Biến đổi khí hậu “gõ cửa” làng quê: Sông đổi dòng gặm đất, nuốt nhà

Trần Quang Thứ bảy, ngày 12/12/2015 13:30 PM (GMT+7)
Những vùng đất bãi trù phú, từng một thời cho mùa ngô, lúa bội thu, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân bên lở, bên bồi. Vậy mà, giờ đây những con đê, triền sông đó bị sạt lở từng ngày, và những dòng sông ngày càng cạn kiệt phù sa bởi nước lũ không về.
Bình luận 0

Phóng viên Dân Việt đã ghi nhận dọc các bờ sông Đà, sông Thao, suốt dọc từ Phú Thọ về Hà Nội để thấy hết thực tế đáng lo ngại này.

Nơm nớp sống ven sông

Từng là một trong nhưng hộ được coi là có nhiều đất bãi bên sông Thao, đến nay gia đình bà Vương Nô (gần 90 tuổi, ở xã Hợp Hải, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) không còn lấy một tấc. Theo bà Nô, nguyên nhân khiến gia đình bà  trắng tay là do dòng sông Thao lấy đi. Từ ngày mất đất đến giờ, ngày nào bà Nô cũng ra bờ sông nhìn về phía dòng nước một cách vô vọng. “Sông một thời yên bình cho cá, tôm nuôi sống bao nông dân là thế, nay bỗng dưng hung dữ lạ thường, cuốn đi hết hàng trăm ha đất đai mầu mỡ, đẩy chúng tôi đến đường cùng” – bà Nô ngập ngùi.

img

Tình hình sạt lở bờ sông Đà diễn ra tại các xã của huyện Ba Vì,  (Hà Nội) ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Trần Quang

Khi còn nhiều đất, cấy lúa, trồng ngô, khoai, năm nào cũng được mùa bội thu, nên dù gia đình bà Nô đông con nhưng luôn có tiếng là giàu có nhất, nhì vùng. Từ khi mất đất, cuộc sống gia đình bà rơi vào cảnh cùng cực, phải chạy ăn từng bữa, các con của bà phải tha phương khắp nơi kiếm sống.

Bà Nô cho biết, ngoài việc sông cuốn hết đất đai, nhiều hộ cùng khu với bà còn phải bỏ của chạy lấy người như hộ  ông Lê Sỹ Dục mất nhà, ông Nguyễn Quang Đê mất cả nhà và công trình phụ, hoa màu… Đã ngoài 80 tuổi, ông Đê dõi mắt xa xăm, giọng ngậm ngùi: “Lũ sông lên nhanh và quá bất thường, dữ tợn, khiến gia đình tôi không kịp trở tay, đành phải bỏ nhà để chạy thoát thân”.

Cùng trong tình cảnh với các hộ dân ở xã Hợp Hải, trong ngày 8.12 vừa qua, khi đi khảo sát dọc đê tả Thao thuộc địa phận các xã của huyện Lâm Thao, Việt Trì, chúng tôi quan sát thấy nhiều đoạn sông đã ngoạm vào sát chân đê, nhiều ngôi nhà, ruộng vườn trong tình trạng nứt đổ, xập xệ, hoang vắng.

Ông Nguyễn Nhật Thông ở xã Cao Xá, huyện Lâm Thao cho biết, từ những năm 1990, toàn xã có trên 120ha đất bãi canh tác, đến giờ chỉ còn lại mấy ha cũng đang bị sông cuốn dần. “Đầu năm 2014, huyện có chủ trương di dời người dân sống bên bờ sông khỏi sạt lở nguy hiểm. Cả cuộc đời chắt chiu xây được nhà, canh tác được mảnh vườn cho trái ngọt, bỗng dưng trắng tay nên ai cũng đau xót” – ông Thông nhớ lại.

Mưa lũ sẽ còn phức tạp

    Tại miền Bắc, trung bình mỗi năm các hồ thủy điện chỉ xả 2-3 đợt nước phục vụ đổ ải để canh tác vụ đông xuân. Nguồn nước chủ yếu được xả từ các hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà, còn lại trên lưu vực sông Hồng (đoạn hạ du) hầu hết rơi vào tình trạng thiếu nước.    

Cùng tình cảnh đó, hàng chục hộ dân ở các xã của huyện Ba Vì (Hà Nội) sinh sống bên dòng sông Đà cũng đang rơi vào tình cảnh mất ăn, mất ngủ vì đất đai, hoa màu, nhà cửa của họ  bị cuốn đi mỗi ngày.

Có nhà ở cách mép sạt lở chưa đến 10m, bà Chu Thị Huyền (xóm Giữa, thôn Trung Hà, xã Thái Hòa) vừa dẫn chúng tôi đi nắm tình hình, vừa gạt nước mắt: “Hơn 10 năm trước, đất vườn của tôi còn rộng ra 300-400m nữa, mà giờ mép sông đã ăn vào sát công trình phụ, chả mấy chốc nữa lại mất nhà tiếp”.

Theo bà Huyền, những năm trước đây, vào các tháng cuối năm này đang vào vụ, bà con rủ nhau ra đồng bãi làm náo nhiệt lắm, nhưng giờ thì ảm đạm quá, mỗi người một nơi, con cái sinh ra không có đất để làm nữa, phải lang thang khắp nơi chật vật làm thuê.

Trao đổi với NTNN, ông Phùng Đình Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Thái Hòa cho biết: “Hàng chục hộ dân của xã sống bên bờ sông Đà đều nhờ vào các bãi bồi, vườn tược ven sông để sản xuất, năng cao thu nhập. Nhưng nhiều năm trở lại đây, thời tiết thất thường, mưa bão ngày càng to hơn khiến nước sông lên nhanh, chảy siết cuốn đi phần lớn các ruộng đất, hoa màu của nông dân, làm cho cuộc sống của bà con nay càng khó khăn hơn”.

Theo ông Tuấn: “Xác định thời tiết sẽ còn diễn biến thất thường, trước mắt, nếu dự án xây kè chưa kịp triển khai, xã sẽ xin huyện cho quy hoạch vùng đồi trong để vận động các hộ trên vào tránh nạn trong các mùa mưa bão sắp tới. Cùng với đó, để tạo sinh kế lâu dài cho các hộ mất đất sản xuất, xã phối hợp các trung tâm dạy nghề và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, tổ chức dạy nghề, tạo công ăn việc làm, giúp người dân thêm thu nhập, yên tâm ổn định cuộc sống”.

Theo ông Nguyễn Hùng Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Phú Thọ, nguyên nhân sạt lở bờ sông Thao chủ yếu là do sự thay đổi dòng chảy, dòng chính của sông đang thúc mạnh vào nhánh tả sông. Hơn nữa, các hồ chứa thủy điện như Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà mấy tháng gần đây tiến hành nhiều đợt xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp làm cho mực nước sông dâng cao, chảy mạnh...

Ông Sơn cho biết thêm, mặc dù bãi bồi không phải là đất canh tác chính của bà con, nhưng nó đóng vai trò quan trọng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vùng quê sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp thuần túy này. Nhưng đến nay nhiều diện tích bị dòng nước cuốn trôi, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con. 

GS-TS Vũ Trọng Hồng - Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam: Mất phù sa do hút cát

Việc xây dựng nhiều công trình thủy điện, cùng với việc nạo vét, hút cát diễn ra tràn lan khiến cho lượng phù sa đang cạn kiệt dần, và có thể nói là trên các dòng sông, cửa sông hiện không còn phù sa. Thế giới đã có cảnh báo với Việt Nam, song ta chưa có nhiều chuyển biến trong công tác bảo vệ nguồn tài nguyên quý này. Việc này cùng với các hiện tượng xói mòn, sạt lở, xâm thực do biến đổi khí hậu gây ra đã làm cho các đồng bằng, các bãi phù sa được bồi đắp hàng nghìn ha đang mất dần. Đối với những khu đồng bằng thuộc các tỉnh Thái Bình, Nam Định... sẽ mất hết bãi bồi ven sông, phù sa cạn kiệt, người dân dần dần không còn chỗ để sinh sống, an cư lạc nghiệp.

Ông Phạm Hồng Giang - Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam: Tác hại của thủy điện

Các dòng sông cạn kiệt phù sa hiện nay phần lớn là do việc xây dựng nhiều các hồ chứa, đập thủy điện, và một phần nhỏ là do sự biến đổi khí hậu gây ra. Đây là nguyên nhân chính làm mất cân bằng lượng phù sa trong nước, ảnh hưởng đến dòng chảy và tình trạng thiếu nước sản xuất, sinh hoạt của người dân ở vùng hạ du các sông. Giải pháp để khắc phục hiện tượng này là cần tăng cường xây dựng các công trình thủy lợi,   hạn chế việc xây dựng thủy điện ở thượng nguồn. Đồng thời, tăng cường và bố trí nguồn vốn để xây dựng các công trình kè sông hạn chế xói lở đất gây thiệt hại về hoa màu, nhà cửa của người dân.

Đăng Quang (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem