Bí mật quân sự: Những tên lửa Nga có thể triển khai hậu INF

Thứ ba, ngày 27/08/2019 19:43 PM (GMT+7)
Nga sở hữu nhiều loại tên lửa hiện đại, có thể nhanh chóng nâng cấp để tạo thế cân bằng với Mỹ mà không cần chạy đua vũ trang.
Bình luận 0

Tổng thống Vladimir Putin hôm 23/8 ra lệnh cho Bộ Quốc phòng Nga và các cơ quan khác phân tích mối đe dọa từ vụ thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất của Mỹ để tìm biện pháp đáp trả, dù khẳng định Nga "không muốn và sẽ không tham gia một cuộc chạy đua vũ trang tàn khốc, tốn kém".

Giới chuyên gia cho rằng Nga đang sở hữu nhiều tên lửa hiện đại, được coi là "những lá bài tủ" để nhanh chóng đối phó với việc Washington rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Chúng vốn bị giới hạn nhiều tính năng để đáp ứng điều khoản INF, trong đó cấm hai bên phát triển tên lửa hành trình, đạn đạo phóng từ mặt đất với tầm bắn 500-5.500 km.

"Tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander bị cắt giảm tầm bắn chỉ còn 480 km theo yêu cầu của INF. Giờ đây, khi rào cản đã bị phá bỏ, không còn gì ngăn cản các nhà thiết kế Nga khôi phục tính năng kỹ thuật thực sự của chúng", tổng biên tập tạp chí "Kho vũ khí Nga" Viktor Murakhovsky cho hay, ám chỉ tầm bắn của Iskander có thể được cải thiện đáng kể và gọi đây là "phương án bất đối xứng với chi phí rẻ và hiệu quả cao nhất".

Kể từ khi xuất hiện vào năm 1996, tổ hợp tên lửa đạn đạo 9K720 Iskander luôn được đánh giá là một trong những vũ khí chiến thuật hiện đại và nguy hiểm nhất thế giới.

Điểm nổi bật của Iskander là khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa trên thế giới. Tên lửa Iskander có tốc độ tối đa lên tới 9.350 km/h cùng khả năng liên tục thay đổi đường bay và tung mồi bẫy, nhằm vô hiệu hóa nỗ lực đánh chặn của đối phương.

Mỗi xe vận chuyển kiêm bệ phóng (TEL) trong hệ thống Iskander có thể mang hai quả đạn với khả năng chọn mục tiêu độc lập, tăng gấp đôi hỏa lực so với những tổ hợp cũ hơn như Tochka-U hay Oka. Phiên bản Iskander-M được trang bị đầu dò quang - điện tử cùng liên kết dữ liệu với máy bay không người lái (UAV) hoặc cảnh báo sớm (AWACS), cho phép tên lửa đánh trúng mục tiêu di động với sai số chỉ hai mét.

img

Tên lửa 9M728 rời bệ phóng trong cuộc tập trận Zapad 2017. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Nga cũng phát triển biến thể tên lửa hành trình mang định danh Iskander-K, trang bị đạn 9M728 có tầm bắn 500 km. Phiên bản cải tiến 9M729 có độ chính xác cao và đầu đạn lớn hơn, bị Mỹ cáo buộc có tầm bắn tới hơn 5.000 km và vi phạm điều khoản INF, trong khi Nga khẳng định nó chỉ có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 480 km. Hai mẫu tên lửa này cũng có thể trang bị cho tổ hợp Iskander-M, tăng uy lực và lựa chọn tác chiến cho các chỉ huy.

Mikhail Khodarenok, đại tá phòng không nghỉ hưu, nhận định quân đội Nga có thể sớm phóng thử một loại tên lửa hành trình từ bệ phóng mặt đất để đáp trả việc Mỹ gần đây phóng thử tên lửa hành trình được cải tiến từ Tomahawk.

Ứng cử viên lớn nhất hiện nay cho cuộc phóng thử này là hệ thống tên lửa đa năng Kalibr. Mẫu tên lửa này từng gây ấn tượng mạnh khi được hải quân Nga phóng đồng loạt 26 quả vào những vị trí do phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểm soát ở Syria năm 2015. Trong lần thực chiến đầu tiên này, các quả đạn xuất phát từ tàu chiến trên biển Caspi, bay qua không phận Iran và Iraq, trước khi đánh trúng mục tiêu IS trên lãnh thổ Syria ở khoảng cách 1.500 km.

Trong chiến dịch quân sự tại Syria, hải quân Nga chỉ sử dụng phiên bản tấn công mặt đất mang định danh 3M14, được trang bị hệ thống định vị toàn cầu GLONASS và dẫn đường quán tính, cùng đầu dò radar ARGS-14E có tầm hoạt động 20 km để bám bắt các mục tiêu có độ phản xạ radar lớn.

Mẫu 3M14 nội địa của Nga có tầm bắn 2.000-2.500 km, sử dụng hệ thống đo độ cao và khớp ảnh địa hình, cho phép bay bám sát mặt đất để giảm khả năng bị phát hiện, khiến đối phương có ít thời gian phản ứng hơn. Tên lửa Kalibr có thể được dễ dàng hoán cải thành vũ khí phóng từ mặt đất như vụ thử tên lửa Tomahawk của Mỹ hôm 18/8.

img

Mô hình tên lửa Klub-T được Nga giới thiệu năm 2017. Ảnh: Novator.

Tập đoàn Novator của Nga cuối năm 2017 cũng giới thiệu phiên bản phóng từ mặt đất của tổ hợp Kalibr/Klub mang định danh Klub-T. Nó được phát triển riêng cho tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M14E1, thay vì trang bị nhiều vũ khí như thiết kế nguyên bản. Cơ cấu tổ hợp Klub-T cũng được rút gọn, chỉ còn xe phóng đạn và xe chỉ huy, loại bỏ các xe radar dẫn bắn không cần thiết.

"Tên lửa của Klub-T bị giới hạn tầm bắn 300 km và đầu đạn nặng không quá 500 kg để phù hợp các hiệp ước kiểm soát vũ khí. Những thông số này sẽ tăng đáng kể khi nó được biên chế cho quân đội Nga và không chịu các rào cản như INF", đại tá Khodarenok cho biết.

Kết hợp vũ khí tối tân với công nghệ được kiểm chứng trong quá khứcũng là một giải pháp giúp Nga nhanh chóng triển khai vũ khí đối phó Mỹ, giống cách nước này từng đáp trả sau khi Washington rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) vào năm 2002.

"Phương tiện lướt siêu vượt âm Avangard nằm trong hệ thống chiến đấu thống nhất mới được Nga phát triển, sau đó lắp lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa UR-100N ra đời từ thời Liên Xô. Giải pháp này cho phép Nga vô hiệu hóa mọi nỗ lực xây dựng lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ, trong khi duy trì chi phí đầu tư thấp hơn nhiều so với đối phương", Murakhovsky nhận xét.

Đại tá Khodarenok cho rằng Moskva cũng có thể khôi phục các đơn vị tên lửa chiến thuật từng bị giải tán theo hiệp ước INF. "Nhiều lữ đoàn tiền tuyến trang bị tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có thể được triển khai mà không vượt quá ngân sách quốc phòng hiện nay", ông nói.

Vũ Anh (VNE)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem