“Chúng ta có ngân sách chi cho giáo dục - đào tạo, nhưng chỉ có thế thì không bao giờ đủ. Nếu ngành giáo dục cứ chờ rót ngân sách mới đổi mới thì… hỏng. Nguồn lực xã hội hóa của chúng ta rất dồi dào sao không tận dụng tốt nó…” - Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã có nhận định như vậy về vấn đề xã hội hóa giáo dục tại buổi làm việc với Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ sáng nay (7.6).
Theo ông Thăng, trong điều kiện định hướng xã hội chủ nghĩa, đối với người nghèo có thể bao cấp hoàn toàn, còn với các đối tượng khác phải thu đủ.
“Chúng ta có ngân sách chi cho giáo dục - đào tạo, nhưng nếu chỉ có thế thì không bao giờ đủ. Nhiều nơi chỉ cần cấp đất là người ta có thể làm được trường mầm non, thậm chí là làm tốt nữa thì tại sao không cho họ cơ chế, chúng ta chỉ cần hỗ trợ các vấn đề về pháp lý, quy định. Năm nào thành phố cũng hứa sẽ giảm tải, hứa làm bể bơi… nhưng cuối cùng đất không có, tiền cũng không có. Nếu không xã hội hóa thì không làm được” - ông Thăng nói.
Tại buổi làm việc, ông Thăng cũng đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép thí điểm những gì luật đã lỗi thời, hoặc chưa quy định. Để hội nhập được toàn diện, thành phố phải có đề án tổng thể về giáo dục, đào tạo. Thành ủy sẽ có quyết sách triển khai. Đề án sẽ được xây dựng dựa trên nguyên tắc cụ thể.
Về chương trình giáo dục phổ thông, ông Thăng đề nghị Bộ GD-ĐT đưa chương trình giáo dục khởi nghiệp vào nhà trường, để từ học sinh tới sinh viên mang tinh thần khởi nghiệp.
Bí thư Đinh La Thăng làm việc với Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.
“Học sinh các nước trên thế giới ngay từ cấp 2, cấp 3 đã khởi nghiệp rồi. Còn tại Việt Nam thì sau khi tốt nghiệp CĐ-ĐH mới chú ý vấn đề này. Tôi cho tư duy đó là không được, có nhiều người thậm chí còn có tư duy “có ghế vào cơ quan nhà nước khi ra trường” là hỏng. Tôi cho rằng phải thay đổi, và TP.HCM phải là đầu tàu về khởi nghiệp, nuôi ý chí, khát vọng khởi nghiệp cho lớp trẻ” - ông Thăng nhấn mạnh.
Cũng với bậc phổ thông, ông Thăng “quyết liệt”: phải dứt khoát trong năm nay không được dạy thêm, học thêm. Việc bồi dưỡng cho học sinh giỏi và yếu kém dứt khoát phải làm. Việc thành lập các trung tâm văn hóa ngoài giờ là không cần thiết và lãng phí vì hiện nay đã có các trung tâm TDTT, nếu cần thì có thể thêm danh mục đào tạo văn hóa, chứ tuyệt đối không được mở dạy thêm văn hóa tại trường học.
"Anh Lê Hồng Sơn (Giám đốc Sở GD-ĐT) đưa ra rất nhiều lý do có lý về dạy thêm, học thêm nhưng quốc tế có dạy thêm, học thêm đâu mà học sinh vẫn giỏi?” - ông Thăng đặt vấn đề.
Ở bậc đại học, ông Thăng kiến nghị Bộ GD-ĐT không phân biệt trường công, trường tư. “Tại sao Bộ chỉ đề xuất 21 trường trọng điểm của Nhà nước là trường công mà không phải trường tư. Tôi kiến nghị Bộ ra quy định trường trọng điểm cần những tiêu chí nào, nếu trường tư mà đáp ứng và được kiểm định thì sao không công nhận” - ông Thăng nói.
Ngoài ra, ông Thăng cũng đề nghị Bộ thực hiện phân cấp, ủy quyền cho thành phố. “Bộ đừng sợ mất quyền hay thành phố làm sai. Tôi đề xuất để chủ tịch UBND thành phố sẽ là người chịu trách nhiệm cao nhất về giáo dục, đào tạo. Nếu TP.HCM có cơ chế đột phá, kinh tế tăng trưởng sẽ không chỉ là 12%. Nếu được giao quyền thì thành phố cũng đã chủ động được khá nhiều quyết sách về giáo dục đào tạo” - ông Thăng phát biểu.
Cực kỳ “dã man” khi ép trẻ học suốt ngày
"Tôi cực kỳ choáng khi thấy lịch học dày kín của học sinh thành phố. Trẻ học cả ngày, sau 5h chiều lại đến các trung tâm văn hóa để học thêm đến 20-21h; phải nói là cực kỳ dã man…" - ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết tại buổi gặp gỡ giữa Bộ GD-ĐT và UBND TP.HCM sáng 7.6.
Theo ông Định, sau giờ học chính khóa (cả ngày) của học sinh, các bậc phụ huynh nên cho các em học kỹ năng (nếu cần), hoặc học múa hát, đừng tiếp tục “nhồi sọ” các em bằng chương trình văn hóa ở các buổi học thêm.
Ngoài ra, theo ông Định, TP.HCM nên mở rộng cơ chế để triển khai xã hội hóa giáo dục vì thực tế tình hình trường lớp ở bậc tiểu học tại thành phố bị “phình to” do việc tăng dân số cơ học, dẫn đến tình trạng “nghẹt thở”.
Ông Định dẫn chứng, toàn thành phố hiện có 519 trường tiểu học với 14.300 lớp học, trong đó có sĩ số trên 50 em/lớp là 167 lớp, sĩ số từ 40-49 em là 1.232 lớp.
“Chỉ cần thành phố có cơ chế và hỗ trợ các vấn đề về thủ tục, pháp lý, tôi tin sẽ có nhiều doanh nghiệp cùng chung tay trong việc đẩy mạnh xây dựng trường lớp, góp phần giảm tải cho bậc học mầm non, tiểu học trên địa bàn hiện nay” - ông Định nói.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.