Bí thư Thành ủy TP. Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh. (Ảnh:Vnexpress.net)
Trong thông báo kết luận kỳ họp 17 (họp từ 13 đến 16.9), Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã khẳng định ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy TP.Đà Nẵng có nhiều vi phạm, khuyết điểm.
Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, việc một cán bộ cấp cao sử dụng bằng cấp không đúng quy định như trường hợp của Bí thư Thành ủy TP.Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh chỉ là một khía cạnh nhưng biểu hiện ra nhiều vấn đề. “Thứ nhất là sự thiếu trung thực, không trung thực với Đảng với bản thân. Người đã không trung thực thì không đủ tiêu chuẩn của cán bộ lãnh đạo. Anh khai bằng cấp như vậy để làm gì, như thế là có biểu hiện của tham vọng quyền lực và cơ hội chính trị”, PGS Phúc nói.
Theo PGS Phúc, với quyết tâm cao của Đảng về xử lý tiêu cực như hiện nay thì mọi khuất tất, vi phạm của cán bộ, đảng viên có thể chưa được phát hiện nhưng nhất định sẽ được phát hiện và xử lý. “Những cán bộ, đảng viên có khuất tất, tiêu cực sẽ không có nơi ẩn nấp. Vụ việc của ông Nguyễn Xuân Anh là bài học sâu sắc cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo đương chức, nhất là đội ngũ cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”, PGS Phúc bày tỏ.
Vẫn theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, tháng 8.2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã ký ban hành Quy định 90 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Đánh giá về việc này, cả PGS Phúc vào ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều cho rằng, đây là cơ sở rất quan trọng để soi chiếu cán bộ, từ đó giúp các cơ quan kiểm tra của Đảng có thêm cơ sở kiểm tra, đánh giá cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Theo nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, từ Quy định 90, khi cán bộ cấp cao có vi phạm, khuyết điểm, không chỉ cơ quan chức năng mà người dân cũng có cơ sở để nhìn nhận, đánh giá xem người đó còn xứng đáng ở vị trí đó không. “Thậm chí người dân có thể tham gia góp ý kiến với Trung ương về hình thức xử lý đối với cán bộ cấp cao khi họ vi phạm, bởi việc của Đảng cũng là việc của dân”, PGS Phúc nói.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư chỉ ra những vi phạm, khuyết điểm của Bí thư Thành ủy TP. Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh:
- Với cương vị là người đứng đầu Thành ủy TP.Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Xuân Anh chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020.
- Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền. Những việc làm của đồng chí đã gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ Thành ủy.
- Kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm.
- Thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.
Trong Quy định 90 của Bộ Chính trị, có quy định rất cụ thể về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… của cán bộ cấp cao.
Về đạo đức lối sống, người cán bộ cấp cao phải mẫu mực về phẩm chất đạo đức; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.
Cán bộ cấp cao tuyệt đối không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt…Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ trong công tác cán bộ...
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.