Chân dung nhà báo mẫn cán
Webb bén duyên với báo chí từ nhỏ, ông viết những bài báo đầu tiên khi còn đang theo học tại trường cấp 3 ở bang Indiana. Bỏ dở khóa học báo chí tại đại học Bắc Kentucky, ông bắt đầu làm việc cho tờ Kentucky Post từ năm 1978 và lấy vợ một năm sau đó. Sau một thập kỷ với nhiều lần chuyển chỗ làm tại bang Ohio, Webb và gia đình quay về California nơi ông “đầu quân” cho tờ San Jose Mercury News năm 1988.
Một cảnh trong bộ phim “Kill the Messenger (2014) có nội dung xoay quanh cuộc đời của Webb và cuộc điều tra của ông về “Liên minh đen tối”.
Chỉ sau một năm làm việc cho tờ báo này, một trận động đất có tên Loma Prieta đã xảy ra tại khu vực đồi núi ở Santa Cruz khiến 63 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương. Sau thảm họa này, Webb viết bài báo điều tra về sai phạm xây dựng tại các cây cầu cao tốc bị đổ sập trong động đất Loma Prieta và tác phẩm này của ông đạt được giải báo chí Pulitzer năm 1990.
Đối với những đồng nghiệp từng có cơ hội hợp tác với Webb, họ đều thể hiện sự trân trọng đặc biệt với ông. Walt Bogdanich, phóng viên điều tra của tờ New York Times, đã dùng những từ “thông minh” và “bảo thủ” để miêu tả Webb trong khi Tom Dresslar, một người bạn và cũng từng là đồng nghiệp của Webb nhấn mạnh ông là tuýp người “năng nổ” và dễ kết bạn.
Với một tình yêu đặc biệt dành cho nghề, khi biến cố xảy ra, Webb đã phải trải nghiệm những tổn thương sâu sắc.
Cơn bão “công kích”
Thực ra hầu hết những chi tiết Webb viết đều có sự chính xác nhất định, tuy nhiên việc khẳng định vấn nạn ma túy bắt nguồn từ lực lượng nổi dậy Contras tại Nicaragua đã được CIA biết rõ và bỏ qua mà không hề nhắc đến phản hồi của cơ quan này đã khiến loạt bài của Webb lại mang tính chủ quan. Webb từng kể lại rằng biên tập viên không hề yêu cầu ông khảo sát ý kiến của CIA. Vấn đề chính là loạt bài của Webb được đưa ra dựa trên các luận điểm nhiều hơn cả những gì chi tiết thực tế có thể hỗ trợ nên đã tạo ra nhiều sơ hở.
Cảnh sát khám xét những người gốc Phi bị tình nghi buôn bán chất gây nghiện ở Los Angeles trong những năm 1980
Nhà báo Eliane Shannon, người chuyên viết về vấn nạn ma túy, đã trả lời phỏng vấn tờ TIME sau khi loạt bài về “Liên minh đen tối” được đăng rằng ý tưởng của Webb là “huyễn hoặc”.
Trong khi đó, tờ L.A. Times đăng một loạt bài 3 kỳ cô đọng lại nội dung hơn 100 bài phỏng vấn thực hiện tại San Francisco, Los Angeles, Washington và Managua mà họ coi là “bằng chứng cho thấy lý lẽ của Webb là sai lầm”. Tuy nhiên, loạt này bị đánh giá cũng gặp phải thiếu sót tương tự như bài của Webb, ngoại trừ có hướng khác là đứng về phía CIA.
Một sự kiện đầy bất ngờ đã xảy ra khi những tờ báo tên tuổi như New York Times, Washington Post và Los Angeles Times cùng hợp lực đồng loạt đăng những bài báo nhằm “nhấn chìm” câu chuyện của Webb. Điều đáng nói là Jack E. White, nhà báo tại tờ TIME, nhận xét rằng chính bài điều tra bóc mẽ của những tờ báo trên cũng có vấn đề bởi họ chỉ chăm chăm mổ xẻ moi móc những khiếm khuyết trong bài của Webb mà không chú ý đến việc tìm hiểu thực sự về câu chuyện của CIA.
Tuy nhiên, cú sốc lớn hơn đối với Webb là bị “người nhà” quay lưng lại với ông. Tờ San Jose Mercury News điều Webb đến cơ quan thường trú của báo tại Cupertino. Sau đó, vào tháng 5.1997, Jerry Ceppos, Tổng Biên tập San Jose Mercury News, đã đăng tin thừa nhận loạt bài về “Liên minh đen tối” đã không đáp ứng được tiêu chuẩn của tờ báo.
Webb sau đó nộp đơn thôi việc và quyết định viết một cuốn sách để bảo vệ loạt bài của ông. Nhưng đến cuối mùa hè năm 1997, 25 nhà xuất bản đều từ chối in sách của Webb. Quyết định “chia tay” với nghề báo, Webb chấp nhận làm một điều tra viên cho cơ quan lập pháp bang California, điều mà nhiều người bạn của ông cho rằng đã khiến Webb “phí hoài tài năng”.
Đến năm 1998, một số sự kiện tưởng như tạo tia hy vọng mới cho Webb khi trong một cuộc điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, Tổng thanh tra CIA Frederick P. Hitz cho biết sau khi xem xét vấn đề, ông tin rằng CIA từng đóng vai “một kẻ bàng quan” trong cuộc chiến chống ma túy tại Los Angeles. Trong khi đó, nghị sĩ Juanita Millender-McDonald, trong cuộc họp quốc hội cùng năm, cho rằng “CIA đã cố tình tảng lờ những thông tin chỉ ra việc buôn bán ma túy của Contras”.
Nhưng trong cùng năm 1998, vụ bê bối Monica Lewinsky ở Nhà Trắng đã quá ám ảnh truyền thông khiến cho câu chuyện về “Liên minh đen tối” của Webb vào quên lãng.
Trong khi đó, Webb không hề nhận được bất cứ đề nghị hợp tác làm việc nào trong ngành báo chí, ông thậm chí chia sẻ với một người bạn về cảm giác như bị “nguyền rủa”. Ông dần trở nên xa cách với gia đình, luôn giữ kín những đau buồn trong lòng và che giấu nó với những người thân thích. Không những vậy, mối quan hệ với người vợ Sue Webb cũng bị rạn nứt trong khi con cái ông lớn dần và trở nên tự lập hơn.
Ngày 10.12.2004, Webb tự sát bằng súng tại nhà riêng ở Carmichael, California. Đêm trước ngày định mệnh, ông đã viết thư tuyệt mệnh còn trước cửa nhà dán tờ giấy có dòng chữ: “Đừng vào bên trong. Hãy gọi 911 hỗ trợ. Cảm ơn bạn”.
Tuy Webb đã ra đi nhưng có một điều có thể khẳng định đó là tình yêu tuyệt đối của ông với báo chí. Trong thư tuyệt mệnh gửi cho con trai, Webb viết: “Nếu bố có một ước vọng đối với con thì đó là con hãy theo nghề báo và tiếp tục con đường như bố đã đi, sử dụng toàn bộ sức lực để chiến đấu với sự mù quáng, ngu ngốc và tham lam luôn bao vây chúng ta. Bất cứ điều gì con làm hãy cố gắng tạo ra sự đặc biệt của riêng mình”. Hiện nay, con trai út của Webb là Eric đã quyết định theo bước cha, dấn thân vào sự nghiệp báo chí.
Hà Linh (Báo Tin Tức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.