Bị tố cáo lừa đảo, Chủ nhiệm hợp tác xã Hà Quang nói gì?

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 02/03/2017 13:30 PM (GMT+7)
Mặc cho những phiền toái kéo dài hơn chục năm của xã viên, ông Nguyễn Nhung – Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Hà Quang - người ký hợp đồng rất giống hành vi lừa đảo - vẫn xem như không có chuyện gì. Thậm chí, ông Nhung khăng khăng không hề có chuyện HTX bị giải thể...
Bình luận 0

img

Ông Nguyễn Nhung – Chủ nhiệm Hợp tác xã Hà Quang. Ảnh: N.V

Trong một lần hiếm hoi liên lạc được ông Nhung, NTNN đã trao đổi thẳng thắn với ông về những vấn đề bức xúc của các xã viên.

Huyện Củ Chi cho biết HTX Hà Quang do ông làm Chủ nhiệm đã ngừng hoạt động. Ông có thể cho biết tình hình hiện tại của HTX và dự án làng sinh vật cảnh?

img

Cảnh hoang phế trong khuôn viên HTX Hà Quang.  Ảnh: N.V

Mặc dù ông Nguyễn Nhung nói các thủ tục đã gần hoàn tất, nhưng khi trao đổi với PV NTNN lại không đưa ra được văn bản nào để chứng minh. Trước đó, Phòng Kinh tế huyện Củ Chi cũng khẳng định, HTX này vẫn chưa làm thủ tục chuyển đổi theo Luật HTX 2012. Trong một diễn biến khác, sau ngày ngừng hoạt động, Sở TNMT TP.HCM phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn của dự án. Ông Nguyễn Nhung, đại diện HTX Hà Quang đến tham dự nhưng lại không chứng minh được trên văn bản mới nhất tư cách chủ nhiệm của mình với HTX nên đã bị Sở TNMT mời ra khỏi cuộc họp.

- Tất cả các khó khăn, vướng mắc liên quan đến HTX đã được giải quyết xong (?!). Các khoản nợ ở ngân hàng cũng đã được tháo gỡ. Không hề có chuyện giải thể nếu không muốn nói là chính quyền phải hỗ trợ để doanh nghiệp hoạt động. Ở đây, có sự hiểu nhầm vì quy định nếu không đăng ký lại giấy phép kinh doanh thì xem như là giải thể. Tôi sẽ sớm hoàn tất thủ tục đăng ký. 

Tôi cũng đã làm việc với chính quyền thành phố để dự án sớm hoạt động trở lại. Dự kiến, khu 36,4ha sẽ chuyển lên cổ phần để dễ kêu gọi vốn đầu tư. Tôi cũng đang muốn đề nghị xã viên tham gia mô hình trồng cây hàng năm để cùng nhau phát triển. Mô hình hoa lan trước đây không còn hiệu quả vì nguồn nước không hợp.

Vậy tại sao đến nay, vẫn còn rất nhiều xã viên góp vốn nhưng chưa nhận được đất, họ cho rằng đang bị HTX và cá nhân ông lừa?

- Xã viên thì nôn nóng lấy đất, nhưng chủ trương thành phố quy định mỗi lô phải 3.000m2. Khu 36,4ha gần như đã giao đủ, còn muốn lấy lô 1.000m2 phải qua khu khác. HTX đã quy hoạch sẵn quỹ đất ở kế bên để giải quyết dứt điểm cho khoảng 200 hộ xã viên nữa. Tất cả đều có giấy tờ đầy đủ và làm đường đúng quy hoạch.

HTX sẽ sớm xây dựng hạ tầng khu làng nghề để hoạt động trở lại. Xã viên nào còn vướng mắc cứ gặp tôi để giải quyết. Họ có thể mua chung với nhau. Sau khi làm hạ tầng, thì xin tách ra để một người đứng tên đại diện hoặc đồng sở hữu. Tập thể có thể làm đơn xin lập dự án riêng, trình UBND huyện xem xét vì đó là nhu cầu thực sự. Địa phương cũng có trách nhiệm tháo gỡ khó khăn cho xã viên.

Thế còn việc chiếm đụng vốn theo các đơn thư khiếu kiện của xã viên, ông giải thích sao về việc này?

- Trên nguyên tắc, khi xã viên góp vốn thì tôi đền bù đất cho họ ngay từ đầu (?!). Nhiều xã viên chưa muốn nhận đất để chờ dự án hoặc họ nhận rồi nhưng không muốn góp thêm nên dự án dang dở kéo dài.

Trong hợp đồng thỏa thuận nêu rõ: HTX nhận tiền để thương lượng với các hộ nông dân, đền bù đất giao cho xã viên. Xã viên có đất mới có vốn góp vào HTX để hình thành khu làng nghề, tức là đất của họ có trước dự án chứ tôi không kinh doanh đất đai kiếm lời. Còn việc tôi có đứng tên trên đất chẳng qua là giữ hộ để các xã viên kết hợp với nhau, không hề có việc chiếm dụng.

Khu làng nghề đã có quy chế hoạt động nhưng lúc đó nhiều người hiểu không đúng sự việc. Khi đang đầu tư thì thiếu vốn phải vay ngân hàng thành ra thêm phần áp lực lãi suất. Cùng thời điểm bất động sản đi xuống, HTX bị động nhiều thứ nên khu nhà mẫu mới tiêu điều như vậy.

Như ông nói, HTX đã làm đúng, vậy tại sao UBND huyện phải thông báo ngừng hoạt động, còn các cá nhân đã góp vốn, nhiều lần phải gửi đơn đi khiếu kiện?

- Khi triển khai dự án, tôi làm theo đúng chủ trương chứ không hề sai. UBND huyện quy định phân lô 3.000m2 mới tách thửa vì lý do không muốn dân cư tập trung đông ở thượng nguồn sông Sài Gòn. Tôi vận động các thành phần kinh tế hợp tác với mình chứ đâu phải để kinh doanh bất động sản. Giá đền bù lúc đó cũng không cao nên làm hạ tầng xong cũng đủ vốn luôn rồi.

Doanh nghiệp có khó khăn nhưng cũng đã tích cực tháo gỡ. HTX sẽ sắp xếp để ổn định cho từng hộ xã viên. Hoặc có thể gặp gỡ số đông, có UBND huyện tham dự để có tiếng nói khách quan. Các thủ tục pháp lý đã gần hoàn tất. Chính quyền hoàn toàn ủng hộ việc này. Khu dự án sẽ sớm khang trang, sạch đẹp trở lại. 

Xin cảm ơn ông!. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem