Bi kịch nhiều ruộng vẫn nghèo: Trồng lúa thu nhập 25.000 đồng/ngày

Huỳnh Xây- Chúc Ly Thứ ba, ngày 10/11/2015 13:30 PM (GMT+7)
Không chú trọng chất lượng, nông dân ở nhiều địa phương đã chạy theo sản lượng, lựa chọn giống chất lượng thấp (IR 50404, Ma Lâm 202, OM 576…) để gieo sạ. Đó chính là nguyên nhân khiến nhà nông ở các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dù có nhiều ruộng vẫn nghèo sau hàng chục năm còng lưng cày xới trên mảnh đất của mình.
Bình luận 0

LTS: Theo Bộ NNPTNT, Việt Nam hiện duy trì diện tích sản xuất lúa khoảng 3,8-3,9 triệu ha với diện tích canh tác hàng năm là 7,2-7,3 triệu ha, đạt sản lượng tới 45 triệu tấn thóc (lúa), trong đó mỗi năm xuất khẩu khoảng 14-15 triệu tấn (7-8 triệu tấn gạo).

Tuy nhiên, đánh giá chung là đời sống của người trồng lúa vẫn hết sức khó khăn và có thu nhập thấp nhất so với các nghề khác. Nhiều nông dân sở hữu diện tích ruộng lớn nhưng vẫn nghèo. Vì sao như vậy? Từ số báo này, Báo Dân Việt khởi đăng loạt bài “Bi kịch nhiều ruộng vẫn nghèo” - như một lời cảnh báo về việc nông dân sản xuất sai quy trình, cần sớm tái cấu trúc ngành lúa gạo để vươn lên phát triển, hội nhập.

img

Nhiều nông dân ở xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long sử dụng giống lúa Ma Lâm 202. Ảnh: HUỲNH XÂY

Năng suất cao, thu nhập thấp

Khi phóng viên NTNN hỏi về khu vực nhà nông có nhiều đất canh tác lúa, lãnh đạo Hội Nông dân (ND) tỉnh Hậu Giang đã hướng dẫn về thị trấn Bảy Ngàn (huyện Châu Thành A) – nơi có trên 70% hộ ND dùng giống lúa IR 50404. Những tưởng nông dân làm ăn lớn, có nhiều đất trồng lúa sẽ khá giả, giàu có nhưng nào ngờ họ vẫn không khá gì hơn so với các hộ dân khác. Là người có đến 1,5ha diện tích đất và trên 25 năm kinh nghiệm sản xuất lúa, nhưng ông Thạch Puôl (ấp 4A) vẫn ở trong một căn nhà xập xệ, xuống cấp trầm trọng.

Chỉ tay về hướng thửa ruộng của mình, ông Puôl nói: “Tôi sản xuất lúa IR 50404 mấy chục năm rồi. Trước đây, thời điểm năm 2000, tôi chuyển sang trồng lúa OM 5451 được vài vụ nhưng rồi cũng quay lại sản xuất lúa IR 50404”.

Về lợi nhuận khi sản xuất lúa IR 50404, ông Puôl tính toán, ở vụ đông xuân, lúa IR 50404 có năng suất khá cao (đạt khoảng 10 tấn/ha), có thể lãi từ 5-6 triệu đồng/ha/vụ. Ở hai vụ sau (hè thu, thu đông), lãi khoảng 3 triệu đồng/ha/vụ. “Nếu tính cả năm, tôi chỉ lãi được khoảng 12 triệu đồng. Không thể sống nổi với số tiền lời trên nên các con tôi đã đi Bình Dương làm thêm” – ông Puôl bộc bạch.

Chúng tôi thắc mắc, tại sao lúa IR 50404 không đem lại lợi nhuận cao mà gia đình vẫn lựa chọn để gieo sạ vụ này qua vụ khác, ông Puôl trải lòng: “Trước đây cha mẹ  hướng dẫn làm lúa IR 50404 nên… quen tay. Đây là giống dễ trồng, ít sâu bệnh, có thời gian sinh trưởng ngắn, rất thích hợp với nơi có điều kiện sản xuất lúa vụ 3 (vụ thu đông) và thích hợp cho người dân vùng nông thôn khi khó tiếp cận những kỹ thuật sản xuất mới”.

Cũng là nông dân có nhiều đất lúa nhưng ông Nguyễn Văn Út ở thị trấn Bảy Ngàn cũng có cuộc sống khá bấp bênh. “Nhiều năm qua, do thói quen canh tác, giá bán cũng không thấp hơn nhiều so với lúa chất lượng cao nên tôi chỉ gieo sạ một loại giống duy nhất là IR 50404. Lúa chất lượng cao OM 5451 có giá 4.450 đồng/kg, trong khi đó giống IR 50404 có giá 4.200 đồng/kg, thấp hơn vài trăm đồng nhưng dễ trồng hơn, yên tâm hơn” – ông Út chia sẻ.

Ông Út  nhẩm tính: “Với diện tích đất hơn 2,5ha, sau khi trừ chi phí, tôi thu về khoảng 50 triệu đồng/năm. Tuy nhiên do gia đình có đến 6 người, tính bình quân ra thì mỗi người thu nhập khoảng 9 triệu đồng/năm, tức mỗi tháng được 750.000 đồng, tương đương mỗi ngày… 25.000 đồng”. Ông Út nhận định, với thu nhập trên thì gia đình thuộc diện chỉ đủ sống. Thế nhưng, do giá vật tư nông nghiệp, giá thuê máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa ngày càng tăng nên vài năm tới cuộc sống sẽ càng khó khăn hơn.

Thích trồng lúa IR 50404  vì làm được 3 vụ

Không riêng gì huyện Châu Thành A, thời gian qua, nhiều người dân ở các địa phương khác thuộc tỉnh Hậu Giang và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã gieo sạ nhiều diện tích lúa IR 50404. Theo người dân, loại giống lúa này không những dễ trồng mà năng suất cũng khá cao, cao hơn cả giống lúa chất lượng cao.

Lão nông Lê Văn Hải, ngụ ở xã Châu Điền (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) cho biết: Lúa IR 50404 rất dễ trồng, cho năng suất vụ đông xuân từ 8-10 tấn/ha; trong khi đó lúa chất lượng cao như OM 5451 khó trồng hơn và năng suất chỉ từ 7-9 tấn/ha. Với khả năng vượt trội này, nông dân trong xã đã chọn giống IR 50404 làm giống chủ lực, nhất là những vụ có nước mặn xâm nhập, vụ có mưa giông nhiều.

Khi chúng tôi hỏi, trồng nhiều vụ với cùng một giống lúa IR 50404 có gặp khó khăn gì không, ông Hải vẫn cho rằng lúa IR 50504 là “chắc ăn”. Với thời gian sinh trưởng ngắn (85-90 ngày), ông sẽ có thời gian làm lúa vụ 3, còn lúa chất lượng cao thì dài ngày hơn (đa số trên 90 ngày), có thể làm không kịp vụ 3, thua bà con lân cận 1 vụ.

Tuy khen ngợi hết lời về lúa IR 50404, nhưng ông Hải cũng rất lo lắng với giá cả bấp bênh của loại lúa này. “Liên tục những vụ trước đây, lúa IR 50404 có giá thấp hơn lúa chất lượng cao chỉ từ 200-250 đồng/kg nhưng bù lại năng suất cao hơn khoảng 100 kg/công (1.000m2). Thế nhưng vụ hè thu năm 2015 vừa qua, lúa IR 50404 có giá thấp hơn lúa chất lượng cao từ 250-350 đồng/kg” – ông Hải so sánh.

 Ngoài lúa IR 50404, khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều người dân vùng ĐBSCL, nhiều nhất là Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre… đã ồ ạt gieo sạ lúa Ma Lâm 202 (cũng là lúa có phẩm chất thấp, hạt tròn, có thời gian sinh trưởng khoảng 92 ngày). Nguyên nhân là do loại giống lúa này cho năng suất khá cao (có thể đạt 10 tấn/ha), dễ canh tác, ít sâu bệnh.

Bà Lê Thị Tím ngụ ở xã Xuân Hiệp (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) thông tin: “Đầu năm 2014, chỉ có vài hộ sản xuất lúa Ma Lâm 202 nhưng đến nay phần lớn người dân trong xã trồng giống lúa này. Mặc dù biết đây là loại lúa có phẩm chất thấp, các thương lái mua chỉ bán cho các cơ sở sản xuất bột, làm hủ tiếu, bún, bánh canh, nấu rượu... nhưng thấy nhiều người trồng vẫn có lời nên cả xã làm theo”. 

Thu nhập bình quân chỉ đạt 317.000 đồng/người/tháng

Theo Sở NNPTNT các địa phương vùng ĐBSCL, từ nhiều năm qua, sản lượng lúa tăng nhanh, từ 14 triệu tấn/năm lên đến 25 triệu tấn/năm, sản lượng gạo xuất khẩu cũng không ngừng tăng theo. Tuy nhiên, giá trị không tăng tương ứng, theo đó người trồng lúa không thể giàu lên được. Nếu tính đủ 30% lợi nhuận cho người trồng lúa, mỗi nhân khẩu sản xuất lúa ở ĐBSCL có thể đạt mức lãi 3,8 triệu đồng/năm (khoảng 317.000 đồng/tháng), tức dưới cả ngưỡng nghèo (400.000 đồng/tháng).

Nông dân ngại thay đổi vì... nghèo

 Vụ hè thu vừa qua, các địa phương báo cáo diện tích lúa chất lượng thấp chiếm khoảng 30% diện tích được gieo sạ, nhưng thực tế diện tích này cao hơn nhiều. 

Người dân trồng lúa chất lượng thấp vì thói quen đã nắm được đặc điểm sinh trưởng, các giống đó chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của khí hậu ở nhiều vụ khác nhau. Họ lựa chọn giống lúa này là vì không an tâm đối với giống lúa chất lượng cao với những rủi ro về năng suất nhiều hơn. Nhà nông thà chấp nhận giá thấp mà năng suất ổn định chứ không dám đánh cược gieo sạ 1 hoặc 2 vụ lúa chất lượng cao bởi bản thân đã nghèo khó”.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ - Phó Trưởng khoa Phát triển nông thôn (Trường ĐH.Cần Thơ)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem