Bí mật về những người cuối cùng "săn phát xít"

Thứ ba, ngày 30/01/2018 14:30 PM (GMT+7)
Hơn 70 năm sau khi Chiến tranh Thế giới lần II kết thúc, những tên phát xít đã chết gần hết, những kẻ sống sót cũng đã ngoài 90 tuổi. Vì vậy công việc "săn phát xít" của những công tố viên làm việc trong Văn phòng Trung ương Điều tra Tội phạm Quốc xã cũng mờ nhạt dần và đang sắp phải kết thúc trong nay mai.
Bình luận 0

Họ là những công tố viên làm việc trong Văn phòng Trung ương Điều tra Tội phạm Quốc xã (COINSC) của chính phủ Đức. Công việc hàng ngày của họ là tra cứu hồ sơ, tìm kiếm những tên phát xít còn sót lại để đưa ra xét xử. Hơn 70 năm sau khi Chiến tranh Thế giới lần II kết thúc, những tên phát xít đã chết gần hết, những kẻ sống sót cũng đã ngoài 90 tuổi. Vì vậy công việc "săn phát xít" của họ cũng mờ nhạt dần và đang sắp phải kết thúc trong nay mai.

Nhiệm vụ sắp chấm dứt

Văn phòng Trung ương Điều tra Tội phạm Quốc xã (COINSC) đặt tại một khu nhà cũ mà chế độ Quốc xã từng sử dụng để giam cầm các tù nhân chính trị ở thành phố Ludwigsburg, Tây Nam Đức.

Được chính quyền CHLB Đức lập ra tháng 12.1958, Văn phòng có nhiệm vụ đưa những tên phát xít ra trước công lý. Văn phòng gồm có 6 cục điều tra, mỗi cục chỉ bao gồm nhân sự là một công tố viên duy nhất. Hàng năm, các công tố viên này lùng sục khắp thế giới để tìm kiếm các thành viên Đệ tam Đế chế (Third Reich) đang lẩn trốn tại nhiều quốc gia khác nhau, trong đó nhiều nhất là Nam Mỹ.

img

Công tố viên trưởng Jens Rommel.

Người đứng đầu Văn phòng COINSC hiện nay là công tố viên trưởng Jens Rommel, một người đàn ông rắn rỏi, 44 tuổi, đeo kính giả và để chòm râu dê. Rommel được giao quản lý Văn phòng COINSC từ năm 2015. Báo chí Đức gọi ông là "người săn phát xít", nhưng ông không thích người ta gọi mình như thế. Rommel giải thích: "Người đi săn là để tìm kiếm phần thưởng. Anh ta có khẩu súng trong tay. Còn tôi là một công tố viên đi tìm những kẻ giết người và trong tay tôi có luật hình sự".

Rommel và các công tố viên dưới quyền thường đi đến những địa điểm trước đây từng là các trại tập trung trên khắp nước Đức và Đông Âu để lục lọi trong các hồ sơ lưu trữ và kiểm tra thực địa để hình dung lại hoạt động của các bị can. Văn phòng được cấp một khoản ngân sách 1,2 triệu euro (1,44 triệu USD) một năm để làm kinh phí tổ chức các chuyến đi tra cứu hồ sơ, truy tìm những tên phát xít còn sót lại.

img

Công tố viên Manuela Zeller, một cộng sự tích cực của Jens Rommel.

Mỗi năm, Văn phòng COINSC tra cứu và tìm ra tên tuổi của 30 tên tội phạm phát xít. Hồ sơ vụ án của các tội phạm này sau đó được chuyển giao cho các công tố viên khu vực thụ lý. Đến lượt các công tố viên này lại bỏ ra thêm một năm để điều tra bổ sung và quyết định có đưa các cá nhân tội phạm đó ra tòa xét xử hay không. Kể từ đầu thế kỷ XXI đến nay, các công tố viên đã truy tố, xét xử 6 trường hợp.

Đằng sau cánh cửa vòm của tầng hầm tòa nhà Ludwigsburg có một "kho báu", theo cách gọi của Rommel. Đó là những dãy kệ ngăn kéo chứa 1,7 triệu hồ sơ lưu trữ về các vụ thảm sát, những trận đánh, các trại tập trung, nạn nhân, nhân chứng và những tên tội phạm phát xít. Đây là kho tư liệu quý giá nhất thế giới trong đó tổng hợp tư liệu về các tội phạm của phát xít và những nỗ lực sau chiến tranh để đưa bọn chúng ra xét xử. Sắp tới, có lẽ kho tư liệu này sẽ chỉ dừng lại ở 1,7 triệu hồ sơ hoặc thêm chút ít, vì sự tồn tại của COINSC chỉ còn tính từng ngày.

Tội ác đã bị lãng quên nếu không có phiên tòa Motassadeq

Trước khi Văn phòng COINSC ra đời, Ủy ban Tội phạm chiến tranh của LHQ (UNWCC) được thành lập vào năm 1943, là tổ chức được giao phụ trách việc truy tố, xét xử những tên tội phạm phát xít đầu sỏ, cốt cán thuộc các quốc gia phe Trục (chủ yếu là Đức, Italy, Nhật). UNWCC đã tiến hành điều tra đối với 36.000 nhân sự của Đức và Nhật Bản, trong đó ít nhất 10.000 người đã bị kết án trong thời gian 5 năm (1943-1948).

Trong giai đoạn này, riêng tại Tây Đức, đã có khoảng 4.600 tên tội phạm phát xít bị xét xử. Nhưng sau khi thành lập nước Cộng hòa Liên bang Đức vào năm 1949, mong muốn ân xá và sự lãng quên quá khứ ngày càng gia tăng ở Mỹ và châu Âu. Vì thế, UNWCC bị giải thể, các hồ sơ lưu trữ về tội phạm phát xít bị niêm phong.

Vào thời điểm này, Chiến tranh Lạnh bùng nổ và tình cảm thân phát xít bất ngờ gia tăng ở Mỹ và Đức. Khi sự đối đầu Chiến tranh Lạnh ngày càng căng thẳng, công chúng phương Tây bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến "kẻ thù mới" là các nước xã hội chủ nghĩa. Do đó, người ta không còn quan tâm đến việc "tính sổ" với phát xít.

img

Những hồ sơ cũ vàng ố chứa đựng những cái tên phát xít mà các công tố viên của COINSC tìm kiếm.

Hàng ngàn tên tội phạm phát xít đã bị kết án trong những phiên tòa sau chiến tranh đều được phóng thích trong thập niên 1950 bởi hàng loạt đạo luật ân xá đã được Nghị viện CHLB Đức thông qua.

Trong 10 năm đầu mới thành lập, COINSC hoạt động rất mạnh. Mặc dù vậy, COINSC không hoạt động để chống lại hay nhằm mục tiêu sửa lại chính sách ân xá của nước Đức. Nhiệm vụ cốt lõi như đã đặt ra ban đầu là tìm kiếm và củng cố hồ sơ để giúp nước Đức thực hiện quyết tâm đoạn tuyệt với một giai đoạn lịch sử đen tối.

Còn việc đưa ra truy tố những kẻ từng làm việc cho chế độ phát xít, việc kết tội hoặc tuyên án đối với những trường hợp truy tố đó là quyết định của viện công tố và tòa án. Văn phòng COINSC không có chức năng đó. Tuy nhiên, càng về sau, hoạt động này đã đi xuống và mất dần sự ủng hộ của công chúng, trong khi trào lưu phản đối việc điều tra, xét xử phát xít ngày càng lan rộng.

Trong giới chức lãnh đạo nhà nước cũng như trong công chúng CHLB Đức, phần lớn đều không mong muốn đưa ra xét xử những kẻ từng làm việc cho chế độ phát xít. Ngày nay, nghi can phát xít trẻ tuổi nhất đã 90 tuổi, và họ cũng không phải là quan chức cấp cao trong hàng ngũ phát xít. Những nghi can còn sót lại là những người làm những công việc bình thường, như lính gác cổng, đầu bếp, y tá, trực điện thoại, thủ thư,…

Một khi bị phát hiện và truy tố, những nghi can phát xít này thường chết khi quy trình tố tụng còn đang diễn ra, chưa kịp đưa ra xét xử. Vì thế tỉ lệ nghi can phát xít bị kết án là rất nhỏ. Và dư luận công chúng ở Đức cũng không mong muốn nhìn thấy cảnh tượng những ông lão 90 tuổi bị kết án tù giam vì từng tham gia làm việc cho chế độ Quốc xã.

Lập luận chung là, những kẻ chỉ làm những công việc bình thường như y tá, gác cổng, thủ thư thì không có nợ máu với nhân loại, với người Do Thái. Những kẻ gây nợ máu, trực tiếp tham gia các lò sát sinh, trại tập trung đã bị xử lý sau chiến tranh.

Năm 1969, Tòa án tối cao Đức đã giáng một "cú đấm" vào hoạt động điều tra, đưa ra xét xử tội phạm phát xít, tuyên bác bỏ lời buộc tội một nha sĩ và là cựu sĩ quan SS, với lập luận rằng "làm việc tại trại tập trung không phải là một tội".

Kết quả là các công tố viên buộc phải hủy bỏ cuộc điều tra đối với Nha An ninh Đệ tam Đế chế, tổ chức hàng đầu triển khai chính sách giết người hàng loạt của Hitler. Phán quyết của tòa án đã làm mất đi ý nghĩa của việc buộc tội những cá nhân dính líu trong chế độ phát xít, đánh đồng những tội ác đó với những vụ giết người thông thường. Và sau phán quyết của phiên tòa năm 1969 đó, hoạt động của Văn phòng COINSC bị xáo trộn, gần như ngưng trệ.

Các công tố viên của Văn phòng chỉ còn thực hiện việc truy tìm những cựu quan chức chế độ phát xít tay vấy máu và đã được ghi chép cụ thể trên giấy tờ lưu trong hồ sơ. Trong những thập 1960-1970, nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra ở Đức xung quanh vấn đề tội ác của chế độ phát xít, dẫn đến việc xóa bỏ các giới hạn quy định về giết người, nhưng hàng ngàn người từng tham gia vào guồng máy diệt chủng của Hitler vẫn không bị sờ đến.

Trong 4 thập niên sau giai đoạn đó, hoạt động của Văn phòng COINSC ngày càng trở nên âm thầm, lặng lẽ, không còn được dư luận chú ý nữa. Tuy nhiên, vào năm 2007, một loạt vụ án được đưa ra xét xử đã làm thay đổi mọi chuyện. Tháng 1.2007, một tòa án ở Đức đã đưa ra xét xử Mounir el Motassadeq và tuyên án y 15 năm tù. Motassadeq, người Morocco, đã chuyển tiền cho Marwan al-Shehhi, một trong những kẻ cướp máy bay khủng bố ngày 11.9.2001.

Motassadeq bị buộc 246 tội "trợ giúp giết người" (tương ứng 246 nạn nhân trên chiếc máy bay bị cướp). Vụ việc này đã tạo ra một cơ sở pháp lý mới cho những vụ xét xử tội phạm phát xít. Nếu Motassadeq có thể bị buộc tội "trợ giúp giết người" thì những kẻ tham gia guồng máy giết người của phát xít Đức cũng có thể bị buộc tội tương tự.

John Demjanjuk là trường hợp đầu tiên bị xét xử và tuyên án theo lập luận này. Vào năm 1943, Demjanjuk từng làm một lính gác trong thời gian 4 tháng tại trại tử thần Sobibor ở Ba Lan. Luật sư bên công tố đã dùng lập luận của công tố trong phiên tòa Motassadeq để bác lại phán quyết tiền lệ năm 1969.

Năm 2011, ông lão 91 tuổi Demjanjuk bị tòa án tuyên buộc tội hỗ trợ giết người đối với 28.060 nạn nhân ở trại tử thần Sobibor. Tuy nhiên, một năm sau phiên tòa lịch sử đó, trong lúc chờ giải quyết đơn kháng án, Demjanjuk đã qua đời trong một trại dưỡng lão ở Bavaria. Vì thế coi như ông ta vẫn là một người tự do, chưa ngồi tù ngày nào.

Mặc dù Demjanjuk đã chết, nhưng phiên tòa xét xử ông ta đã làm sống lại hoạt động tưởng chừng đã "chết" của Văn phòng COINSC. Tờ báo Die Zeit của Đức đã gọi phiên tòa đó là một tiền lệ mới cho những phiên tòa xét xử tội phạm phát xít. Năm 2013, một năm sau khi Demjanjuk chết, Văn phòng COINSC đã lập danh sách 30 trường hợp từng làm việc trong trại tập trung khét tiếng Auschwitz có thể đưa ra xét xử ngay dựa theo lập luận của phiên tòa Motassadeq.

Trong danh sách này có 5 trường hợp đã chuyển hồ sơ ra tòa án, gồm Ernst Tremmel, lính gác cổng trại tập trung Auschwitz, đã chết vài ngày trước khi ra hầu tòa lần đầu vào năm 2016; một lính gác cổng trại tập trung Auschwitz khác là Reinhold Hanning, 95 tuổi, bị buộc tội vào tháng 6.2016 với tội danh giúp sức giết chết 170.000 người, nhưng đã chết vào ngày 30.5.2017, vài ngày trước khi bị tòa án bác kháng cáo lần cuối; Hubert Zafke, 96 tuổi, y tá trại Auschwitz, hiện đang chuẩn bị đưa ra xét xử.

Năm 2016, công tố viên trưởng Rommel đã chuyển hồ sơ 30 trường hợp cho các công tố viên thụ lý. Cũng trong năm đó, Oskar Groening đã trở thành người đầu tiên trong danh sách tội phạm Auschwitz bị buộc tội thành công dựa theo tiền lệ vụ án Motassadeq. Groening nằm trong danh sách cuối cùng của Ủy ban Tội phạm chiến tranh LHQ (UNWCC) vào năm 1948, nhưng ông ta đã không được đưa ra xét xử do UNWCC đã bị giải thể ngay sau đó.

Toàn bộ hồ sơ của 36.000 tên tội phạm đã bị buộc tội khi đó đã bị niêm phong, không ai màng đến việc chuyển giao cho tòa án thụ lý. Trong nhiều thập niên còn lại của thế kỷ XX, tội ác của những người như Groening đã được nhân loại biết đến, nhưng mãi cho đến nay, với hoạt động tích cực của Rommel và các cộng sự ở COINSC, những kẻ từng tham gia guồng máy giết người của phát xít Đức mới bị đưa ra trước công lý.

Trong căn phòng làm việc của Rommel trên tầng hai của tòa nhà trụ sở COINSC, có 16 lá cờ nhỏ tượng trưng cho 16 tiểu bang của nước Đức, được cắm ngay ngắn trên một chiếc bàn làm việc bằng gỗ. Rommel cho biết, trong nay mai, Bộ trưởng Tư pháp của 16 tiểu bang đó sẽ quyết định thời điểm kết thúc công việc điều tra, truy tìm phát xít của COINSC.

An Tôn (An ninh thế giới)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem