Bi hài chuyện hai chị em lấy chung một chồng

Chủ nhật, ngày 11/08/2013 19:10 PM (GMT+7)
Khi biết em vợ thích mình, Trãi cũng không phản ứng gì, thậm chí sau đó còn lén lút qua lại với chị Tươi. Dù biết rằng, đó là mối quan hệ ngang trái nhưng như ma xui quỷ khiến, hai người vẫn quấn quýt lấy nhau.
Bình luận 0
Hai chị em ruột sống chung nhà, cô chị có 2 đứa con, cô em đang bế đứa bé gần một tuổi. Oái oăm thay, tất cả đều là con của một người đàn ông, là chồng của cô chị. Ấy vậy mà anh chồng trẻ vẫn chưa vừa lòng, lại muốn lấy thêm vợ mới chỉ vì nhìn vợ cũ… chán!

Đắng lòng câu chuyện 1 ông 2 bà


Giữa chốn rừng núi này, câu chuyện người đàn ông lấy cả hai chị em gái (cả 3 đều là người Hrê) làm vợ được khá nhiều người biết tới. Chúng tôi tìm đến nơi thì người làng bảo sau khi nhận tiền đền bù, gia đình họ đã chuyển về ở gần khu tái định cư Nước Vương, thuộc xã Sơn Liên (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi).
Ngôi nhà của gia đình Trãi bên sườn đồi
Ngôi nhà của gia đình Trãi bên sườn đồi
Ngôi nhà sàn của Đinh Văn Trãi (26 tuổi) ở gần khu tái định cư này chẳng khác gì túp lều tạm bợ mà người dân thường dùng để trông coi rẫy. Nhà được dựng bằng những cây trụ xi măng xiêu vẹo, sàn làm bằng gỗ cũ, mái lợp tôn, vách cũng được dựng bằng vài tấm tôn sơ sài, nằm lẻ loi bên sườn núi.

Trong nhà có hai người phụ nữ trẻ măng và mấy đứa trẻ đang xúm xít chia nhau gói bột súp mì tôm Hảo Hảo, bên cạnh là nồi cơm nhão nhẹt còn dang dở. Hạt cơm rơi vãi khắp giường tre, sàn nhà.

Trong nhà chỉ thấy bàn ghế và nồi niêu xoong chảo ngổn ngang, hai tấm đệm mỏng cũ nát thay cho chiếc giường và mấy bộ quần áo cùng chăn màn rách tươm rải rác khắp nơi. Tôi hỏi mấy đứa trẻ: “Cha mấy cháu đâu rồi?”. Chúng ngơ ngác nhìn tôi.

Sau mấy câu trò chuyện bằng tiếng địa phương cùng lũ trẻ, một người phụ nữ cho biết: “Mấy đứa có đi học đâu mà biết tiếng phổ thông. Chúng bảo bố đi đâu không biết, chắc lại đi chơi ở nhà mấy người tít đồi cao kia kìa. Đây là những đứa con của bà vợ hai”.

Theo hướng tay người phụ nữ được coi là vợ cả, chỉ thấy ngọn núi hiện ra mờ mờ trong khói đá. Theo chị, đến đó phải mất cả ngày đường đi bộ. Ngồi trong căn nhà sàn nóng hầm hập, hai người vợ của Trãi, cũng là hai chị em ruột than thở: “Chắc tối Trãi mới về, có khi đi mấy ngày mới về đấy!”, cô chị - vợ cả - buông lời. Tiếp lời cô chị, cô em vừa bế đứa trẻ mới sinh chưa đầy một tuổi kể cho chúng tôi nghe về chuyện gia đình đầy tủi phận của mình.
Vợ và các con của Trãi bên bữa ăn nghèo nàn
Vợ và các con của Trãi bên bữa ăn nghèo nàn
Theo lời cô em kể, thì Đinh Văn Trãi là người rất đẹp trai, có năng khiếu hát hò, nhảy múa nên nhiều cô gái muốn lấy làm chồng. Khi ấy, cô chị là Đinh Thị Tùng mới mười tám tuổi cũng thuộc hàng đẹp gái nhất làng nên lọt vào mắt của Trãi. Lúc lấy Trãi, gia đình Trãi nghèo khó lắm. Trãi là con trai lớn trong nhà nên phải làm lụng vất vả để nuôi gia đình mà vẫn không đủ cái ăn, cái mặc.

Đến khi chị Tùng sinh đứa con thứ 3, em gái của chị là Đinh Thị Tươi được bố mẹ cho đến nhà anh chị để chăm nom, giúp đỡ chị gái lúc sinh nở và lo cho mấy đứa cháu. Câu chuyện bi hài cũng bắt đầu từ đây, chẳng hiểu sao trong thời gian sống cùng một nhà, Tươi bỗng dưng có tình cảm với anh rể.

Điều đặc biệt là khi biết em vợ thích mình, Trãi cũng không phản ứng gì, thậm chí sau đó còn lén lút qua lại với chị Tươi. Dù biết rằng, đó là mối quan hệ ngang trái nhưng như ma xui quỷ khiến, hai người vẫn quấn quýt lấy nhau.

Sau một thời gian, chuyện tình giữa em vợ và anh rể bị chính chị Tùng phát hiện. Khi này, chị Tươi đã mang bầu được nhiều tháng và tuyên bố với anh em họ hàng rằng, chỉ yêu và lấy anh rể mà thôi.

Khi biết được câu chuyện tình cảm giữa Trãi và chị Tươi, gia đình hai bên đều vô cũng phẫn nộ. Không chỉ chị Tươi mà Trãi cũng bị la mắng, chửi bới thậm tệ. Rất nhiều cuộc họp của bên nội, bên ngoại diễn ra để bàn cách xử lý vụ việc.

“Thời điểm ấy, mọi người vẫn khuyên tôi nên lập gia đình với người khác, để anh rể và chị gái được bình yên, hạnh phúc. Dù biết rằng phải như thế nhưng tôi lại không hành động được. Tôi đã yêu anh rể, dù đó là tình yêu ngang trái nhưng mãnh liệt, tôi không thể nào rời xa anh rể được. Tôi chấp nhận mọi lời chửi bới, xúc phạm để được sống bên anh rể. Ngày ấy, tôi đã nghĩ rằng, nếu tình huống xấu nhất, tôi sẵn sàng chết để chứng minh tình yêu với anh rể. Vậy mà không ngờ Trãi giờ lại bỏ bê chúng tôi như thế này!”, chị Tươi buồn bã kể lại.

Tôi hỏi cuộc sống của hai chị em với người chồng ấy thế nào, cả hai cùng lắc đầu chua chát: “Làm phận đàn bà khổ lắm anh ơi. Nhưng chuyện đã lỡ xảy ra rồi đành phải chấp nhận thôi! Ban đầu cũng khó khi thấy cảnh một ông hai bà như thế này, nhưng là chị em ruột sao đành bỏ nhau được. Thời gian gần đây khi có tiền đền bù đất đai của thủy điện, Trãi bỏ chúng tôi đi tối ngày. Nghe bảo Trãi muốn cưới thêm vợ nữa.

Giờ Trãi có tiền rồi, có nhiều con gái theo mà! Chị em tôi chỉ biết nghe lời Trãi thôi”. Nghe hai chị em giãi bày, tôi chẳng biết dùng lời nào an ủi. Dẫu sao vì trình độ dân trí còn thấp, người dân nơi đây vẫn luôn hành xử theo lệ làng, lấy cái tình để ứng xử với nhau trong cuộc sống. Chỉ buồn một điều rằng người chồng ấy lại tham vàng bỏ ngãi, khi hai người vợ đã sinh cho Trãi 4 đứa con.

Có tiền lại muốn cưới thêm vợ

Đang nói chuyện với hai chị em, thì từ đâu tiếng ô tô dồn về. Tươi bảo Trãi về rồi đấy. Tôi thấy chiếc Innova mới cáu cạnh từ từ chạy vào gầm nhà sàn. Trãi xuống xe rồi lấy mảnh vải lau chùi lại “con xe mới tậu hơn tỷ đồng” của mình. Chiếc xe ấy Trãi mua được từ tiền đền bù đất đai 5 tỷ của công trình thủy điện Đắkring. Không chỉ mua xe, từ khi có tiền, Trãi trở nên tiêu xài hoang phí.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đông Phong - Chủ tịch UBND xã Sơn Liên - bày tỏ lo lắng: “Hiện tượng người dân nhận tiền đền bù bỗng chốc thành tỷ phú rồi tiêu xài hoang phí là chuyện không hiếm ở đây thời gian vừa qua. Không chỉ mua sắm vật dụng không cần thiết, họ còn tiêu xài vào những việc vô bổ như la cà ăn nhậu, em út, cưới thêm vợ… khiến cuộc sống gia đình có nhiều xáo trộn. Trường hợp gia đình Trãi chỉ là một trong số nhiều gia đình ở đây. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần vận động, tuyên truyền nhưng không mấy có kết quả vì tiền của người dân, chính quyền không có quyền can thiệp vào việc tiêu xài của họ!”.
Tôi hỏi Trãi chuyện tặng mấy em út dưới phố chiếc điện thoại iPhone cả chục triệu như người ta nói có đúng không, Trãi gãi đầu tự nhận: “Tôi tặng mấy em vài chiếc điện thoại iPhone là chuyện thường, miễn là các em làm những gì tôi thích...”. Không những thế, chuyện Trãi đánh xe hơi xuống thành phố (TP.Quảng Ngãi - cách nơi ở 90km) ăn nhậu rồi chạy về là chuyện bình thường ở huyện. Đó là điều khiến người dân nơi đây mắt tròn mắt dẹt nhìn Trãi như người từ… “hành tinh lạ”.

Cũng từ khi có tiền, Trãi được nhiều "em út" vây quanh nên bỏ bê hẳn vợ con, quay sang yêu chiều "em út". Trãi cứ lao vào ăn chơi cho bằng các… đại gia ở phố khiến bà con nơi thôn bản giữa núi rừng heo hút phải ngán ngẩm. Trong khi ngôi nhà của Trãi đang sống cùng vợ con lại tồi tàn, thiếu thốn đủ thứ.

Trời mùa này đang nắng nóng, vậy mà vợ con của Trãi chẳng biết đến cái quạt máy là gì, bởi bao nhiêu tiền có được Trãi tiêu xài phung phí hết. “Đại gia” ở nhà rách này đi ô tô Innova, dùng điện thoại xịn, có 2 vợ và hàng chục “em út” ở phố, ấy vậy mà Trãi còn thổ lộ: “Chắc mình tiếp tục có vợ nữa, chứ ngán vợ cũ rồi!”. Nghe chồng nói như thế, hai cô vợ buồn bã lẳng lặng bỏ vào nhà. Lũ con đang ngồi ngóng cha về mang theo quà bánh, nhưng Trãi đi thẳng vào rồi nằm ngủ một mạch vì “đi chơi về mệt, phải ngủ để tối còn đi nữa”.
Đinh Văn Trãi bên chiếc xe hơn tỷ đồng của mình
Đinh Văn Trãi bên chiếc xe hơn tỷ đồng của mình
Lúc tôi xuống núi, vẫn thấy hai người vợ của Trãi đứng bên hiên nhà trông lũ trẻ nheo nhóc chơi dưới sân. Nếu cứ tiêu xài như thế, chẳng mấy chốc Trãi lại trở về tay trắng, nghèo lại hoàn nghèo, không biết lúc ấy Trãi sẽ lấy gì nuôi được hai vợ và một lũ con nheo nhóc như thế.

Chiều Sơn Liên buồn, khu tái định cư Nước Vương dần hiện lên với những ngôi nhà như bát úp ngang sườn dốc, ôm trọn một quả đồi bên cạnh cánh đồng ruộng bậc thang. Không biết sau này những đứa trẻ nheo nhóc con của Trãi sẽ ra sao khi từ nhỏ chúng đã sống trong cảnh thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, học hành không được tử tế… Rời Sơn Liên trong bóng chiều ảm đạm, tôi chợt thấy hình ảnh những người đàn bà Hrê cặm cụi leo núi, mặt cứ cắm xuống đất. Số phận của họ thật buồn thảm.
Gia Ly (Dòng Đời) (Gia Ly (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem