Theo đó, Thanh tra Sở Y tế đã phạt đối tượng T.P (ngụ tại khu phố 3, phường Hữu Phú, quận 9) 4 triệu đồng vì hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT trong khám bệnh, chữa bệnh; buộc hoàn trả số tiền 20.881.339 đồng đã vi phạm vào tài khoản thu của quỹ BHYT tại Bệnh viện quận 2.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên bị phát hiện cho mượn thẻ BHYT. Trước đó, một trường hợp người cha cho con mượn thẻ BHYT đi khám bệnh tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã bị phát hiện và xử phạt 750.000 đồng do chưa làm thiệt hại đến quỹ BHYT.
Năm 2020, Chính phủ đã quy định mức phạt khi cho người khác mượn thẻ BHYT tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 15/11/2020.
Theo đó, khoản 1 Điều 84 Nghị định 117 quy định, phạt tiền đối với hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong khám bệnh, chữa bệnh theo 1 trong các mức sau:
- Từ 1 - 2 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại đến quỹ BHYT;
- Từ 3 - 5 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm làm thiệt hại đến quỹ BHYT.
Ngoài ra, trong trường hợp cho người khác mượn hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác mà làm thiệt hại đến quỹ BHYT thì buộc phải hoàn trả số tiền đã vi phạm vào quỹ BHYT (nếu có).
Ngày 21/1, ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết, trong 15 ngày đầu liên thông BHYT tuyến tỉnh, TP.HCM ghi nhận có sự gia tăng khoảng 12,5% lượt khám chữa bệnh BHYT so với cùng kỳ năm 2020.
"Chưa đầy một tháng từ khi thông tuyến, số lượt khám chữa bệnh đã tăng cao. Chúng tôi dự báo cả năm 2021, số lượt khám chữa bệnh BHXH trên địa bàn sẽ tiếp tục tăng. Để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, chúng tôi đã kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ tăng dự toán cho TP.HCM thêm 1.000 tỷ đồng. Như vậy, dự toán BHYT của TP.HCM năm 2021 khoảng 21.500 tỷ đồng", ông Phan Văn Mến cho hay.
Bên cạnh đó, BHXH TP.HCM cũng đề nghị ngành y tế thành phố tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, nâng cao chất lượng chuyên môn cho các cơ sở y tế tuyến dưới nhằm tránh tình trạng người dân đổ lên tuyến trên, gây quá tải bệnh viện.
Trước đó, trong năm 2020, BHXH TP.HCM đã thực hiện giám định và thanh toán đối với 19.320.062 lượt khám chữa bệnh BHYT với tổng số tiền chi 19.132 tỷ đồng, vẫn còn kết dư 122 tỷ đồng.
Trong năm 2020, tổng số thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên toàn địa bàn đạt 68.695 tỷ đồng, nợ đóng BHXH vẫn còn tới 1.513 tỷ đồng. Trước tình trạng một số doanh nghiệp chây ì trong đóng bảo hiểm xã hội, BHXH TP.HCM đã chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố tội trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 216 Bộ Luật hình sự sang Cơ quan điều tra - Công an TP.HCM của 76 đơn vị với số tiền trốn đóng 153,7 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.