Bí thư Thành ủy đã dùng chính xác cụm từ “làm gương”. Hà Nội đang làm gương cho cả nước. Thành ủy làm gương cho các cấp ủy. Và Bí thư Thành ủy làm gương cho các đảng viên trong toàn Đảng bộ.
Tại Hà Nội, việc đánh giá sẽ được tiến hành theo phương thức bỏ phiếu kín nhằm làm cho việc đánh giá đảm bảo dân chủ, công khai và minh bạch hơn. Người tham gia đánh giá không ngại bị va chạm, mất lòng, không phải nể nang, xuôi chiều và không bị trù úm, định kiến. Và việc đánh giá sẽ khách quan hơn, thực chất hơn. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị thậm chí còn cảnh báo phải tránh tình trạng lợi dụng đánh giá để lồng động cơ cá nhân không đúng đắn, vận động người khác nhận xét tốt cho mình hoặc nhận xét không tốt cho cán bộ khác. “Nếu phát hiện trường hợp vi phạm như vậy, Thành ủy sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm” - ông nói.
Thế là Hà Nội đã nêu gương “thi lại” cho cả nước. Thế là Bí thư Thành ủy đích thân “đi thi”. Duy chỉ có điều, báo chí đang gặp khó khi phải trả lời câu hỏi cơ bản nhất của bạn đọc: Kết quả ra sao? Ai “đỗ”, ai “trượt”?
Bởi khác với việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo đứng đầu đất nước sẽ được tiến hành ở Quốc hội tháng 5 tới, việc lấy phiếu tín nhiệm theo “tinh thần Nghị quyết T.Ư 4” mà Hà Nội đang làm khác ở vấn đề công khai. Cụ thể: Kết quả của việc lấy phiếu tại Quốc hội sẽ công khai cho quốc dân đồng bào. Trong khi đó, kết quả việc lấy phiếu của Đảng bộ Hà Nội chỉ được “công khai tới các đối tượng lấy phiếu và báo cáo cấp trên theo quy định”. Có nghĩa chỉ các cán bộ chủ chốt trong Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo UBND thành phố, một số lãnh đạo sở ban ngành và cấp trên được biết.
Một cuộc đánh giá chính xác, phải là việc để người dân đánh giá công bộc của mình, chứ không phải là sự đánh giá giữa lãnh đạo với nhau. Một cuộc đánh giá hiệu quả, thì điều kiện cần, cũng là điều kiện đủ, là phải công khai kết quả đánh giá.
Có lẽ chỉ như vậy, việc đánh giá mới không phải là một cái cớ của việc chạy chọt, xin cho, mới là một “cái thước” để cán bộ tự điều chỉnh mình.
Đào Tuấn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.