Bí quyết thành công của tiến sĩ tốt nghiệp ĐH Stanford
Bí quyết thành công của tiến sĩ tốt nghiệp ĐH Stanford
Chủ nhật, ngày 10/01/2021 09:11 AM (GMT+7)
TS Nguyễn Chí Hiếu (tốt nghiệp ĐH Stanford, Mỹ) cho rằng có những thứ đến không phải vì người đó thông minh nhất mà vì họ biết cách dành thời gian tốt hơn.
Năm 2001, chàng trai 17 tuổi Nguyễn Chí Hiếu lên TP.HCM học tập. Lúc đó, thầy không phải là học sinh nổi bật. Nhưng cuối năm học, thầy là người duy nhất trong lớp nhận học bổng sang Anh du học.
Nói về cơ duyên nhận suất học bổng thay đổi cuộc đời đó, thầy cho rằng nhờ thầy là người duy nhất đi đủ 25 buổi hội thảo du học, ghi chép nghiêm túc.
“Có những thứ đến không phải vì người đó giỏi và thông minh nhất, nó đến vì họ biết mình đang dành thời gian như thế nào. Thậm chí đến bây giờ, một số người vẫn ngạc nhiên kiểu ‘ủa, hồi cấp 2, Hiếu học cũng bình thường mà'. Những nỗ lực nhỏ sẽ mang lại thay đổi lớn”, TS Nguyễn Chí Hiếu nói.
Thấy IELTS 8.5 rồi vỗ tay, khen giỏi là hạn chế
Thầy Nguyễn Chí Hiếu, nhận bằng tiến sĩ từ ĐH Stanford danh tiếng, cho rằng một số người rất thông minh nhưng chưa chắc đã thành công bằng người khác.
Ở Việt Nam, mục tiêu chủ yếu của học sinh THPT là vào đại học hoặc du học. Nếu chọn con đường du học, 3 năm này, các em chủ yếu dùng để ôn thi TOEFL hoặc IELTS rồi SAT 1, SAT 2, đổ dồn vào các câu trắc nghiệm.
Cuộc sống của các em xoay quanh điểm trung bình trên lớp, các hoạt động ngoại khóa mà theo thầy Hiếu, một số em “lao vào như con thiêu thân, 4-5 hoạt động/tuần như thể chỉ có 3 năm để sống”.
Những việc trên khôn xấu nhưng chiếm quá nhiều thời gian và trọng tâm, khiến học sinh quên mất những thứ quan trọng, lẽ ra cần dành nhiều thời gian hơn.
Vì thế, một số học sinh rất giỏi ở THPT nhưng ngày đầu tiên vào Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) hay Stanford bị sốc, gặp các vấn đề tâm lý. Bản thân phụ huynh cũng bị ám ảnh bởi “con nhà người ta”.
“Nếu thấy ai đạt IELTS 8.5, phụ huynh vỗ tay, khen giỏi, đó là sự hạn chế”, thầy Hiếu nói về thực trạng nhiều người lớn vẫn định nghĩa tài năng tức điểm cao, đỗ giải này, trường nọ.
Để định nghĩa lại tài năng, TS Nguyễn Chí Hiếu cho rằng phụ huynh, giáo viên, học sinh nên trả lời câu hỏi thế giới cần tài năng gì và con người như thế nào.
Thầy nêu 94% người Mỹ vẫn nghĩ tấm bằng đại học là con đường tốt nhất để vào đời. Trong khi đó, 90% lãnh đạo doanh nghiệp, công ty hàng đầu lại nhận định sinh viên tốt nghiệp ĐH, kể cả các trường trong top 20 thế giới, không đủ kỹ năng làm việc.
Thực tế, thống kê cách đây 4-5 năm cho thấy 15% nhân sự là kỹ sư tại Google không có bằng đại học. Điều đó có nghĩa chỉ với tấm bằng THPT, họ vượt mặt rất nhiều người tốt nghiệp MIT, Harvard hay Stanford. Như vậy, tốt nghiệp trường danh tiếng cũng không đảm bảo chắc chắn cho thành công.
Ngoài ra, 45% cử nhân ở Mỹ chỉ làm công việc mà không cần học đại học vẫn làm được trong khi có những việc yêu cầu bằng cấp lại không tìm được người làm.
Thầy Hiếu cũng nêu thực tế lương người tốt nghiệp đại học thuộc top 50 không cao hơn người tốt nghiệp top dưới. Vì thế, thầy nhấn mạnh điều quan trọng không phải tên trường mà bản thân người đó là ai.
6 kỹ năng cần thiết để thành công
TS Nguyễn Chí Hiếu cho hay ĐH Harvard đã đưa ra 6 kỹ năng cần thiết để thành công trong thế giới thay đổi nhanh chóng.
Thứ nhất là giao tiếp hiệu quả bằng văn viết và văn nói. Theo thầy, nếu có thể đứng lên nói 15 phút mà không cần chuẩn bị, vẫn thu hút được người nghe cũng là một loại thành công.
Kỹ năng khác cũng rất quan trọng là làm việc nhóm, thương lượng, quản lý khách hàng, đối tác. Thầy Hiếu đánh giá nhiều người còn yếu ở kỹ năng này do chủ nghĩa cá nhân cao, chỉ chơi với người cùng phe mình.
Tư duy đa chiều, sáng tạo, tư duy phản biện, năng lực tự học cũng rất quan trọng. Thầy Hiếu cũng nhắn nhủ học sinh không nhầm tưởng kỹ năng copy-paste những thứ sẵn có với kỹ năng tự học, tự nghiên cứu.
TS tốt nghiệp ĐH Stanford cũng nhấn mạnh yếu tố tác phong chuyên nghiệp, thể hiện qua hình ảnh, phong cách. Điều này giúp người khác thấy được sự tôn trọng. Khi phỏng vấn, nếu đến cách ăn mặc, ngồi như thế nào, ứng viên cũng không biết, nhà tuyển dụng sẽ không quan tâm họ tốt nghiệp trường nào. Ứng viên có thể mất rất nhiều cơ hội chỉ tác phong.
Thầy nói thêm điều này áp dụng với cả việc phỏng vấn xin học bổng. Nhà tài trợ đánh giá thí sinh cả lúc ngồi chờ và có thể dành học bổng cho người không thông minh bằng nhưng biết trân trọng cơ hội.
Trong khi đó, học sinh, sinh viên hiện nay gần như chưa để ý đến tác phong. Nhiều em đi phỏng vấn xin học bổng còn mặc quần ngắn. Người phỏng vấn thông qua bề ngoài để đánh giá ý thức.
Kỹ năng thứ 5 mà ĐH Harvard đưa ra là năng lực lãnh đạo như cố vấn, giám sát, quản lý dự án… Cuối cùng, tính cách (đạo đức, độc lập, độ tin cậy) là yếu tố quyết định thành công của người trẻ.
Tài năng thực sự là gì?
Tuy nhiên, thông minh không có nghĩa tỷ lệ thuận với 6 kỹ năng trên. Tài năng không chỉ là điểm số cao, học trường danh tiếng.
Tài năng là khả năng tổng quát (tự học, nghiên cứu, đọc sách, viết lách, thuyết trình, tư duy…), khả năng chuyên biệt (áp dụng vào môn học như thế nào). Thầy cho rằng người ôn thi với 10 thầy giỏi nhất, đạt 9 điểm vẫn không bằng người tự học đạt 7 điểm.
“10 năm sau, bạn tự học thành công hơn vì 7 điểm đó 100% thuộc về bạn trong khi người đạt 9 điểm kia chỉ có 5 điểm của mình, 4 điểm của thầy”, thầy nói.
Khi định nghĩa lại tài năng, TS Nguyễn Chí Hiếu còn nhấn mạnh độ cam kết, tức khả năng đi đến cùng với mục tiêu đã đặt ra.
Bản thân thầy từng dở tiếng Anh nhất lớp thời phổ thông, du học Anh, thời gian đầu, thầy nghe không hiểu. Nhưng thầy nỗ lực học để nâng cao vốn ngoại ngữ. Nhờ đó, du học hai năm, thầy Hiếu đạt danh hiệu Thủ khoa nhóm Toán - Thống kê và Sinh viên A-level xuất sắc nước Anh năm 2004.
Thầy cho rằng không phải vì thầy thông minh mà vì biết cách dùng thời gian hơn người khác, đồng thời có độ cam kết. Theo thầy, một người có thể sinh ra với tài năng, được học trong môi trường tốt nhưng còn cần đến khả năng đi đến cùng ở môi trường đó. Và độ cam kết cũng là một loại tài năng.
Cuối cùng, tài năng thực sự nằm ở sự sáng tạo. Tiền bạc, thành công, sự nổi tiếng, hạnh phúc, tự do đều đến từ tài năng này.
Tuy nhiên, điều đáng buồn, 80% hiệu trưởng đại học cho rằng các trường thất bại trong đào tạo 6 kỹ năng mà ĐH Harvard đưa ra. 80% sinh viên vẫn áp dụng cách học gạo như thời THPT. 90% nội dung chương trình dạy kiến thức bề nổi. 30-70% giờ học dùng để luyện thi, 90% đề thi không có giá trị hình thành 6 kỹ năng trên.
Vì thế, khi làm giáo dục, đặc biệt khi đảm nhận vị trí Giám đốc học thuật chương trình Song bằng quốc tế của trường Phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội), TS Nguyễn Chí Hiếu chú trọng bồi dưỡng 4 tài năng và 6 kỹ năng cho học sinh, tạo điều kiện để các em phát triển thế mạnh.
Ở môn tự chọn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể thao, học sinh có thể chọn điều mình thích. Lên cấp 3, các em được chọn để thiên hướng tự nhiên hoặc xã hội.
Học sinh cũng được trải nghiệm, kết nối kiến thức đã học với thực tế cuộc sống để tìm ra đam mê. Trường không chỉ đánh giá qua điểm số mà còn thông qua các bài viết, báo cáo, dự án học tập, thuyết trình hay tranh biện.
Chương trình học không tập trung luyện thi mà khuyến khích học sinh sáng tạo. Ngoài ra, học sinh được chú trọng bồi dưỡng tính cách, phẩm chất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.