Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam ấn tượng với mô hình canh tác lúa sử dụng phân bón hữu cơ PAN
Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam ấn tượng với mô hình canh tác lúa sử dụng phân bón hữu cơ PAN
Minh Ngọc
Thứ ba, ngày 01/11/2022 11:18 AM (GMT+7)
Trong chuyến thăm mô hình canh tác lúa bằng phân bón hữu cơ mới đây tại huyện Bình Lục, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy rất ấn tượng và chia sẻ: Thực tế kiểm tra tại đồng ruộng sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN trên cây lúa đã giúp giảm chi phí, tăng năng suất, giúp bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.
Anh Hoàng Văn Thường pha dung dịch từ chai thuốc trừ sâu dán nhãn chữ nước ngoài để phun phòng sâu bệnh cho cây lúa, tối về nhà dù có tắm đến 3 lần nhưng trên người vẫn còn mùi ngai ngái, đang ăn dở bát cơm phải chạy ra sau vườn nôn thốc nôn tháo vì mùi thuốc mới phun hồi chiều vẫn còn nồng nặc xộc lên…
Những ám ảnh gần chục năm về trước mà anh Thường, xã Tiêu Động, huyện Bình Lục (Hà Nam) không bao giờ quên khi dẫn tôi ra cánh đồng đang canh tác 20ha lúa đang phân bón lá hữu cơ Nano Silic (PAN) của gia đình.
Ám ảnhvỏ chai thuốc trừ sâu vứt vương vãi đầy đồng
Dẫn tôi ra cánh đồng trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh của mình, anh Thường vẫn nhớ như in hình ảnh những vỏ chai nhựa, nilon thuốc trừ sâu sau khi dùng xong bị người dân vứt vương vãi đầy cánh đồng. Từng góc ruộng, bờ mương vỏ chai thuốc trừ sâu in chữ nước ngoài nổi lềnh phềnh. Chẳng có bể chứa hay ai hướng dẫn cách thu gom, việc người dân vứt vỏ thuốc BVTV bừa bãi là chuyện hết sức bình thường vậy. Cũng vì ô nhiễm quá mà tôm, cá ở đồng dần biến mất, có những khoảng ruộng, cá chết trắng đồng.
Anh Thường cho biết: Trước khi dồn điền đổi thửa, gia đình anh canh tác lúa manh mún, mỗi thửa ruộng đều nằm cách xa nhau. Ruộng nhà khác bị sâu bệnh, rồi lây lan sang ruộng nhà mình. Để phòng ngừa, anh đến cửa hàng vật tư nông nghiệp mua thuốc về phun. Chẳng biết loại nào với loại nào, anh nói với người bán, lúa nhà tôi bông lép, lá khô, người ta đưa cho thuốc nào chỉ biết thuốc nấy, về hòa thuốc với một lượng nước nhất định vào bình để phun.
Đội mũ cối, mặc áo lao động màu xanh và đeo thêm cái khẩu trang, ngoài ra, không có đồ bảo hộ nào khác. Anh Thường vác trên vai bình phun thuốc trừ sâu gần 20 lít, tay trái cầm cần, tay phải ấn mạnh, đều để thuốc từ trong bình tóe ra thành từng tia nhỏ, nhìn như sương buổi sớm.
"Pha lọ thuốc dán nhãn chữ nước ngoài vào bình để phun phòng sâu bệnh cho cây lúa, tối về nhà dù có tắm đến 3 lần nhưng trên người vẫn còn mùi ngai ngái, có hôm đang ăn dở bát cơm phải chạy ra sau vườn nôn thốc nôn tháo vì mùi thuốc phun hồi chiều vẫn nồng nặc xộc lên…", anh Thường nhớ lại.
Thừa nhận với tôi, anh Thường bảo, sau khi phun thuốc, sâu bệnh có giảm thật đấy, nhưng ô nhiễm quá, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường đất, nước bị ô nhiễm, tôm, cua, cá cứ chết dần, sau đó, biến mất từ lúc nào không hay… Có người tiếp xúc với thuốc hóa học nhiều quá còn bị ung thư, bệnh phổi, đi viện khám suốt mà nhà thì làm nông, lấy đâu ra tiền, phải chạy vạy khắp nơi.
Năm 2017, sau khi xã Tiêu Động dồn điền đổi thửa thành công, những cánh đồng mẫu lớn được hình thành. Hộ như anh Thường ngoài việc tích tụ diện tích của gia đình, anh cũng thuê thêm đất của các hộ không còn mặn mà với đồng ruộng, tổng được 23 ha để cấy lúa.
Khi hình thành cánh đồng mẫu lớn, các hộ ở Tiêu Động đều thuê máy bay để phun thuốc trừ sâu. Hình ảnh người dân vác bình phun trên vai không đồ bảo hộ, hay vỏ thuốc BVTV vứt đầy đồng đã không còn nữa. Anh Thường cho biết, phun thuốc bằng máy bay chỉ khác là năng suất hơn, còn vẫn là phun thuốc hóa học, ảnh hưởng đến môi trường đất và nước là không tránh khỏi.
Đến năm 2021, nhận thấy mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh cho hiệu quả cao, anh Thường lúc này là Giám đốc HTX chăn nuôi Bình Thành đã thử nghiệm trên toàn bộ diện tích 20ha. Tuy nhiên, do diện nhiều năm lạm dụng thuốc BVTV phun cho lúa, môi trường nước đã bị ảnh hưởng, nên việc thả nuôi tôm càng xanh của anh Thường gặp không ít khó khăn. Tôm bị mắc bệnh, chậm lớn…
Bước sang vụ Hè Thu 2022, anh Thường đã được Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh Hà Nam và Công ty CP Nano Industry Đăng Quang lựa chọn làm mô hình thí điểm sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN trên diện tích 20ha lúa của gia đình.
Đi trên con đường phân định giữa một bên là 20ha sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN và một bên mô hình đối chứng, anh Thường nói, mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN cho thấy môi trường nước được cải thiện rõ rệt".
Sử dụng phân bón PAN…tôm, cua, cá sống khỏe
Chia sẻ với tôi, bà Trần Thị Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh Hà Nam cho biết, vụ Hè Thu năm 2022, Chi cục lựa chọn thử nghiệm sử dụng phân bón PAN của Công ty CP Nano Industry Đăng Quang trên diện tích 20 ha lúa của gia đình Thường và 30ha của 108 hộ tại xã Liêm Phong (huyện Thanh Liêm). Các giống lúa được thử nghiệm là Khang dân 18, Bắc Thơm 7 và BC15. Thời gian thực hiện từ tháng 6/2022 đến tháng 10/2022.
Phun phân bón PAN trên giống lúa BC15, anh Thường được cán bộ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh Hà Nam; Công ty CP Nano Industry Đăng Quang hướng dẫn, sử dụng trong toàn bộ quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa (giai đoạn mạ: phun 2 lần, giai đoạn lúa phun 4 lần) với hình thức phun qua lá tỷ lệ 20ml/sào, 1 lít/ha.
Cầm trên tay bông lúa nặng chĩu hạt, anh Thường phấn khởi khoe với tôi, từ khi sử dụng phun phân bón PAN, lúa sạch sâu bệnh, đẻ nhánh khỏe, cứng cây, bộ lá đòng ngắn mập; tỷ lệ nhánh hữu hiệu đạt cao hơn so với lúa cấy sử dụng phân bón khác gấp 3 lần.
Cây lúa trong mô hình có số hạt chắc/bông, số bông/m2 cao, năng suất cao hơn so với ruộng đối chứng. Với diện tích đã thu hoạch tại xã Liêm Phong, năng suất lúa Bắc thơm số 7 trong mô hình cao hơn ngoài mô hình 62 kg/sào, lúa Khang dân 18 cao hơn 170 kg/sào; hiệu quả kinh tế lúa Bắc thơm số 7 trong mô hình cao hơn gần 15 triệu đồng/ha, lúa Khang dân 18 cao hơn khoảng 30 triệu đồng/ha.
Đặc biệt, điều khiến anh Thường và nhiều hộ dân ở xã Tiêu Động rất phấn khởi, trên diện tích 20 ha sử dụng phân bón PAN đã bắt đầu thấy những con tôm, cua, cá đồng sinh sống trở lại. Đưa tay xuống dòng nước anh Thường nói: "Sử dụng phân bón PAN đất màu mỡ hơn, môi trường nước sạch hơn…".
Tại buổi đánh giá kết quả mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN trên cây lúa của gia đình anh Thường, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy, đánh giá cao nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, doanh nghiệp và người dân tham gia mô hình.
Bà Thủy cho biết, tỉnh Hà Nam đang tập trung thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Thời gian tới, việc tiếp tục ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm như mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN trên cây lúa ở xã Tiêu Động và Liêm Phong là rất cần thiết.
Qua thử nghiệm vụ đầu tiên, UBND tỉnh Hà Nam sẽ giao cơ quan chức năng, các địa phương phối hợp với doanh nghiệp sản xuất phân bón lá hữu cơ PAN để tiếp tục thử nghiệm ở vụ lúa tiếp theo. Đồng thời, thử nghiệm bón phân mới tiên tiến này trên một số loại cây trồng khác để có sự đánh giá tổng thể trước khi nhân ra diện rộng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.