Bí mật cuối đời đầy đau khổ và tiếc nuối của người hùng Yuri Gagarin

Thứ sáu, ngày 26/07/2019 16:35 PM (GMT+7)
Ít ai biết, người anh hùng vũ trụ Yuri Gagarin đã phải chịu những nỗi cay đắng trong cuộc đời sau ngày anh được lịch sử ghi danh năm 1961.
Bình luận 0

YURI GAGARIN: Con trai người thợ môc..

Trước khi trở thành Anh hùng Liên Xô được người dân yêu mến hết mực, trở thành nhân vật được cả thế giới ngưỡng mộ khi là người đầu tiên bay ra ngoài vũ trụ, Yuri Gagarin - tên đầy đủ là Yuri Alekseyevich Gagarin - đơn giản là con trai của một người thợ mộc, sinh ra (ngày 9/3/1934) và lớn lên tại ngôi làng Klushino bình dị ở Smolensk, miền Tây Liên Xô.

Năm 16 tuổi, Yuri Gagarin chuyển đến thủ đô để học việc làm thợ đúc trong một xưởng đúc kim loại ở Lyubertsy. Cơ duyên sải cánh trên bầu trời đến với chàng trai trẻ khi anh nhập học trường kỹ thuật ở Saratov. Tại đây, anh tham gia một câu lạc bộ bay và lần đầu tiên có được trải nghiệm phóng khoáng từ trên cao.

Yuri Gagarin quyết định thi vào trường Sĩ quan Không quân Liên Xô để hiện thực ước mơ bay nhiều hơn nữa trên bầu trời. Năm 1957, ở độ tuổi 23 đầy sức sống, Yuri Gagarin tốt nghiệp xuất sắc và trở thành phi công chiến đấu chính thức. Cũng trong năm này, anh gặp gỡ và kết hôn với Valentina Goryacheva (khi đó đang là kỹ thuật viên y tế, vừa tốt nghiệp trường Y khoa Orenburg) và có hai cô con gái về sau.

Năm 1960 đánh dấu 14 năm cuộc đối đầu căng thẳng của ý thức hệ, công nghệ và vũ khí giữa hai siêu cường Mỹ - Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Lạnh (1946-1991).

Với bệ đỡ là quốc gia đầu tiên mở ra kỷ nguyên khai phá vũ trụ, Liên Xô bắt đầu dồn công sức và tiền bạc cho các chương trình không gian tham vọng hơn.

Đầu thập niên 60 bắt đầu với sự kiện Moskva thành lập biệt đội 20 phi hành gia đầu tiên trong lịch sử Liên Xô(1) bằng việc tuyển chọn những học viên quân sự xuất sắc nhất trong số 3.000 ứng viên toàn quốc, đào tạo họ trở thành những "hạt giống vũ trụ", sẵn sàng cho các sứ mệnh mà chưa một quốc gia nào trên thế giới nghĩ đến.

img

Ảnh chụp biệt đội 20 phi hành gia đầu tiên trong lịch sử Liên Xô. Yuri Gagarin, khi đó 26 tuổi, ngồi ở vị trí thứ tư, từ trái sang. Nguồn: RIA Novosti

Và dĩ nhiên, Yuri Gagarin là một trong 20 "hạt giống vũ trụ" mà chính phủ cất công tuyển chọn trên toàn quốc. Không phụ lòng mong đợi của lãnh đao Liên Xô, Yuri Gagarin đã làm nên lịch sử sau khi hoàn thành sứ mệnh vòng quanh Trái Đất trong 108 phút trên con tàu vũ trụ Phương Đông 1 (Vostok 1), giúp Liên Xô trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử nhân loại đưa người thoát khỏi lực hút ngàn đời của Trái Đất, sải cánh ra ngoài không gian rộng lớn.

9:07 sáng ngày 12/4/1961, khi tàu vũ trụ Vostok 1 của Yuri Gagarin cất cánh từ sân bay vũ trụ Baikonur, chàng phi công trẻ tuổi đã thốt lên một câu cảm thán đầy bất ngờ, ngay lập tức mang tính biểu tượng: "Poyekhali!" (tạm dịch: Tiến lên!).

Ngày anh hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình, Yuri Gagarin mới 27 tuổi!

Hào quang và nước mắt.

Chiến công vĩ đại của Yuri Gagarin đã đưa Liên Xô nghiễm nhiên trở thành quốc gia tiên phong trong hành trình khai phá vũ trụ, khiến địch thủ Mỹ lo lắng thực sự trong cuộc đối đầu mang đậm dấu ấn khẳng định niềm kiêu hãnh dân tộc thời Chiến tranh Lạnh.

Liên Xô mở ra kỷ nguyên vũ trụ mới trong lịch sử loài người đúng vào lúc cuộc đối đầu không đổ máu của Mỹ-Xô đang ở trong giai đoạn căng thẳng nhất.

Lịch sử ghi nhận: Yuri Gagarin và Vostok 1 là một đòn đau đớn với Mỹ, khi quốc gia này đã tốn rất nhiều công sức cho kế hoạch đưa người lần đầu tiên bay ra ngoài không gian vào tháng 5/1961.

Sau khi đáp xuống mặt đất, Yuri Gagarin được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Huân chương Lenin. Anh trở thành biểu tượng quốc tế, được cả thế giới ngưỡng mộ và người dân tôn vinh không ngớt. Yuri Gagarin chính là hiện thân cho sức mạnh quốc gia, là niềm tự hào dân tộc. Hàng trăm nghìn đồng bào tụ hội tại Quảng trường Đỏ hô vang tên anh. Đường phố được đổi sang tên anh. Thủ đô Moskva trang trọng xây tượng đài cao 42,5m để vinh danh anh. Tổng bí thư đương thời Nikita Sergeyevich Khrushchyov gọi anh là "Christopher Columbus của Liên Xô".

img

Tổng bí thư đương thời Nikita Sergeyevich Khrushchyov gọi anh là "Christopher Columbus của Liên Xô".

Với tham vọng đánh gục đối thủ Mỹ hoàn toàn trong cuộc đua công nghệ không gian, giới lãnh đạo Liên Xô tức tốc xây dựng tàu vũ trụ có nhiều người lái mang tên Soyuz nhằm thay thế tàu Vostok, làm đối trọng với Chương trình Mercury (kéo dài từ 1959-1963) của Mỹ.

Sứ mệnh của Soyuz lần này chưa từng có tiền đề trong lịch sử: Kết nối 2 tàu vũ trụ trong quỹ đạo Trái Đất.

Có thể nói, đây cũng là sứ mệnh cảm tử, chưa một ai thực hiện trong lịch sử, do đó, Soyuz đòi hỏi những phi công lão luyện và quả cảm nhất. Đôi bạn thân Vladimir Komarov và Yuri Gagarin là 2 cái tên được chọn bay trên tàu vũ trụ Soyuz 1(2). Lần này, Yuri Gagarin là phi công dự phòng.

24/3/1967 trở thành ký ức kinh hoàng nhất trong lịch sử ngành hàng không Liên Xô. 9 phút sau khi Soyuz cất cánh, do lỗi kỹ thuật liên tiếp xảy ra, Vladimir Komarov cùng con tàu khổng lồ biến thành bó đuốc khổng lồ, rơi tự do với tốc độ 140km/giờ xuống mặt đất.

"Anh ấy đã... bị thiêu cháy ngay cả khi con tàu chưa kịp lao xuống mắt đất. Ngọn lửa đã biến cơ thể người anh hùng ấy chỉ còn là một phần cháy đen, có kích thước 30 x 80cm."- Đó là tất cả những gì đồng đội mặt đất của Vladimir Komarov thấy được ở phần cơ thể không toàn vẹn của anh(đọc chi tiết).

img

Phần thi thể cháy đen còn lại của người Anh hùng Liên Xô Vladimir Komarov.

Cái chết thảm khốc của anh khiến thủ tướng Liên Xô thời ấy cũng phải bật khóc!

Liên Xô khi đó mất đi một tài năng vũ trụ. Và họ không muốn phải lặp lại thảm họa này thêm một lần nào nữa. Đó là lý do, Yuri Gagarin bị cấm bay vĩnh viễn!

Kết thúc bi thảm của người hùng vũ trụ.

Chưa đầy một năm sau cái chết thảm khốc của người bạn thân Vladimir Komarov, Yuri Gagarin cũng tử nạn trong một vụ tai nạn máy bay chiến đấu bí ẩn. Nguyên nhân vụ tai nạn khiến nhiều người còn day dứt đến tận ngày nay.

Trở lại năm 1967, sau khi chứng kiến sự ra đi của Vladimir Komarov và phải nhận lệnh cấm bay vĩnh viễn của chính phủ, Yuri Gagarin tìm đến rượu để quên đi hai nỗi cay đắng cùng ập đến trong cuộc đời.

img

Những ngày tháng chìm đắm trong đau khổ không khiến anh quên được khát khao sải cánh trên bầu trời rộng lớn. Sau nhiều lần thuyết phục, anh cũng có được giấy phép bay trên các chiếc phi cơ chiến đấu.

Lại là một ngày của tháng 3 của một năm sau cái chết người bạn thân (cụ thể là ngày 27/3/1968)...

Yuri Gagarin và phi công lái thử máy bay Vladimir Seryogin, theo kế hoạch, tiếp tục bay huấn luyện trên chiếc tiêm kích phản lực thế hệ thứ nhất MiG-15. Các nhiệm vụ bay này thực chất chỉ là thủ tục bởi trước khi trở thành phi hành gia, Yuri Gagarin đã là Thượng úy Không quân Liên Xô.

Sau khi hoàn thành chuyến bay thử, Yuri Gagarin cùng Vladimir Seryogin điện đàm cho sở chỉ huy mặt đất, thông báo sẽ trở về Căn cứ Không quân Chkalovsky.

Bộ đàm tắt. Yuri Gagarin và người đồng hành cũng "biến mất"....

15 giờ cùng ngày, đội cứu hộ tìm thấy chiếc MiG-15 cháy dang dở ở vùng nông thôn đầy tuyết của Liên Xô. Thi thể cháy đen bên trong.

Phần tro cốt của Yuri Gagarin được trang trọng đặt tại Nghĩa trang tường Điện Kremlin. Quê hương của anh được đổi tên thành Gagarin để người đời nhớ mãi về người anh hùng vũ trụ trẻ tuổi.

7 năm sau sứ mệnh lịch sử, Yuri Gagarin vĩnh biệt thế giới trong nước mắt. Cái chết đầy uẩn khúc của một phi công lão luyện khiến người đời day dứt mãi về sau. Hàng loạt các cuộc điều tra quy mô lớn được mở ra nhằm giải mã nguyên nhân vụ tai nạn quá bất ngờ và hy hữu của anh.

Thế rồi, người ta nói rằng vì đột ngột tránh một vật thể lạ (khinh khí cầu, bóng thám không hoặc con chim nào đó) đã khiến tay lái của anh bị lạc và đâm sầm xuống vùng đất tuyết lạnh.

Nhiều chuyên gia hàng không không chấp nhận kết luận này. Bởi thế, cho đến nay, cái chết của Yuri Gagarin và người đồng hành còn chứa nhiều uẩn khúc mà công chúng mãi không tỏ tường.

Ngày 27/3/1968. Yuri Gagarin chết. Để lại vợ góa và 2 đứa con côi. Lịch sử đến nay mãi không quên công lao to lớn của anh trong sứ mệnh năm 1961. Và vết thương năm 1968 cũng đã phần nào nguôi ngoai. Dù sao đi nữa, Yuri Gagarin vẫn mãi là cái tên đáng nhớ của lịch sử!

Chú thích:

(1) Biệt đội phi hành gia đầu tiên trong lịch sử Liên Xô, gồm: Ivan Anikeyev, Pavel Belyayev, Valentin Bondarenko, Valery Bykovsky, Valentin Filatyev, Yuri Gagarin, Viktor Gorbatko, Anatoli Kartashov, Yevgeny Khrunov, Valdimir Komarov, Alexei Leonov, Grigori Nelyubov, Andrian Nikolayev, Pavel Popovich, Mars Rafikov, Georgi Shonin, Gherman Titov, Valentin Varlamov, Boris Volynov và Dmitri Zaikin.

(2) Theo kế hoạch, Soyuz 1 sẽ kết nối với Soyuz - do 3 phi hành gia Liên Xô là Valery Bykovsky, Aleksei Yeliseev và Yevgeny Khrunov đảm nhận.

PV (Trí Thức Trẻ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem