Bí mật về dự án oanh tạc cơ của Nhật trong Thế chiến II

Đức Hải Thứ ba, ngày 10/09/2019 20:30 PM (GMT+7)
Nhật Bản từng lên kế hoạch phát triển máy bay ném bom tầm xa có khả năng oanh tạc cơ sở công nghiệp dọc bờ tây nước Mỹ.
Bình luận 0

Theo Tofugu, sau khi tập kích vào Trân Châu Cảng, giới lãnh đạo Đế quốc Nhật sớm nhận ra tiềm năng quân sự to lớn của Mỹ. Washington chính là mối đe dọa lớn nhất với sự thống trị của Nhật ở châu Á-Thái Bình Dương.

Tokyo cần một vũ khí có thể tấn công các cơ sở công nghiệp khổng lồ nhằm làm suy yếu sức mạnh quân sự của Mỹ. Vũ khí lý tưởng cho nhiệm vụ này là một siêu máy bay ném bom tầm xa. Năm 1942, Hội đồng tối cao quân đội Nhật thông qua dự án Z.

img

Gới lãnh đạo quân đội Nhật từng mơ một siêu phi cơ ném bom có thể oanh tạc bờ tây nước Mỹ. Ảnh: Airwar1946.

Họ kêu gọi các nhà thiết kế, kỹ sư, các công ty sản xuất máy bay đề xuất mẫu phi cơ ném bom tầm xa có thể tấn công nước Mỹ. Lãnh đạo quân đội yêu cầu, phi cơ phải có khả năng mang tải trọng vũ khí khoảng 20 tấn, tầm bay khoảng 5.600 km.

Tham vọng quá đà

3 mẫu máy bay tham gia dự án Z là Nakajima G10N, Kawasaki Ki-91 và Nakajima G5N. Trong đó, Nakajima G10N đáp ứng các yêu cầu đặt ra của dự án. G10N, có biệt danh Fugaku, là ý tưởng thiết kế của công ty máy bay Nakajima, một trong những công ty chế tạo phi cơ lớn nhất của Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Phi cơ có chiều dài 39,9 m, sải cánh 62,9 m, trọng lượng rỗng 38,8 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 70 tấn. Để đưa cỗ máy khổng lồ lên không trung cần đến 6 động cơ cánh quạt, mỗi động cơ có công suất 5.000 mã lực.

Nhà sản xuất vũ trang cho phi cơ 4 pháo Type-99 20 mm, khoang vũ khí có thể chứa 20 tấn bom. Về bản chất, G10N tương tự dự án máy bay ném bom tầm xa America của Đức quốc xã. 2 đồng minh phát xít có chung nỗ lực tấn công các cơ sở công nghiệp của Mỹ.

Quân đội Nhật dự định sử dụng máy bay ném bom tầm xa cất cánh từ sân bay trên quần đảo Kuril. Sau khi ném bom nước Mỹ, phi cơ sẽ hạ cánh ở Đức hoặc Pháp để tiếp nhiên liệu và tái vũ trang. Phi cơ của Nhật kết hợp với máy bay ném bom của Đức oanh tạc các cơ sở công nghiệp của Mỹ.

img

Mô hình siêu phi cơ ném bom tầm xa G10N. Nếu người Nhật thành công với dự án Z, cán cân quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương có thể đã khác. Ảnh: Sweet.

Tháng 1/1943, nhà sản xuất bắt đầu triển khai công việc của dự án đầy tham vọng tại cơ sở ở Mitaka. Quá trình phát triển dự án gặp nhiều khó khăn kỹ thuật so với dự đoán của các nhà thiết kế. Tham vọng phát triển động cơ công suất 5.000 mã lực không thành công.

Sau thất bại ở trận Midway, Hải quân Mỹ gia tăng cô lập tuyến vận tải biển chiến lược của Nhật. Nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài khan hiếm khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất kim loại cho phần khung phi cơ.

Bên cạnh đó, các kỹ sư Nhật thiếu kinh nghiệm trong phát triển máy bay ném bom hạng nặng. Lãnh đạo quân đội Nhật nhận thấy, dự án Z là tham vọng quá sức so với thực trạng công nghiệp quốc phòng. Tháng 7/1944, dự án Z bị hủy bỏ.

Một năm sau, Đế quốc Nhật Bản đầu hàng phe đồng minh. Cuộc chiến đẫm máu nhất lịch sử nhân loại chấm dứt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem