Bí mật về gia tộc nhiều Tể tướng và Hoàng hậu nhất Trung Hoa

An Hòa Thứ năm, ngày 11/03/2021 19:31 PM (GMT+7)
Gia tộc này đã trở thành gia tộc hiển hách nhất lịch sử và được xưng là “Trung Hoa đệ nhất vọng tộc”.
Bình luận 0

Suốt 1700 năm kéo dài từ Đông Hán đến Minh Thanh, gia tộc họ Vương đã bồi dưỡng được 36 Hoàng hậu, 36 Phò mã và 35 Tể tướng (theo ghi chép trong “Nhị thập tứ sử”). Gia tộc này đã trở thành gia tộc hiển hách nhất lịch sử và được xưng là “Trung Hoa đệ nhất vọng tộc”. Điều khiến mọi người kinh ngạc hơn chính là để được ghi nhận là “Trung Hoa đệ nhất vọng tộc”, họ chỉ dựa vào gia quy với vẻn vẹn 6 chữ.

Bí mật về gia tộc nhiều Tể tướng và Hoàng hậu nhất Trung Hoa - Ảnh 1.

(Tranh minh họa qua zhihu.com).

Có câu rằng “phú bất quá tam đại”, ý nói rằng “giàu không quá ba đời” và đây cũng là điều mà nhiều gia đình gặp phải. Nhưng điều khiến mọi người chấn động chính là một gia quy 6 chữ lại có thể khiến cho gia tộc họ Vương ở Lang Gia, Sơn Đông vượt qua rất nhiều kiếp nạn, chịu đựng được đủ loại thử thách.

Gia quy của gia tộc này chỉ vẻn vẹn có 6 chữ Hán là: “Ngôn nghi mạn, tâm nghi thiện” (Hiểu là: Nói nên chậm, tâm nên thiện). Nhưng chỉ với 3 chữ: “Ngôn nghi mạn” đã có thể giúp thủy tổ của họ Vương là Vương Cát thuận lợi vượt qua đủ loại cửa ải chốn quan trường. Trong vòng 10 năm ông từ một vị quan huyện trở thành một trọng thần của triều đình, danh thần Tây Hán. Vương Cát đã đem 6 chữ “Ngôn nghi mạn, tâm nghi thiện” làm gia quy của dòng tộc họ Vương.

6 chữ này không chỉ đã tạo phúc cho con cháu nhiều đời sau của họ Vương mà còn sáng tạo ra những kỳ tích khiến người ta khó tin.

“Ngôn nghi mạn”

“Ngôn nghi mạn” là bí kíp mà Vương Cát học được từ một ông lão cao tuổi ở phủ Xương Ấp Vương vào năm 77 trước Công Nguyên khi ông từ Thất phẩm tri huyện được điều chuyển lên làm Ngũ phẩm trung úy ở Vương phủ đó.

Xương Ấp Vương Lưu Hạ mặc dù là cháu đích tôn của Hán Vũ Đế nhưng lại hoang dâm vô độ, hỉ nộ vô thường, bên cạnh ông ta đều là những kẻ tiểu nhân nịnh nọt bợ đỡ âm mưu nham hiểm. Trong chốn quan trường hiểm ác như vậy, Vương Cát đương nhiên thường xuyên cảm thấy vô cùng buồn rầu, lo phiền. Nhưng may mắn chính là Vương Cát đã gặp được một ông lão và ông lão này đã chỉ cho Vương Cát con đường thoát khỏi lầm lạc bằng cách đã tặng ông ba chữ “Ngôn nghi mạn”. Dựa vào 3 chữ này, Vương Cát đã lần lượt vượt qua được những nguy hiểm.

Trong chốn quan trường, ông cũng giành được rất nhiều danh tiếng. Ông đã được Hán Tuyên Đế Lưu Tuân phong làm đại quan gián nghị, với nhiệm vụ can gián vua không mắc phải những quyết định sai lầm. Ông trở thành một trọng thần của triều đình được Hoàng đế tin tưởng trọng dụng.

Nói chuyện là cách thể hiện trí tuệ của một người. Đặc biệt là người trẻ tuổi, bởi vì kinh nghiệm cuộc đời còn ít nên thường nói những lời thiếu sót, có hại. Trong sách Luận Ngữ có câu: “Chưa đến lượt mình nói mà mình cướp lời là nóng vội, hấp tấp. Đến lượt nói mà lại không nói là che giấu, lấp liếm. Không nhìn sắc mặt của người nghe mà nói thì đó là mù quáng.”

Có một ngày Khổng Tử ngồi đàm luận với mấy vị đệ tử về chí hướng. Tử Lộ tính tình hấp tấp vội vàng, khi Khổng Tử còn chưa nói hết lời thì Tử Lộ đã chen ngang. Nhưng Tử Lộ tuyệt đối không nghĩ rằng một lần như vậy của mình lại khiến Khổng Tử thưởng cho một “tiếng cười nhạt”. Đây là một bài học cực kỳ sâu sắc của Tử Lộ.

Điều này nói cho chúng ta biết rằng, nói chuyện là một môn nghệ thuật, nhất định phải cẩn thận. Trong lịch sử, những trường hợp bởi vì nói sai mà đắc tội với người thậm chí phải trả giá thê thảm nhiều không kể xiết. “Nói chậm” là có ý khuyên bảo chúng ta rằng, lời nói khi phát ra phải được thông qua suy nghĩ kỹ càng. Như vậy cũng sẽ khiến chúng ta trở nên thận trọng, vững vàng và bình tĩnh hơn. Nó giúp rèn luyện chúng ta thành người có phẩm cách của người đại khí. Ngữ điệu giọng nói chậm rãi từ tốn thì người nghe mới có thể cảm thấy được tôn trọng, thân mật và dễ nghe hơn.

“Tâm nghi thiện”

“Tâm nghi thiện” là 3 từ được ông lão cao tuổi ở phủ Xương Ấp Vương tặng lần thứ hai cho Vương Cát vào năm 67 trước Công nguyên. Nguyên lai là do khi được thăng chức lên cao, Vương Cát xuất hiện tâm lý lợi dụng chức quyền để “trả đũa” những đối thủ của mình. Ông đã khiến những người bất đồng với mình phải bị thê thảm, khốn khổ.

Trưởng sử Triệu Lạc bởi vì bất đồng chính kiến với Vương Cát nên bị Vương Cát ác ý vạch tội cuối cùng bị bãi quan về quê. Không lâu sau, Triệu Lạc buồn bực uất hận quá mà sinh bệnh chết. Khi được ông lão cao tuổi khuyên can, Vương Cát đã tận tâm cải sửa, không làm việc hại người mà khách quan công chính đối đãi với mọi người. Điều này khiến ông càng ngày càng được nhiều người yêu mến. Mặc dù cả đời sống trong chốn quan trường đầy hiểm ác nhưng lại được thuận lợi, bình an. Có sử sách nói rằng, ông lão đã ban tặng cho Vương Cát 6 chữ này chính là Tể tướng của thời Hán Vũ Đế – Công Tôn Hoằng.

“Tâm nên thiện”, làm việc thiện giúp đỡ mọi người tất sẽ có phúc báo. Mạnh Tử đã nói: “Người quân tử khác người thường ở chỗ giữ tâm. Người quân tử lấy lòng thương người để giữ tâm, lấy lễ để giữ tâm. Người có Nhân có lòng thương người, người có Lễ biết kính người. Yêu người thì được người yêu lại, kính người thì được người kính lại. ”

Người có tâm thiện, vui với việc giúp người, cứu người lúc nguy nan thì những người xung quanh đều sẵn lòng kết giao với và càng muốn giúp đỡ lại. Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử nói: “Đạo trời không có thiên vị, thường giúp người lành”, bởi người lành phù hợp đạo Trời nên cứ như được Trời giúp.

Tâm thiện lương có thể khuyếch trương dương khí của con người. Người xưa có câu: “Làm việc thiện là vui sướng nhất”. Lòng người thật vô cùng kỳ lạ, khi chúng ta làm bất kể việc gì không tốt thì trong lòng sẽ thấy bất an, không vui vẻ nổi, nội tâm cũng không thoải mái. “Bất an, không thoải mái” này không phải là đối với người khác mà là đối với chính bản thân mình. Lâu dần, sắc mặt thần khí đều sẽ trở nên xấu xí, tinh thần khác thường. Nếu như một người tuyệt đối làm việc thiện không vì điều kiện gì, trợ giúp người khác, làm việc có lợi cho người khác thì trong lòng người ấy chắc chắn sẽ vô cùng vui vẻ hạnh phúc.

“Ngôn nghi mạn, tâm nghi thiện”, tại sao gia quy chỉ vẻn vẹn với 6 chữ này lại có sức mạnh kỳ diệu đến như vậy? Khi còn trẻ nhất định phải “ngôn nghi mạn” bởi vì như vậy sẽ giảm thiểu được phạm sai lầm, bảo vệ được bản thân mà tiếp tục phát triển. Người đến tuổi trung niên, tâm trí đã trưởng thành, thực lực đã hùng mạnh, lúc này nên “Tâm nghi thiện”. Như vậy mới có thể giảm thiểu người đối địch, có phong độ khí phách, được mọi người kính trọng. Gia quy 6 chữ này nhìn thì thấy đơn giản, nhưng lại hàm chứa đạo lý thâm sâu về làm người của người xưa. Ai có thể hành được theo 6 chữ này ắt hẳn sẽ có thể sống được bình an và nhận được phúc báo.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem