Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Sáng 8/12, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV đã tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường.
Chất vấn liên quan đến vấn đề giải ngân kế hoạch đầu tư công, đại biểu Đinh Trung Kiên, Tổ đại biểu Vân Đồn - Cô Tô đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư giải trình rõ nguyên nhân không đạt kế hoạch giải ngân, tiến độ thực hiện các dự án và có các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn các đại biểu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Cường cho biết, đến ngày 5/12, vốn giải ngân đạt 8.478,2 tỷ đồng, tăng thêm so với thời điểm 30/10 là 1.446 tỷ đồng, đạt 61,4% so với kế hoạch HĐND tỉnh giao đầu năm (13.822 tỷ đồng), đạt 58,2% so với kế hoạch vốn sau điều chỉnh (14.567 tỷ đồng); cao hơn so với bình quân cùng kỳ năm 2022 (55,8%). Dự kiến, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 theo văn bản cam kết của 25 chủ đầu tư (12 đơn vị của tỉnh và 13 địa phương) là gần 13.300 tỷ đồng, đạt 96,2% so với kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao đầu năm.
Ông Cường cho biết, một trong những nguyên nhân là do công tác chuẩn bị đầu tư các dự án còn chậm; công tác tổ chức triển khai thực hiện, phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc giữa các chủ đầu tư và sở, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ.
"Cùng với đó là tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tiến độ xử lý tài sản công triển khai thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị chuyên dùng còn chậm. Công tác giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm so với tiến độ đề ra", ông Cường nói.
Trong thời gian tới, Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Quảng Ninh cho rằng, Sở sẽ thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, dự báo hết những rủi ro, khó khăn, kiên quyết không để các vấn đề này ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn trong năm 2024.
Làm rõ thêm nguyên nhân không đạt kế hoạch giải ngân, tiến độ thực hiện các dự án, ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Xảy ra tình trạng này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư. Thứ hai, nhiều dự án bị lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện, trong điều chỉnh cũng như trong theo dõi dữ liệu dẫn đến không thực hiện được thu hồi đất do sự chồng chéo hoặc phải liên tục điều chỉnh.
Thứ ba là do yếu tố thụ động của đội ngũ cán bộ, từ chủ đầu tư cho đến các sở, ngành. Nhiều sở, ngành chưa chủ động hướng dẫn mà cán bộ thường chờ cho đến khi có vướng mắc mới vào cuộc và còn tình trạng văn bản "lòng vòng" giữa các sở, ngành. Thứ tư là do năng lực nhà thầu còn hạn chế, không đáp ứng được các quy định của dự án.
Mặt khác phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trách nhiệm của ngành KHĐT còn thụ động, thiếu tính kế hoạch, dự báo và các phương án khắc phục còn chậm, thiếu cụ thể. Điều này cho thấy ngành chưa giữ được vai trò tư lệnh trong tham mưu triển khai thực hiện.
Khắc phục tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo phải hoàn thành quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; tháo gỡ khó khăn trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; chấn chỉnh, siết chặt hơn hoạt động của các mỏ đất; đưa các dự án cát nghiền vào hoạt động để đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp. Đặc biệt là trong năm nay, nếu những vướng mắc trên không được tháo gỡ thì UBND tỉnh sẽ trình cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm đội ngũ cán bộ liên quan…
Có ý kiến về nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công phải đi liền với khối lượng, chất lượng, tiến độ hoàn thành các dự án. Trong năm qua đã có nhiều công trình, dự án đi vào hoạt động mang lại lợi ích cho nhân dân, nhất là những dự án liên quan đến trường học, y tế…
Song nhìn tổng thể, 3 năm nay phải nhận thức rõ những hạn chế mới nổi, đó là công tác chuẩn bị đầu tư còn yếu kém, chất lượng đơn vị tư vấn không đủ năng lực, chất lượng đơn vị giám sát, nhà thầu còn thấp, đặc biệt là trách nhiệm quản lý nhà nước của Sở KHĐT từ khâu lập kế hoạch cho lĩnh vực đầu tư công, dự báo chiến lược còn mức độ.
Cùng với đó, năng lực của một số đơn vị quản lý dự án còn hạn chế... Chất lượng lập dự toán từ chính quyền địa phương cấp xã, cấp huyện đến các cơ quan, đơn vị liên quan chưa thực sự hiệu quả.
Để khắc phục tình trạng này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu phải hoàn thành khối lượng, đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án theo đúng báo cáo HĐND tỉnh từ nay đến hết 2023.
Đối với kế hoạch năm 2024, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, trước hết là người đứng đầu ngành KHĐT, tài chính, các sở có liên quan và Chủ tịch UBND các địa phương gắn với kiểm soát quyền lực, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
"Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, nhất là hậu kiểm để xử lý nghiêm những vi phạm, kiên quyết không để nảy sinh tình trạng đầu năm ghi vốn, giữa năm điều vốn, cuối năm trả vốn, gắn trách nhiệm người đứng đầu", ông Ký nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng yêu cầu, Sở KHĐT phải tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém và chủ trì tham mưu đề xuất với UBND tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề để khắc phục hạn chế, yếu kém trong công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư theo tinh thần chủ động, tích cực, từ xa, từ sớm, từ cơ sở.
Đồng thời, kiên quyết có giải pháp khắc phục tình trạng lựa chọn đơn vị tư vấn, khảo sát thiết kế, lập dự án, lập kế hoạch đấu thầu không có năng lực; chất lượng thiết kế không đảm bảo, lập dự toán không đúng mức, đơn vị lập kế hoạch đấu thầu không đúng quy định, trình tự, chưa công khai minh bạch, lựa chọn đơn vị nhà thầu không có uy tín, năng lực.
"Có tình trạng chúng ta quen gọi là 'bán thầu' thì ở Quảng Ninh dứt khoát HĐND tỉnh phải công khai quyết sách của HĐND trong các Nghị quyết. Đó là phải nói không với nhà thầu không có đủ năng lực tham gia đấu thầu rồi bằng cách này cách kia trúng rồi bán.
Vừa qua, các đơn vị như Dự án các công trình dân dụng rất vất vả thu hồi số vốn đã ứng cho nhà thầu", ông Ký nói và nhấn mạnh: "Chúng ta phải kiên quyết nói không với những nhà thầu không đủ năng lực có tình trạng bán thầu, gây ách tắc, gây trì trệ, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công, cũng như sự lành mạnh của lĩnh vực đầu tư công trên địa bàn.
Phải đấu tranh, không dừng lại ở những biện pháp thông thường, áp dụng tất cả các biện pháp mà pháp luật cho phép để xử lý. Đây là một trong những nội dung mà trong phòng chống tham nhũng tiêu cực mà Ban Chỉ đạo rất quan tâm".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.