Bị Shark Bình đánh giá không khả thi, startup “vàng 4.0” ra về tay trắng

PV Thứ hai, ngày 06/06/2022 11:18 AM (GMT+7)
Startup cuối cùng xuất hiện trong Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 1 là Hana Ngô – Nhà sáng lập và điều hành HanaGold.
Bình luận 0

Hana Ngô cho biết khi còn là cô bé 5-6 tuổi, cô đã nhìn thấy hình ảnh người bà, người mẹ hàng tháng dành từng chút tiền để cuối tháng mua những chỉ vàng tích lũy. Điều đó khiến cô nung nấu ý định làm thế nào để người dân Việt Nam có thể tích lũy vàng một cách dễ dàng hơn. Chính vì vậy, HanaGold ra đời.

Theo giới thiệu của nữ sáng lập, HanaGold là chuỗi tiệm kim hoàn ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và kinh doanh. Tại đó, khách hàng có thể mua vàng tích lũy online (trực tuyến) chỉ từ 100.000 VND và nhận vàng offline (trực tiếp) tại cửa hàng HanaGold hoặc chuỗi cửa hàng nhượng quyền trên toàn quốc. Bên cạnh đó, HanaGold còn xây dựng mô hình tiệm kim hoàn 4.0 với số vốn đầu tư là 500 triệu đồng. HanaGold hiện đã có 100 mẫu sản phẩm vàng trang sức đã được đăng ký bản quyền. Dự kiến sắp tới sẽ tăng lên 1.000 mẫu.

Bị Shark Bình đánh giá không khả thi, startup “vàng 4.0” ra về tay trắng - Ảnh 1.

Đến với Shark Tank Việt Nam, Hana Ngô kêu gọi đầu tư 200.000 USD cho 10% cổ phần. Ảnh: Shark Tank

Giải thích chi tiết hơn về mô hình của mình, Hana Ngô cho biết đây là hình thức đặt cọc mua vàng. HanaGold xây dựng website và ứng dụng điện thoại để khách hàng nạp tiền, mua vàng tích lũy chỉ từ 100.000 đồng. Khi nào đủ 1 chỉ thì sẽ ra tiệm vàng của HanaGold để nhận vàng vật chất về.

Trước thắc mắc của Shark Hưng và Shark Hùng Anh về việc làm thế nào khi giá vàng biến động, Hana Ngô cho biết giá vàng sẽ tính tại thời điểm khách mua. Còn việc cân đối dòng tiền khi giá vàng chênh lệch giữa thời điểm khách mua và thời điểm giao vàng là trách nhiệm của Hana Gold. 

Điều này khiến Shark Hưng quan ngại rủi ro. “Anh mua vàng của em giá thời điểm này đang gần 70 triệu. 7 tháng sau anh mới nhận thì lúc ấy lên 100 triệu thì em không có tiền mua vàng vật chất trả cho anh”, Shark Hưng bày tỏ.

Trả lời câu hỏi của Shark Phú về tình hình kinh doanh, nữ sáng lập cho biết HanaGold thành lập từ năm 2020 và hiện đã có 3 cửa hàng. Startup hiện có hơn 15.000 khách hàng dùng ứng dụng điện thoại. Trong đó có khoảng 30% đã mua hàng. 

Bị Shark Bình đánh giá không khả thi, startup “vàng 4.0” ra về tay trắng - Ảnh 2.

Các Shark hỏi khá kỹ về tình hình tài chính của mô hình bán Vàng 4.0. Ảnh: Shark Tank

Trước thắc mắc của các Shark về việc đảm bảo trách nhiệm với người mua nếu chẳng may phá sản, Hana Ngô cho biết HanaGold hiện có cơ chế trích lập quỹ dự phòng như các ngân hàng. Cô cho rằng vấn đề này “nằm ở niềm tin”.  

Tuy nhiên lời giải thích này không nhận được sự đồng tình từ các Shark. “Trong nguyên tắc về đầu tư đặc biệt là đầu tư tài chính thì cơ chế mới là quan trọng. Tất nhiên phải có niềm tin nhưng tin là tin về cơ chế, tức là không lừa đảo, không gian dối chứ không phải tin vào một cá nhân nào cụ thể”, Shark Hưng phân tích.

Khi các Shark cho rằng mô hình kinh doanh quá rủi ro, Hana Ngô nêu quan diểm rằng nếu mô hình mới không có rủi ro thì sẽ không có bước tiến xa.

Nói về bức tranh tài chính, Hana Ngô cho biết vốn điều lệ của doanh nghiệp là 10 tỷ đến từ 3 cổ đông. Hana Ngô hiện nắm giữ 60% cổ phần. Tổng chi phí từ khi thành lập vào năm 2020 đến nay doanh nghiệp đã sử dụng hết 7 tỷ. Về doanh thu, riêng năm 2020, 2021 doanh nghiệp bị “đóng băng”. Doanh thu quý I/2022 dao động từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng.

Nữ sáng lập cho biết HanaGold không chỉ là một công cụ để quản lý mà nó còn là nơi để cho rất nhiều người tham gia và họ có thể kiếm lợi nhuận, kiếm tiền từ đây. Nói về mô hình nhượng quyền tiệm kim hoàn, Hana Ngô cho biết bất cứ ai có nhu cầu có thể đầu tư với số vốn chỉ từ 500 triệu đồng.

Khi Shark Bình thắc mắc con số 500 triệu thì có thể bày được mấy miếng vàng, Hana Ngô cho biết đó chính là điều mà HanaGold làm được trong khi các tiệm kim hoàn khác không làm được.

Là người đầu tiên chốt deal, Shark Liên cho rằng mô hình kinh doanh của startup có độ rủi ro cực kỳ cao. Chính vì thế bà không đầu tư cho startup.

Đồng quan điểm với Shark Liên, Shark Hùng Anh cũng từ chối đầu tư và khuyên startup nên xem lại mô hình của mình. 

Shark Hưng phân tích rằng việc giá vàng lên xuống sẽ ảnh hưởng quyết định của startup tại thời điểm bàn giao vàng cho khách vì khi đó có thể mất cân đối với dòng tiền đã thu. Hơn nữa, các thức nhượng quyền các tiệm vàng lại thêm một rủi ro trung gian khác khi startup giao vàng cho cửa hàng nhượng quyền rồi từ đó mới giao cho khách, trong khi tiền thì startup đã thu. Chính vì vậy, Shark Hưng cũng từ chối đầu tư cho startup. 

Bị Shark Bình đánh giá không khả thi, startup “vàng 4.0” ra về tay trắng - Ảnh 3.

Shark Bình đánh giá startup của Hana Ngô không khả thi. Ảnh: Shark Tank

Shark Bình cũng cho rằng mô hình nhượng quyền mà startup đưa ra là không khả thi. Ngoài ra việc token hóa việc mua vàng đang gặp phải vấn đề pháp lý. Ông cho rằng 4.0 hay công nghệ không phải là cây đũa thần và vẫn có những ngành kinh doanh không thay đổi được. Do không tin tưởng vào tương lai thành công của mô hình kinh doanh, ông quyết định không đầu tư cho startup.

Shark Phú phân tích rằng startup bán vàng đã chuẩn bị 2 năm, triển khai 3 tháng mà doanh thu chỉ 1 tỷ là một vấn đề. Nó thể hiện rằng khách hàng chưa tin tưởng vào doanh nghiệp. “Không ai biết đến em, em bắt người ta đưa tiền trước cho em giữ xong em tuyên bố ‘tôi có bí quyết để tôi cân đối được, tôi dự phòng’… Ví dụ Ngân hàng Nhà nước trích lập tiền dự phòng, ngân hàng thương mại phải đưa cho Ngân hàng Nhà nước giữ thì mới có ý nghĩa dự phòng. Chứ tôi dự phòng trong két, mai tôi rút két ra thì đâu phải dự phòng”, Shark Phú phân tích. Đánh giá mô hình kinh doanh của startup khó thành công, Shark Phú cũng quyết định không đầu tư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem