Bi kịch đời đẻ mướn: Đằng sau nghề hốt bạc

Thứ tư, ngày 02/03/2011 18:40 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mức lợi nhuận của mỗi hợp đồng đẻ mướn thường nhiều gấp 6 đến 10 lần thu nhập thông thường của một phụ nữ. Nhưng liệu đây có phải là một mối quan hệ bình đẳng hay chỉ là biểu tượng của việc lạm dụng các phụ nữ nghèo?
Bình luận 0

“Công nghệ” hốt bạc

Phó giáo sư Catherine Waldby thuộc Đại học Sydney, Australia cho biết, Ấn Độ đã vượt qua Mỹ trong việc cung ứng những bà mẹ mang thai thuê với giá thấp cho các cặp vợ chồng thuộc các nước phát triển. Bà Waldby cho rằng: “Sinh sản đang dần trở thành một hình thức tạo công ăn việc làm cho phụ nữ ở một số nơi”.

img
Một em bé khỏe mạnh được sinh ra nhờ cho thuê tử cung.

Theo bà Waldby, nhiều cặp vợ chồng tới Ấn Độ để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung một phụ nữ Ấn Độ - người được trả tiền để mang thai và sinh con thuê. Bà cũng cho hay tiếp theo “mô hình trung tâm điện thoại”, Chính phủ Ấn Độ đang khuyến khích “dịch vụ đẻ thuê”.

Phụ nữ Ấn Độ mang thai thuê nhận được từ 5.000 đến 7.000USD để sinh một đứa trẻ, gấp 6 đến 10 lần thu nhập hàng năm thông thường của phụ nữ Ấn Độ. Như vậy, một cặp vợ chồng phương Tây chỉ phải chi 15.000 đến 20.000USD cho một phụ nữ Ấn Độ mang thai thuê trong khi nếu ở Mỹ, họ phải trả có khi lên đến 100.000USD.

Bà Waldby cho biết thêm Chính phủ Ấn Độ đã bổ sung loại visa y tế để tạo điều kiện cho ngành du lịch chữa bệnh, dành cho cả những người muốn tìm kiếm người sinh con thuê. Và theo một ước tính, vài năm trở lại đây, nghề đẻ mướn đã mang về cho Ấn Độ xấp xỉ 500 triệu USD mỗi năm.

Theo bà Preetie Nayak, thuộc Tổ chức Sama, chuyên về bảo vệ sức khỏe phụ nữ, khi được cấy trứng đã thụ tinh vào cơ thể, phụ nữ sẽ gặp nhiều rủi ro về sức khỏe. Phụ nữ cũng có thể bị gia đình ép buộc sinh con thuê để kiếm tiền. Đồng thời, phụ nữ có thể bị mọi người chê trách vì kiếm tiền theo cách này. Thông thường những người đẻ mướn thường sinh con xa nhà. Do vậy họ có thể nói với mọi người rằng đứa trẻ đã qua đời khi sinh chứ không thừa nhận họ làm dịch vụ đẻ mướn.

Ngoài Ấn Độ, Nga là một trong số rất ít nước cho phép phụ nữ 20-35 tuổi được mang thai hộ có trả tiền. Theo ước tính của Viện Y học Nga, 10 triệu doanh nhân Nga (cả nam và nữ) bị hiếm muộn. Ngoài ra, những cặp vợ chồng có con trai bị chết, thậm chí cả người nước ngoài thuộc dạng “du lịch sinh con” ở những nước cấm mang thai hộ đều là khách hàng của thị trường đẻ mướn ở Nga. Giá mang thai hộ là 12.500euro/bé, gấp ba lần mức lương trung bình/tháng ở Nga.

Tại Mỹ, chi phí phải trả cho một bà mẹ mang thai hộ khoảng từ 28.000USD, thậm chí 100.000 USD. Arkansas là 1 trong 9 bang ở Mỹ cho phép mang thai hộ cho những người đồng tính, không có khả năng sinh con. Còn tại Australia hầu hết các tiểu bang hiện nay cho phép phụ nữ sinh con thuê và được nhận “những chi phí hợp lý”, theo đó người ta cho rằng mỗi lần đẻ mướn, người mẹ được thuê nhận khoảng 50.000USD.

Nếu chỉ nhìn bên ngoài, hoạt động đẻ mướn dường như chỉ mang tới lợi ích và đôi bên cùng mỉm cười mãn nguyện.

Ngăn chặn bị lạm dụng

Tại Australia, hình thức đẻ mướn thương mại được liệt vào một dạng tội phạm vào những năm 1980 và những điều tra gần đây của chính phủ về vấn đề đẻ mướn đã không xem xét lại quyết định này.

Còn tại Thái Lan, nơi những hoạt động đẻ mướn mang tính thương mại được cho là phạm pháp thì Quốc hội nước này đang xem xét để thông qua Luật Bảo vệ trẻ em được sinh ra từ công nghệ thụ tinh nhân tạo nhằm ngăn chặn vấn đề thụ tinh nhân tạo bất hợp pháp tại đây.

Theo dự thảo luật đang được Quốc hội Thái Lan xem xét, người chủ các dịch vụ thụ tinh nhân tạo bất hợp pháp sẽ bị phạt tù đến 10 năm, phạt tiền 200.000 bath (30 bath =1 USD) hoặc cả hai hình phạt, và những người đóng vai trò môi giới sẽ bị phạt tù 5 năm, phạt 100.000 bạt hoặc cả hai hình phạt

Trong khi đó, tại Ấn Độ, một dự thảo luật hướng dẫn công nghệ sinh sản hỗ trợ (ART) đang được giới chức nước này bàn thảo. Luật mới sẽ tăng cường quản lý cho Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICRM). Luật mới sẽ cấm các cơ sở thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) môi giới các ca mang thai hộ. Luật cũng đề ra yêu cầu hình thành ngân hàng ART chịu trách nhiệm tìm kiếm các bà mẹ có thể mang thai hộ, cũng như tìm những người hiến tặng trứng hoặc tinh trùng.

“Chúng ta cần tạo ra những khoảng cách an toàn giữa phòng khám và những người mang thai hộ để tránh những hoạt động vô đạo đức - tiến sĩ R.S. Sharma - Phó Giám đốc ICRM, thành viên Ủy ban soạn thảo luật mới, nói - các phòng khám IVF chỉ nên tập trung vào những vấn đề khoa học”.

Theo tiêu chuẩn, luật sẽ yêu cầu các chuyên viên y tế chỉ được phép cấy 3 phôi vào tử cung trong một lần thực hiện. Hội Y khoa sinh sản Mỹ khuyên chỉ nên cấy 1 phôi, trong khi tiến sĩ Patel vẫn thường làm 5 phôi/lần thực hiện và bỏ các bào thai thứ hai trở lên.

Luật mới sẽ chỉ cho phép phụ nữ mang thai thuê 5 lần và ít hơn số đó nếu họ đã có con, và hạn chế tuổi mang thai hộ ở 35. Như vậy, những phụ nữ đang bế tắc vì tài chính sẽ không thể đặt mình vào tình trạng mạo hiểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem