Đề Thám và các cháu.
Những ngày cuối của nghĩa quân Yên Thế
Đề Thám vừa tổ chức đánh trả, vừa rút lui khỏi Yên Thế, cùng các tướng Cả Trọng, Cả Dinh, Cả Huỳnh chỉ huy nghĩa quân chiến đấu, sử dụng cách đánh nhỏ, phân tán và liên tục di chuyển trên địa bàn các tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Ninh, đánh bại nhiều đợt càn quét, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại, trong đó tiêu biểu là các trận đánh ở đồn Hom, Yên Thế, núi Hàm Lợn, Tam Đảo…
Ngày 5/10/1909, phát hiện nghĩa quân tại căn cứ Núi Sáng (Vĩnh Phúc), quân Pháp do thiếu tá Bôniphaxi chỉ huy, có quân của Tổng đốc Lê Hoan cùng phối hợp, bao vây tiến công nhằm tiêu diệt bằng được Đề Thám.
Dựa vào công sự và sử dụng cách đánh vận động chiến, thôn trang chiến nổi tiếng, nghĩa quân chống trả quyết liệt, đẩy lui nhiều đợt tiến công, gây cho địch nhiều thiệt hại và sáng 6/10, bí mật thoát vây về Tam Đảo, Thái Nguyên, sau đó trở lại Yên Thế tiếp tục hoạt động.
Trải qua thời gian chiến đấu liên tục, kéo dài, trước các cuộc vây quét gắt gao của Pháp, lực lượng nghĩa quân chịu nhiều tổn thất và ngày càng suy yếu. Đến cuối năm 1909 hầu hết các tướng lĩnh chủ chốt đều lần lượt hy sinh hoặc bị bắt như Cả Trọng, Cả Huỳnh…, thậm chí có người còn đầu hàng như Cả Dinh, Cai Sơn…
Kể từ khi bà Ba Cẩn và con gái út của ông là Hoàng Thị Thế bị bắt, lực lượng nghĩa quân giảm sút dần và tới đầu năm 1910 bị tan rã. Trong hoàn cảnh đó, Đề Thám cùng một số ít nghĩa quân phải sống ẩn náu trong núi rừng; khởi nghĩa Yên Thế chấm dứt vào năm 1913.
Cái chết chỉ Trời biết, Đất biết và quạ biết
Có những giả thiết khác nhau về cái chết của Đề Thám. Trong những ngày cuối cùng, lực lượng ngày càng mỏng, Đề Thám chỉ còn vài thủ hạ bảo vệ bên cạnh và liên tục phải di chuyển.
Khi ông tới vùng Hố Lẩy, Pháp cho 3 người đến trá hàng để tiếp cận và hạ sát ông cùng 2 thủ hạ vào sáng 10/2/1913 (tức mùng 5 tết), sau đó mang thủ cấp ông ra bêu Phủ đường Yên Thế để thị uy dân chúng. Tuy nhiên, có ý kiến nghi ngờ về giả thiết này.
Nhà cầm quyền Pháp chỉ bêu đầu có hai ngày rồi vội cho tẩm dầu, đốt thành tro đem đổ xuống ao và không cho công bố ảnh thủ cấp. Theo Lý Đào, một cận vệ cũ của Đề Thám và thường cắt tóc cho ông nên biết đầu ông có một đường gồ chạy từ trán lên đỉnh đầu, trên khuôn mặt có bộ râu ba chòm, nhưng cái đầu cắm ở Phủ đường không có đường gồ, cằm không có râu.
Theo người dân làng Lèo, thủ cấp bị bêu là của sư ông trụ trì chùa Lèo, vì sư ông có dung mạo khá giống với Đề Thám và không thấy xuất hiện từ hôm đó, có lẽ bị giết để thế chỗ.
Cũng có ý kiến cho rằng, Đề Thám sống ẩn dật những ngày cuối đời trong dân chúng và cuối cùng chết vì bệnh tật. Một số quan lại thì cho rằng, ông mất vào trước thời điểm 10.2.1913, còn dân chúng lại cho rằng ông mất sau thời gian này.
Hiện tại vẫn chưa xác định được phần mộ Đề Thám, việc này cũng có nhiều giả thiết khác nhau và chưa có kết luận cuối cùng trong giới nghiên cứu.
Dường như biết được cái chết của mình, Cụ Đề đã để lại lời sấm truyền cho hậu thế mà có lẽ đến nay còn ứng nghiệm: “ta chết chỉ có trời biết, đất biết và quạ biết”. Có lẽ do có sự trùng hợp với lời sấm truyền này mà cho đến nay bí ẩn về ngôi mộ và cái chết của Đề Thám vẫn chưa thể có lý giải nào hợp lý.
Khởi nghĩa Yên Thế, một trong những cuộc khởi nghĩa lớn nhất và bền bỉ nhất của phong trào đấu tranh vũ trang chống Pháp của nhân dân ta kéo dài gần 30 năm, đến đây hoàn toàn chấm dứt, nhưng tinh thần yêu nước của nghĩa quân cũng như của Hoàng Hoa Thám còn bất tử với thời gian, sống mãi trong lòng dân tộc.
TS Nguyễn Thành Hữu (Khoa học & Đời sống)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.