Với nhiều đứa trẻ, khi được hỏi mục đích của học tập là gì đã hồn nhiên trả lời rằng: "Con đi học vì bố mẹ con muốn thế". Việc học hành của những đứa trẻ này giống như một nghĩa vụ chứ không phải là việc đem lại sự thích thú hay có ý nghĩa. Tâm lý này sẽ làm ảnh hưởng đến tinh thần cũng như chất lượng học tập của trẻ. Để trẻ biết nhận thức đúng đắn về việc học tập và khuyến khích con học tốt, bố mẹ có thể tham khảo những điều dưới đây.
Bố mẹ nên tạo phong trào học tập trong gia đình để các bé nhìn nhau cùng phấn đấu.
1. Quan điểm học cho con chứ không phải học cho bố mẹ
Bố mẹ cần nói cho con biết học tập là cho con chứ không phải học vì bố mẹ, giúp con hiểu rằng con cần phải học nghiêm túc để có một tương lai tốt đẹp sau này. Bố mẹ không nên giữ tư tưởng là ngày xưa mình không có điều kiện học cái này, cái kia nên bây giờ phải để con hoàn thành mong muốn đó của mình mà không nhìn nhận cảm giác của đứa trẻ có thích học như thế hay không.
2. Tạo phong trào học tập trong gia đình
Bố mẹ nên có những cách thức để khích lệ việc học tập trong nhà mình. Nếu nhà có một con thì bố mẹ có thể ngồi học cùng con, cùng con trao đổi và tháo gỡ những thắc mắc của con để con luôn có cảm giác được bố mẹ quan tâm và chia sẻ. Nếu nhà đông con, hãy tạo không khí rằng học tập là một phong trào trong nhà mình. Việc rèn giũa và quan tâm đến việc học tập của đứa con đầu lòng rất quan trọng. Bởi vì, nếu đứa lớn thích học, chăm học thì đứa em ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi tinh thần học tập đó. Vả lại nếu không học bài thì lúc anh (chị) học thì bé cũng không có ai chơi cùng. Bằng cách này, các con sẽ đua nhau ngồi vào bàn mà tự giác học, chẳng cần bố mẹ nhắc nhở.
3. Không nên so sánh
Trong việc khuyến khích học tập của con trẻ, điều tối kỵ là bố mẹ đem điểm số của con ra so sánh với đứa trẻ khác rồi dè bỉu, chê bai. Nếu con mình điểm cao hơn đứa trẻ khác, việc chê bài so sánh này sẽ làm con trở nên kiêu ngạo và chủ quan. Còn nếu con mình bị điểm thấp hơn, việc so sánh này sẽ làm con trở nên tự ti, bất cần. Đứa trẻ không hiểu rằng việc bị chê bai này là ý tốt của bố mẹ mình “kích” mình học tập tiến bộ mà nó chỉ hiểu rằng, nó có học cách nào cũng không thể bằng đứa trẻ kia. Vì vậy, khi con bị điểm kém, việc đầu tiên bố mẹ nên làm không phải là mắng con, đánh con hay chễ giễu, so sánh mà là nên cùng con tìm ra nguyên nhân bị điểm kém, rút kinh nghiệm để lần sau làm bài tốt hơn.
4. Khơi dậy niềm đam mê môn học của từng trẻ
Thông thường, khi đi học, mỗi bé sẽ có sự thích thú đặc biệt với một bộ môn nào đó. Có trẻ thích học môn tự nhiên - xã hội, có trẻ lại thích môn vẽ... Bố mẹ không nên ép buộc hoặc tạo áp lực, kỳ vọng rằng con mình phải giỏi toán, giỏi văn, giỏi ngoại ngữ, giỏi múa hát.. trong khi con dù đã học hết sức các môn này vẫn không đạt được kết quả tốt hơn.
Với những trường hợp này, bố mẹ nên chia sẻ, đồng cảm với con. Bố mẹ có thể tìm hiểu xem tại sao con lại thích môn học đó mà không phải là môn khác để từ đó tìm ra cách giúp con phát huy điểm mạnh của mình, đồng thời khích lệ con hoàn thành các môn học khác. Với những đam mê của con, bố mẹ nên khuyến khích con tham gia vào các cuộc thi tìm hiểu về lĩnh vực khoa học tự nhiên - xã hội cũng như các lĩnh vực khác để khích thích sự tò mò, sáng tạo của con và tạo cơ hội cho con thỏa đam mê.
5. Khơi dậy những ước mơ cho trẻ
Nhiều đứa trẻ ước mơ sau này muốn làm chú lính cứu hỏa, chú thợ điện hay là nhà nghiên cứu côn trùng... Những mơ ước bé bỏng này có thể làm các bậc cha mẹ "phát hoảng" vì tại sao con mình lại không mơ thành giáo sư, bác sĩ giống bố mẹ kỳ vọng. Bố mẹ nào tế nhị thì phân tích và chuyển hướng mơ ước của con theo ý mình. Nhưng cũng có nhiều bố mẹ lập tức có phản ứng dữ dội ngay với con. Thái độ này có thể làm con cụt hứng, tự ti, trở nên phụ thuộc hơn vào ý chí và mong muốn của bố mẹ mà quên đi chúng thực sự muốn làm gì. Vì thế, bố mẹ hãy là người đồng hành để cùng con định hướng mà không áp đặt, để cùng con khơi dậy, nuôi dưỡng và hiện thực hóa những mơ ước lớn hơn của con sau này.
Lệ Thúy (Ngôi sao)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.