Biến đất “chết” thành mảnh đất trù phú
Những năm 1989 -1990 khi Nhà nước có chính sách di dân đi xây dựng kinh tế mới ở vùng căn cứ cách mạng Thiết Đính Bắc. Theo tiếng gọi của chính quyền địa phương, 19 hộ dân nghèo xung phong đến vùng đất mới, dẫu biết phía trước còn khó khăn, thiếu thốn thốn trăm bề.
Thế nhưng, sau 25 năm, bằng mồ hôi, nước mắt, lao động không ngừng nghỉ, bà con nơi đây đã biến mảnh đất “chết” thành làng quê trù phú. Đời sống người dân khấm khá, nhiều hộ có thú nhập cả vài trăm triệu mỗi năm, xây nhà lầu, mua sắm đầy đủ tiện nghi…
Đường vào Khu kinh tế mới Thiết Đính Bắc đường bên tông sạch đẹp và những cánh rừng keo lai xanh ngút ngàn
Là một trong số 19 hộ dân “tiên phong” đến vùng đất mới lập nghiệp, ông Phạm Ngọc Thảo (58 tuổi) cho biết, những năm đầu mới vào cực khổ lắm, thiếu đủ bề. Nhất là vào mùa mưa bão đến cả vùng gần như bị cô lập hoàn toàn, có khi phải chờ đợi cả tuần nước mới rút hết. Muốn ra ngoài thị trấn Bồng Sơn mua lương thực, thuốc men thì phải trèo núi, vượt đồi rất gian nan.
“Nếu chán nản thì chẳng thể làm gì được cả. Nắng mưa gì cũng phải gồng mình, làm quần quật đào bới, cuốc xén mới có đất mà canh tác. Trong khi ở vùng đất mới, bà con còn gánh thêm nhiều nỗi khổ khác nữa, ăn uống thiếu thốn nên đau ốm triền miên, bây giờ nghĩ lại lắm lúc còn rùng mình”, ông Thảo bồi hồi nhớ lại.
Là vùng đất khó nên chính quyền địa phương cũng đặc biệt quan tâm đến đời sống, sinh hoạt bà con như: ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất ruộng, đất rừng, xây dựng trạm hạ thế, mở đường giao thông…nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho bà con tập trung phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Ngoài 14ha keo và nhiều vật nuôi, gia đình ông Phạm Ngọc Thảo còn trồng trên 300 gốc hồ tiêu cho thu nhập cao
Ông Tạ Văn, Bí thư chi bộ khối Thiết Đính Bắc, cho biết, từ năm 2005 đến nay, phong trào chăn nuôi và trồng rừng của bà con nơi đây phát triển khá mạnh. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư vốn lớn làm trang trại, trồng cây keo lai, đào ghép vào trồng xen cây chuối, đu đủ… nhất là chăn nuôi chăn bò, gia cầm, cá nước ngọt phát triển mạnh. Từ cách làm này, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nên có không ít hộ có nguồn thu nhập ổn định hàng năm từ 50 đến 100 triệu đồng/năm, nhiều hộ đến vài trăm triệu.
Sau 25 năm, bộ mặt khu Kinh tế mới Thiết Đính Bắc đã đổi thay rất nhiều. Từ vùng đất hoang hóa thành vùng quê trù phú, với những cánh rừng trồng xanh ngát, những ngôi nhà xây kiên cố xen lẫn nhiều ngôi nhà lầu khang trang. Đời sống người dân đã ổn định, việc học hành của con em được quan tâm đặc biệt.
Những triệu phú nông dân
Hết cái thời phải cơm đùm, cơm nắm lên rẫy khai khẩn đất hoang lấy đất sản xuất. Giờ đây, hộ ông Trần Gương, từ hai bàn tay trắng nhưng hiện nay gia đình ông đang sở hữu khoảng 14ha rừng trồng, hơn chục con bò, gần chục heo nái. Mỗi mỗi năm ông xuất bán 5 con bò thịt và khoảng 150 con heo giống, lợi nhuận bình quân gần 100 triệu đồng. Theo ông nhẩm tính, sau khi trừ tất cả các khoản chi phí thì ông vẫn thu lãi bình quân trên 200 triệu đồng.
Trang trại nuôi heo của bà Bốn cho thu nhập từ 50 đến 100 triệu mỗi năm.
“Ban đầu thì cũng như các hộ khác cũng khó khăn, thiếu thốn, ăn không đủ, mặc không ấm nhưng gia đình vẫn quyết tâm bám trụ. Ban đầu tôi nhận 4 ha đất đồi sau lưng nhà trồng rừng, kết hợp trồng các loại cây ăn quả xen kẽ, chăn nuôi. Chính thu hoạch xen như vậy vừa giúp cho gia đình năm nào cũng có thu nhập và dễ quay vòng vốn tái đầu tư. Bây giờ thì gia đình qua cái thời khó khổ rồi, 3 đứa con học thành tài. Nhưng lúc nào mình cũng phải cố gắng, chịu khó làm ăn thì mới hy vọng khá lên được”, ông Gương chia sẻ.
Theo ông Đỗ Văn Toàn, cán bộ phụ trách nông - lâm nghiệp thị trấn Bồng Sơn cho biết, trên địa bàn hiện có 355 ha rừng trồng, chủ yếu là keo lai, trong đó, bà con kinh tế mới đã sở hữu hơn 50% tổng diện tích trên.
Ở khu kinh tế mới Thiết Đính Bắc, những “triệu phú” như ông Gương không phải hiếm. Cũng từ hai bàn tay trắng khi đi khu kinh tế mới, giờ đây anh Phan Minh Nhất có trong tay trên 10 ha keo lai, 1ha đào ghép trồng xen với chuối, mít; 2,5 ha ruộng, đàn trâu, bò tổng cộng đã 9 con, heo các loại lúc nào cũng có vài chục con trở lên… Trung bình mỗi năm cũng thu về trên 200 triệu đồng.
“Hồi mới vào khu kinh tế mới, nhìn cảnh rừng heo hút, lúc đó chưa có định hướng làm cái gì nên cũng thấy nản vô cùng. Dựng tạm căn lều nhỏ, bữa ăn là rau rừng, lâu lâu chặt bó củi, bắt được mớ cá đồng ra ngoài thị trấn bán mới mua được miếng thịt cải thiện. Cực khổ nhưng nghĩ không có việc gì khó chỉ sợ lòng không bền mà tôi không chùn bước. Giờ không còn lo chuyện “thiếu trước, hụt sau” nữa, nhưng thú thật tôi không nghĩ mình lại có được cuộc sống no đủ như ngày hôm nay”, anh Nhất khiêm tốn chia sẻ.
Ông Lê Minh Ninh, Chủ tịch UBND thị trấn Bồng Sơn, cho biết, toàn khu kinh tế hiện có 37 hộ với 148 nhân khẩu, tất cả 100% hộ có ti vi và xe máy, sử dụng điện lưới quốc gia. Chỉ còn 3 hộ nghèo chủ yếu là những người già neo đơn, bệnh tật.
“Trong suốt 25 năm, chính sự chịu khó, cần cù trong lao động của họ đã mang lại nguồn sinh khí mới, làm thay đổi diện mạo cho cả vùng đất mà trước đó vẫn còn chìm trong cây rừng, cỏ dại, để từng bước vươn lên làm giàu chính đáng”, ông Minh phấn khởi.
Doãn Công (Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.