Liên tục bị lừa
Nói về cách huy động góp vốn của HTX Hà Quang, ông Phan Văn Vinh (ngụ quận Bình Tân) cho rằng, cách làm việc của ông Nguyễn Nhung - người đứng tên Chủ nhiệm HTX Hà Quang ký hợp đồng rất giống hành vi lừa đảo. Năm 2007, ông mua 2.000m2 đất, đã đóng 285 triệu đồng, nhưng chủ nhiệm HTX vẫn bảo phải đóng tiếp phần còn lại mới được nhận đất.
Phần đất ông Nhung giao lại không đúng vị trí như trong hợp đồng mà ở xa tít tắp trong khu dự án làng nghề sinh vật cảnh. Trước đó, ông Nhung có chỉ đại một mảnh đất gần đường ra vào HTX. Tưởng là ngon ăn, nào ngờ đất đó không hề có giấy tờ, không được xây dựng. Cả chục người trong nhóm bạn ông Vinh tham gia dự án cũng lâm cảnh tương tự.
Đến giờ, tương lai của dự án khu làng nghề sinh vật cảnh vẫn chưa rõ ràng. Ảnh nhỏ: Những đơn thư mà ông Phan Ngọc Anh gửi đến chính quyền và văn bản hồi đáp. N.V
“Chúng tôi yêu cầu ông Nhung phải có câu trả lời thỏa đáng, hoặc giao đất đúng hợp đồng hoặc bồi thường số tiền đã đóng, chưa kể phần trượt giá vì chúng tôi đã nộp cách đây hơn chục năm” - ông Vinh bức xúc.
Ông Vũ Minh Khôi (quận Tân Phú, xã viên góp vốn từ năm 2005) kể, thời điểm năm 2007 rộ lên cơn sốt đất nhưng nhiều người không bán kiếm lời mà “chung thủy” với dự án của ông Nhung. Họ sẵn sàng đáp ứng yêu cầu ghép lại cho đủ lô 3.000m2, miễn là giao đất thật. “Xã viên phản ứng rất dữ vì không hài lòng về cách làm việc của ông Nhung sau nhiều năm chỉ nhận được lời hứa “sẽ giao liền”. Chính quyền xã Trung An thì tư vấn “tranh thủ lấy lại tiền, nhiều người ở ngay xã này còn bị gạt” - ông Khôi nói.
Tình trạng căng thẳng còn rộ lên một đợt nữa vào năm 2011. Trước tết năm đó, ông Khôi kể HTX có gửi giấy mời dự Hội Hoa xuân làng nghề nhưng chỉ lèo tèo vài người tới dự. Thứ nữa, đồng tiền ngày càng mất giá. Một số gia đình lâm vào cảnh cùng quẫn khi lo chắt bóp trả lãi ngân hàng vì đã dồn tiền góp vốn. Có gia đình phải chạy trốn chủ nợ hoặc thuê nhà ở trọ. Có người muốn tìm nơi an dưỡng cuối đời cho cha mẹ, nhưng đến nay vẫn chưa thấy đất đâu.
Gian nan hành trình gửi đơn khiếu kiện
Thanh tra lại toàn bộ dự án
Ông Huỳnh Văn Thanh cho biết: “Sở TNMT đã trình kiến nghị thanh tra nhiều lần để có phương án điều chỉnh dự án khu làng nghề sinh vật cảnh nhưng đến cuối năm 2016, UBND TP.HCM mới chính thức đồng ý. Theo đó, Thanh tra thành phố dự kiến đầu năm 2017 sẽ lập đoàn để thanh tra lại toàn bộ dự án. Tất cả các sở ngành sẽ cử thành viên tham gia. Sau khi có kết luận sẽ trả lời cho ông Phan Ngọc Anh cùng các xã viên khác”.
|
Dự án khu làng nghề sinh vật cảnh được hình thành theo chủ trương của UBND TP.HCM. Song khi ông Nguyễn Nhung vẫn bặt tăm vô âm tín thì xã viên không nhận được gì khác ngoài gợi ý: “Tự đưa nhau ra tòa”.
Như Báo NTNN đã thông tin kỳ trước, xã viên Phan Ngọc Anh là trường hợp điển hình mà 5 năm gửi đơn thư khắp nơi đòi quyền lợi nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Tháng 11.2014, đơn của ông Anh được Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đề nghị liên hệ Văn phòng tiếp công dân thành phố theo dõi kết quả. Cuối năm đó, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo giao Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) TP.HCM xem xét giải quyết.
Chờ không có kết quả, tháng 11.2015, ông Anh gửi đơn đề nghị xem xét giải quyết đến Thành ủy TP.HCM. Cuối năm, đơn của ông được chuyển đến Chủ tịch UBND thành phố.
Đầu năm 2016, ông lại gửi đơn khẩn thiết đề nghị xem xét giải quyết đến Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng. Đơn yêu cầu phúc đáp được gửi tiếp lần 2 vào tháng 3.2016. Tháng 5.2016, ông Anh tiếp tục làm đơn xin cứu xét gửi Chủ nhiệm Văn phòng tiếp công dân TP.HCM thì nhận được phúc đáp đã giao Sở TNMT chủ trì làm việc với các bên liên quan.
Nhiều lần liên hệ với UBND huyện Củ Chi về trách nhiệm đối với xã viên, ông Phan Ngọc Anh cho biết vẫn chưa nhận được một thông tin thiện chí nào ngoài công văn đề nghị ra tòa giải quyết hoặc báo cáo về tiến độ. “Văn bản mới nhất chúng tôi nhận được là công văn ngày 22.11.2016 của UBND huyện trả lời ý kiến của đại biểu Phạm Hiếu Nghĩa- Phó Ban Pháp chế HĐND tại kỳ họp thứ 2 khóa IX của HĐND thành phố” - ông Anh nói.
Báo cáo về hoạt động góp vốn, công văn nêu: HTX đã vận động mỗi xã viên góp 150 triệu đồng để được cấp l.000m2 đất. Nhưng đất chưa cấp được cho các xã viên, vì HTX chưa lập thủ tục chuyển mục đích đất, quyền sử dụng đất (theo chỉ đạo tăng lên 3.000m2/lô). Mặt khác, có một số xã viên vẫn muốn giữ nguyên diện tích 1.000m2... Với các đơn khiếu kiện, công văn báo cáo đã hướng dẫn, đơn sự nộp đơn tại TAND huyện để giải quyết theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, trao đổi với PV NTNN, ông Phan Ngọc Anh cho biết, không hề nhận được thông báo nào từ tòa. “Với công văn nêu trên, UBND không đồng ý cung cấp bản chính, không ký tên, đóng mộc. Ngoài ra, lãnh đạo huyện Củ Chi cũng không cho biết gì thêm”- ông Anh nói.
Trả lời vấn đề trên, ông Huỳnh Văn Thanh - Trưởng Phòng Quản lý đất (Sở TNMT TP.HCM) giải thích: “Một đơn vị sở ngành không thể giải quyết được hết các vấn đề liên quan đến dự án này. Kể cả việc yêu cầu rà soát lại toàn bộ quá trình hoạt động, các phương án góp tiền, góp đất của xã viên cùng các vướng mắc liên quan, UBND huyện Củ Chi không thực hiện nổi. Sở TNMT không có thẩm quyền xử lý sai phạm với cá nhân mà chỉ xem xét giải quyết đối với các dự án vi phạm hoặc chậm tiến độ”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.