Do thương lái yêu cầu
Tại huyện Châu Thành A (Hậu Giang), theo thống kê của Phòng NNPTNT, chỉ riêng vụ đông xuân năm 2014 toàn huyện có 30% diện tích lúa chất lượng thấp, nhưng đến vụ sau (vụ hè thu năm 2015), diện tích loại lúa này tăng lên 70%. Nguyên nhân khiến cho diện tích lúa chất lượng thấp tăng đột biến là do các thương lái yêu cầu thu mua với số lượng lớn, tác động đến các địa phương khi phân bổ diện tích gieo sạ.
Nông dân thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang thu hoạch lúa. Ảnh: HUỲNH XÂY
Ông Ngô Xuân Hiền – Trưởng phòng NNPTNT huyện Châu Thành A, cho biết: “Lâu nay, lúa IR 50404 vẫn được thương lái mua vì có thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước. Hơn nữa trong cơ cấu 3 vụ một năm thì phải có một vụ gieo sạ lúa ngắn ngày nên người nông dân đã lựa chọn IR 50404”.
Cũng như ông Hiền, bà Trần Hồng Tim – Trưởng phòng NNPTNT huyện Vị Thủy (Hậu Giang) nhận định, diện tích lúa chất lượng thấp trên địa bàn huyện còn lớn một phần là do... thương lái. Bà Tim giải thích: “Nhiều năm qua, khi bước vào vụ thu hoạch, lúa IR 50404 sẽ được làm trước (thời gian sinh trưởng ngắn hơn lúa chất lượng cao) nên thương lái mua với giá cao. Sau khi thu hoạch lúa chất lượng cao, lúa IR 50404 đã được gặt gần hết, số lượng ít nên thương lái cũng mua với giá cao để đấu trộn với lúa khác. Nghĩ giá lúa này lúc nào cũng cao nên nông dân cứ mãi sản xuất, ít quan tâm đến lúa chất lượng cao”.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang, tỷ lệ sản xuất các giống lúa chất lượng thấp trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, năm 2014 chiếm khoảng 20% diện tích gieo sạ; nhưng năm 2015 này có khả năng lên đến khoảng 30%. “Hiện vẫn còn nhiều thị trường cần gạo giá rẻ nên người dân đã dựa vào nhu cầu đó mà sản xuất. Trong đó, có số diện tích gieo sạ theo yêu cầu của thương lái, có số diện tích đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu (có hợp đồng bao tiêu)” – ông Lê Văn Đời – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang nói.
Liên quan đến việc nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh sản xuất lúa chất lượng thấp, ông Huỳnh Ngọc Vân – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng nhận định: “Hiện nay các loại lúa chất lượng thấp vẫn có thị trường xuất khẩu ổn định như Philippines, Trung Quốc… Để đáp ứng thị trường trên, một số doanh nghiệp yêu cầu sản xuất thì người dân vẫn sản xuất với số lượng diện tích ổn định, cân đối”.
Cũng theo ông Vân, nếu sản xuất lúa IR 50404 thì phải sản xuất ở một vùng nhất định và có đầu tư của ngành chuyên môn. Hiện các nhà chế biến cho biết các loại gạo dẻo không làm được gạo sấy nên đã lựa chọn IR 50404 (có tinh bột cao) chế biến.
Chính điều này dẫn tới việc, thời gian và giá thu mua lúa chất lượng thấp ở ĐBSCL phần lớn phụ thuộc vào sức mua thương lái, nếu thị trường cần thì thương lái mua giá cao, nếu thị trường dư thừa thì giá xuống thấp, khó kiểm soát.
Thay đổi vòng luẩn quẩn
"Hiện nay, nhu cầu thế giới đối với lúa chất lượng thấp ở Việt Nam là 30%, nếu người dân tiếp tục tăng diện tích thì giá lúa sẽ giảm. Cá biệt một số giống lúa chất lượng thấp có giá cao là do các thương lái tung giá “ảo” để người dân tăng diện tích xuống giống”.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ
|
Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ - Phó Trưởng khoa Phát triển nông thôn (Trường Đại học Cần Thơ), một trong những nhược điểm của ngành lúa gạo ở ĐBSCL là phần lớn lượng lúa sau khi thu hoạch phải qua tay thương lái.
Những thương lái mua lúa IR 50404 với giá cao ở vụ đông xuân để xay xát hoặc trữ lại vì tỷ lệ gạo thành phẩm của loại lúa này đạt cao sau khi xay xát (còn gọi là đặng gạo). Loại lúa này sẽ được đấu trộn các loại lúa có chất lượng cao (hạt gạo thường bị gãy, vỏ dày, không được đặng gạo) để bán gạo được lãi nhiều.
Cũng theo ông Đệ, việc làm trên của các thương lái đã thúc đẩy người dân trồng lúa IR 50404, nhưng ngược lại kéo giảm diện tích lúa chất lượng cao chứ không phải chính quyền địa phương khuyến khích người dân gieo sạ lúa chất lượng thấp.
Việc làm này cần có biện pháp ngăn cản kịp thời và tách bạch riêng giữa các nhóm gạo để có thể tồn tại được trên thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, để ổn định được sản lượng, nước ta cần tăng cường đầu tư vào lĩnh vực chế biến. Cách này có thể giúp vùng bảo quản được lúa gạo khi giá xuống thấp, lúc cần thì tung ra thị trường.
Còn TS Lê Văn Bảnh – Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NNPTNT), một chuyên gia về lúa gạo thì cho rằng: “Có thể nói, đến nay, nước ta đã đạt nhiều thành tựu đáng kể trong sản xuất lúa, đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ 3 trên thế giới sau Thái Lan, Ấn Độ, với sản lượng đạt từ 6-7 triệu tấn gạo/năm. Tuy nhiên, giai đoạn hội nhập này, số lượng không còn quan trọng nữa mà cần ở chất lượng cao để cạnh tranh, cần ở giá trị hạt gạo”.
Theo TS Bảnh, tập quán canh tác cũng như tư duy cũ cần phải thay đổi, tuy nhiên vấn đề này cần phải có thời gian. Riêng về sản xuất lúa chất lượng thấp như IR 50404, TS Bảnh cũng cho rằng: Các doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan phải phân vùng sản xuất cụ thể và có sự quản lý chặt chẽ về diện tích, sản lượng, chất lượng. Bởi thực tế, giống lúa nào của Việt Nam cũng có thị trường, chỉ cần đưa sản phẩm đến đúng nơi cần đến với số lượng cụ thể.
Chọn tạo nhiều giống lúa chất lượng cao
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã từng cho biết: “Tôi có trao đổi với các đồng chí Giám đốc Sở NNPTNT các tỉnh ĐBSCL, tại sao ở gia đình, vợ con nhà các đồng chí đều ăn gạo có giá 10.000 đồng/kg trở lên, mà các đồng chí cứ đi chỉ đạo bà con nông dân sản xuất giống lúa chất lượng thấp. Điều này cần được thay đổi ngay”.
Cũng theo ông Phát, trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã có đóng góp rất tốt trong việc chọn, tạo và phổ biến các giống tốt cho nhân dân, như Tổng Công ty Giống Thái Bình có giống lúa BC15 được trồng trên diện tích lớn nhất so với các tổ chức nghiên cứu về giống lúa ở nước ta.
Về cơ cấu sản xuất, ông Phát cũng cho biết đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng phát huy các lợi thế của cả nước và mỗi vùng. Những gì là lợi thế của nước ta thì vẫn đang được tiếp tục phát huy mạnh hơn. Trong sản xuất lúa đang có chuyển động mạnh theo hướng nâng cao chất lượng. Tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao tăng nhanh. Ở Thái Bình, giống BC15 bán được khoảng 7.000 đồng/kg, nên tới vụ mùa vừa qua đã tới 70% diện tích gieo trồng lúa đạt chất lượng cao.
Ngọc Lê (ghi)
Cần nhà nước hỗ trợ nhiều hơn
Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, nhất là khi nước ta tham gia vào TPP, TS Lê Văn Bảnh lưu ý: Việc cạnh tranh xuất khẩu gạo sẽ trở nên ngày càng gay gắt, vậy việc sản xuất lúa chất lượng thấp chỉ dừng ở mức diện tích như Bộ NNPTNT khuyến cáo và thay vào đó là phát triển các loại lúa đặc sản, lúa thơm tiến tới xây dựng thương hiệu ngành lúa gạo Việt Nam. Song song với phát triển các giống lúa này cần có sự hỗ trợ nhiều mặt từ các chính sách của Chính phủ. Có như vậy, lúa gạo nước ta mới có vị thế mạnh trên thị trường, giá bán mới được nâng lên, người dân mới được lãi nhiều.
Huỳnh Xây (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.