CTCK TP.HCM (HSC) cho biết đóng góp vào lợi nhuận quý II của BIDV còn bao gồm 850 tỷ đồng lãi từ thoái vốn khỏi VIDPublic Bank được ghi nhận trong quý II.
Nhờ khoản lãi này lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của BIDV ước đạt 3.600 tỷ đồng, bằng 45,57% kế hoạch cả năm là 7.900 tỷ đồng (giảm 0,55% so với năm trước).
Nếu không tính khoản lãi không thường xuyên này, thì lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của BIDV từ hoạt động kinh doanh chính là 2.750 tỷ đồng, giảm 8,3% so với cùng kỳ và bằng 35% kế hoạch cả năm 2016.
BIDV cũng đưa ra ước tính tăng trưởng tín dụng tại thời điểm cuối tháng 6 so với đầu năm là 8-9%, tương đương đạt 670.000 – 675.000 tỷ đồng. Ngân hàng ước tính tại thời điểm cuối tháng 6 so với đầu năm tổng huy động tăng 10%.
Về tỷ lệ nợ xấu BIDV cũng ước tính có khả năng dưới 2%.Tại thời điểm cuối quý I/2016 là 1,8%. Hiện BIDV đang chờ phản hồi của Chính phủ về kế hoạch tái cơ cấu nợ của Hoàng Anh Gia Lai.
Theo HSC, BIDV đã trình cấp thẩm quyền xem xét phê duyệt kế hoạch tăng vốn vào ngày 8.6. Với hệ số CAR (tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu) là 9,01% của riêng ngân hàng và 9,87% hợp nhất tại thời điểm cuối 2015, thì kế hoạch tăng vốn là một phần quan trọng trong kế hoạch kinh doanh 2016.
Trên thực tế BIDV đã gặp khó khăn trong việc tăng vốn kể từ 2014 với khả năng phát hành cho đối tác chiến lược là trọng tâm. Hiện tỷ lệ vốn cấp 2 trên vốn cấp 1 đã là 50% (mức trần theo quy định là 50%) nên ngân hàng sẽ cần phải nhanh chóng tăng vốn cấp 1.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016, đã có nhiều phương án được đề xuất nhằm nâng cao vốn cho ngân hàng, như trả cổ tức bằng cổ phiếu cho 2015; trả cổ phiếu thường với nguồn từ thoái vốn khỏi VID Public Bank và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Những đề xuất này cần chờ phê duyệt của các cấp có thẩm quyền và BIDV hy vọng sẽ sớm nhận được phản hồi chính thức.
BIDV cần nhanh chóng tăng vốn nếu muốn đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận. Do vậy thảo luận giữa Bộ Tài chính và NHNN về vấn đề trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tăng vốn.
“Kế hoạch tăng vốn sẽ gặp khó khăn cho đến khi vấn đề trả cổ tức bằng cổ phiếu được giải quyết xong trong bối cảnh BIDV sẽ phải chờ sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền đối với kế hoạch tăng vốn. Nếu BIDV buộc phải trả cổ tức bằng tiền mặt thay vì bằng cổ phiếu thì ngân hàng sẽ phải tăng vốn thêm một số tiền bằng số đã chi để trả cổ tức. Trong khi đó Bộ Tài chính có lẽ sẽ vẫn giữ quan điểm là muốn nhận cổ tức tiền mặt từ các ngân hàng quốc doanh. Do vậy đây sẽ là một sự bế tắc. Có lẽ sẽ cần quyết định từ một cấp cao hơn cho vấn đề này”, HSC bình luận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.