Tàu chiến USS Yorktown bị trúng bom máy bay Nhật Bản trong trận đánh Midway ngày 4/6/1942. Ảnh: National Archives
Theo Mạng lưới Lịch sử Chiến tranh, Stanley Johnston làm việc tại tờ Chicago Tribune và là phóng viên chuyên trách của Hải quân Mỹ, đã lên tàu sân bay Lexington và tham gia vào hai trận chiến trên vùng biển Nam Thái Bình Dương. Năm 1942, con tàu bị đánh chìm trong trận hải chiến “Biển San hô”. Johnston cùng với những người sống sót khác đã được giải cứu và đưa về San Diego bằng tàu tuần dương Chester.
Trên đường về, bạn cùng phòng của Johnston là Trung tá Morton Seligman, người chỉ huy tàu sân bay bị đắm Lexington. Seligman có một bản sao chỉ thị chiến dịch của Đô đốc Chester William Nimitz gửi đến các lực lượng tham chiến trận Midway (diễn ra từ 4 – 7/6/1942. Hai bên tham chiến là hạm đội Nhật Bản và hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ). Thông báo này là tối mật.
Seligman đã chủ động đưa bản chỉ thị cho phóng viên Johnston hay vô tình để lộ và Johnston đọc được vẫn còn là điều tranh cãi. Tuy nhiên, thực tế rằng bí mật quốc gia đã suýt nữa bị xâm phạm, đồng thời dẫn đến những hậu quả kinh hoàng, thậm chí là đảo ngược thế trận là điều không thể chối bỏ.
Tiếp tục phá được mật mã của Nhật Bản là một lợi thế quan trọng để quân Mỹ thắng trận Midway song anh phóng viên quá hăng hái Stanley Johnston đã suýt phơi bày bí mật đó. Johnston đã viết một câu chuyện về chiến thắng Midway gửi về tòa soạn báo Chicago Tribune. Báo San Francisco Chronicle đã chọn bài viết của Johnson và đăng trên trang nhất.
Bài viết độc quyền của phóng viên Johnston cho hay Hải quân Mỹ đã biết trước kế hoạch hành động của Nhật Bản trong trận Midway và đang chờ để gặp quân địch ở đó. Đó là một lời kể gần như nguyên văn chỉ thị mật của Đô đốc Nimitz. Bất cứ ai đọc nó đều có thể suy ra rằng mật mã của Nhật Bản đã bị phá vỡ. Còn có thể nghĩ gì khác với tiêu đề “Hải quân nắm được tin kế hoạch tấn công của Nhật Bản trên biển”?
Đã có thông tin về việc đưa chủ sở hữu Chicago Tribune Robert R. McCormick và phóng viên Stanley Johnston ra xét xử vì tội đe dọa an ninh quốc gia. Tia hy vọng duy nhất để Hải quân Mỹ bấu víu chính là người Nhật không đọc báo Mỹ và người Mỹ thì sớm coi bài báo ấy là tin tức cũ. Rõ ràng, người Nhật đã hay biết vụ sơ hở này, còn sự chú ý của công chúng Mỹ nhanh chóng chuyển hướng.
McCormick và Johnston không phải hầu tòa vì Hải quân Mỹ không muốn làm lộ bí mật mà họ muốn chôn sâu. Phóng viên Johnston không còn được lực lượng này chào đón. Đô đốc Ernest J. King tuyên bố Trung tá Morton Seligman vĩnh viễn không được thăng hàm và cho ông nghỉ hưu năm 1944.
Ông Seligman từng ba lần nhận huân chương Thập tự Hải quân, một lần trong Thế chiến thứ nhất và hai lần sau đó. Ông cũng được trao huân chương Trái tim tím hồi đầu năm 1942. Theo những điều lệ còn hiệu lực tới tận năm 1958, là một sĩ quan được trao huân chương của Hải quân, ông Mortan Seligman trở thành một đại tá “bia mộ”. Ông giữ hàm và những quyền lợi của đại tá song không nhận được khoản tiền lương hưu tương xứng.
Hoàng Trang (Báo Tin Tức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.