynh và gia đình cháu bé có thể khiếu nại lên hiệu trưởng nhà trường đề nghị nhà trường hủy bỏ quyết định buộc thôi học và khôi phục lại quyền học tập của cháu.

Tuy nhiên, nếu trường trên là trường dân lập, bán công thì cần xem lại hợp đồng đào tạo giữa trường đó với gia đình học sinh để biết quyền lợi, nghĩa vụ của mình trên cơ sở các quy định của luật giáo dục và các văn bản pháp luật có liên quan.

img

 Chiếc cà vạt đồng phục bị chê xấu và chuyện học sinh bị đuổi học

Xoay ngược vấn đề chút, vậy việc phụ huynh chê đồng phục của trường có vi phạm quy định nào của pháp luật không, thưa luật sư?

Luật sư Đặng Văn Cường: "Khen, chê" là quan điểm, là thái độ của con người trước một hình ảnh, sự việc xảy ra trong xã hội. Việc phụ huynh khen hay chê đồng phục, trang phục, cách giảng dạy, thậm chí chất lượng giáo dục của một trường học là chuyện hết sức bình thường.

Đó là thái độ, là quan điểm, là sự phản ánh tâm lý xã hội trước một hiện tượng diễn ra một cách tất yếu. Nếu một trường học, cơ quan tổ chức nào đó cứ bắt buộc cán bộ, nhân viên, đối tác của mình phải khen "cấm chê" cái tổ chức đó thì thật nực cười. Chính từ những thái độ khen, chê chân thành, trung thực khiến đối tượng bị chê sẽ nhìn nhận lại sự việc để có cách đánh giá toàn diện hơn.

Vì vậy, dưới góc độ pháp lý cũng như góc độ xã hội thì việc phụ huynh có thái độ chê trang phục của nhà trường nơi con mình theo học là một việc hoàn toàn bình thường, thậm chí còn có ích, có lợi cho nhà trường trong việc đổi mới trang phục sao cho phù hợp hơn, đẹp hơn. Nhà trường nên biết ơn những người chê, những người mạnh dạn bày tỏ quan điểm, ý kiến như vậy mới đúng.

Tuy nhiên, việc bày tỏ thái độ chê bai khá gay gắt, quyết liệt trên mạng xã hội khi chưa góp ý thẳng thắn với nhà trường là không nên. Ý tưởng, quan điểm thì tốt nhưng cách thức thể hiện thì có thể chưa thực sự hợp lý.

Điều này cũng là thói quen của nhiều người Việt. Nhất là khi họp thì im như thóc, nhưng lên Facebook chẳng ngại ngần gì, nhiều khi làm ảnh hưởng đến chính cơ quan của mình.

Nhân đây, theo luật sư cần lưu ý thế nào đối với những người tham gia mạng xã hội khi bày tỏ chia sẻ thông tin?

Luật sư Đặng Văn Cường: Mạng xã hội là một phương tiện truyền tin hiện đại với nhiều ưu điểm được số đông cộng đồng hưởng ứng, sử dụng. Đây là nơi để người sử dụng giao lưu, kết nối với những cá nhân, tổ chức vừa là nơi chia sẻ thông tin và thực hiện các công việc, nghề nghiệp. Do đó, đối với những người tham gia mạng xã hội, trước khi chia sẻ thông tin người sử dụng phải cân nhắc đến những tác động từ những thông tin đó tới xã hội và bản thân. Tránh trường hợp đưa tin gây thiệt hại tới uy tín, nhân phẩm, quyền lợi của tổ chức, cá nhân khác hoặc gây mâu thuẫn trong đời sống xã hội.

Theo quy định của pháp luật thì mọi người có quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm… tuy nhiên, quyền tự do đó cũng được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật cho phép, tránh việc lạm dụng, vượt quá giới hạn tự do của mình để xâm phạm tới quyền tự do của người khác. Việc tiếp cận các thông tin trên mạng xã hội cũng nên thận trọng, cần xem xét đánh giá tính chân thực của thông tin từ các nguồn dẫn của nó, tránh việc vội vàng tin và làm theo những thông tin không chính thống, thông tin chưa chưa được xác minh kiểm chứng, chưa được kiểm soát… sẽ mang lại tác hại cho bản thân và cộng đồng.

Có ranh giới nào cần cảnh báo với người dùng FB để tránh “tai bay, vạ gió” hoặc thậm chí vướng vào vòng lao lý?

Luật sư Đặng Văn Cường: Để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, người dùng facebook cần phải tránh chia sẻ những thông tin liên quan đến bí mật đời tư, hình ảnh cá nhân của người khác, những thông tin liên quan đến nội bộ của cơ quan, tổ chức khi chưa được phép.

Mặt khác, người dùng facebook không được chia sẻ những thông tin nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự của cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức, những thông tin khiêu dâm, đồi trụy hoặc những thông tin có mục đích kích động bạo lực, chống phá nhà nước… Không được lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, cá nhân khác, hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 258 Bộ luật hình sự.

Xin cảm ơn luật sư!

Luật sư Đặng Văn Cường là Trường Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Tp Hà Nội), địa chỉ tại 65B Tôn Đức Thắng. Là luật sư cộng tác nhiệt tình với Báo điện tử Infonet trong thời gian dài.

Hồng Chuyên (Infonet)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem