Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Có thể sẽ bị mất 5% diện tích đất liền và gia tăng liên tục hạn hán

Huy Hoàng Thứ hai, ngày 22/11/2021 17:14 PM (GMT+7)
Việt Nam có nhiệt độ trung bình hàng năm tăng khoảng 0,89 độ C cho thời kỳ từ 1958 – 2018, trong đó, thập kỷ vừa qua chứng kiến mức tăng cao nhất.
Bình luận 0

Việt Nam sẽ có thể bị mất 5% diện tích đất liền bởi biến đổi khí hậu

Tại kết quả nghiên cứu chương trình GEMMES Việt Nam (Tác động kinh tế xã hội khác nhau của biến đổi khí hậu và chiến lược thích ứng có thể được triển khai tại Việt Nam) do các chuyên gia người Pháp thuộc AFD (French Development Agency) công bố: Việt Nam có nhiệt độ trung bình hàng năm tăng khoảng 0,89 độ C cho thời kỳ từ 1958 – 2018, trong đó, thập kỷ vừa qua chứng kiến mức tăng cao nhất.

Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Có thể sẽ bị mất 5% diện tích đất liền và gia tăng liên tục hạn hán - Ảnh 1.

Tuyến kênh ở xã Long Hòa, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, bị khô cạn (chụp tháng 3/2020). Ảnh: Huỳnh Xây

Cùng thời kỳ, lượng mưa năm tăng nhẹ với mức tăng trung bình khoảng 5,5%, mực nước biển cũng tăng lên, với mức tăng trung bình là 3,6mm/năm cho giai đoạn 1993 - 2018…

Với hơn 3.200km bờ biển, Việt Nam nằm trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do hệ quả của biến đổi khí hậu. Theo kịch bản đã được nghiên cứu, khi nước biển dâng thêm 1m, Việt Nam sẽ có thể bị mất 5% diện tích đất liền, đặc biệt là tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, tình trạng nhiệt độ tăng, làm gia tăng liên tục hạn hán, tần suất bão và các hiện tượng xói lở ven sông, ven biển ngày càng phức tạp như sụt lún, cũng là một vấn đề đáng báo động.

Đồng bằng sông Cửu Long, hiện đang phải đối mặt với mức độ sụt lún đất cao, có nơi lên tới 5 cm/năm, chủ yếu do khai thác nước ngầm. Nếu tốc độ khai thác nước ngầm duy trì ở mức hiện tại, sự sụt lún tích lũy cùng với nước biển dâng có thể khiến phần lớn đồng bằng chìm xuống dưới mực nước biển vào cuối thế kỷ này.

Đặc biệt, theo nghiên cứu của AFD, bỏ qua những yếu tố phi tuyến tính về KT - XH có thể nảy sinh khi khí hậu thay đổi, tác động tích lũy trực tiếp về kinh tế lên các lĩnh vực như: Y tế, nông nghiệp, năng lượng, năng suất lao động…

Chia sẻ về điều này ông Alexis Drogoul – Trưởng đại diện IRD - Cơ quan nghiên cứu Phát triển (Pháp) tại Việt Nam cho biết: "Biến đổi khí hậu tác động lớn tới đời sống con người, đặc biệt là ở Việt Nam. Biến đổi khí hậu tác động về kinh tế, với sự sụt giảm dự kiến trong tăng trưởng và chắc chắn là ảnh hưởng mức sống, nhất là với những người nghèo.

Về mặt xã hội, biến đổi khí hậu tác động tới nhu cầu tổ chức lại một số hoạt động như: nông nghiệp, đất nhiễm nhiễm mặn…

Tại các trung tâm đô thị lớn thì biến đổi khí hậu tác động về sức khoẻ, gia tăng các bệnh truyền nhiễm, khí hậu thuận lợi hơn cho vi rút và vi khuẩn..."

Biến đổi khí hậu, yêu cầu bắt buộc giảm phát thải khí nhà kính

Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Có thể sẽ bị mất 5% diện tích đất liền và gia tăng liên tục hạn hán - Ảnh 2.

TS. Etienne Espagne - chuyên gia kinh tế của AFD Paris, Trưởng Dự án Gemmes Việt Nam.

Còn với TS. Etienne Espagne - Chuyên gia kinh tế của AFD Paris, Trưởng dự án Gemmes Việt Nam thì cho hay: "Báo cáo trình bày những biện pháp về lộ trình khí hậu đối với Việt Nam, dự báo với tầm nhìn đến năm 2050 và 2100, và phù hợp với nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, năng lượng, y tế, năng suất lao động, năng lực đổi mới của các doanh nghiệp…Những đánh giá theo ngành này cũng cho phép cung cấp dữ liệu cho mô hình vĩ mô mà GEMMES phát triển tại AFD, và nhờ đó, đo lường được những tác động kinh tế vĩ mô cho quốc gia.

Trong báo cáo này, chúng tôi dự báo rằng, khi nhiệt độ tăng lên 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, quốc gia có thể sẽ thiệt hại 4,5% GDP. Khi nhiệt độ tăng 2°C, thiệt hại về GDP sẽ là 7%. Đây là những giá trị trung dựa trên trung bình các kịch bản khí hậu khác nhau, mà bản thân những kịch bản khí hậu này cũng là có tính biến đổi lớn. Ngoài ra, chúng tôi cũng thấy rằng các tác động về mặt kinh tế vĩ mô có xu hướng làm gia tăng (gần 30%) các tác động trực tiếp lên các lĩnh vực khác nhau".

Ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Biến đổi khí hậu (Bộ TNMT) chia sẻ với báo chí, trong những năm vừa qua cùng với việc thích ứng với biến đổi khí hậu, việc giảm phát thải khí nhà kính đã trở thành yêu cầu bắt buộc thực hiện đối với mọi tổ chức, cá nhân sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam và đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020…

Được biết, GEMMES Việt Nam do các chuyên gia của AFD (French Development Agency) triển khai nghiên cứu. Đây là chương trình nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng một lộ trình phát triển có khả năng chống chịu và phục hồi trước tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt về lâu dài (tầm nhìn tới 2050); Tăng cường năng lực trong lĩnh vực nghiên cứu và thành lập một mạng lưới các nhà nghiên cứu Pháp Việt (luận án, sau tiến sĩ, hội thảo và đào tạo); Tăng cường đối thoại chính sách công với Chính phủ Việt Nam ở cấp bộ ngành và địa phương (chiến lược thích ứng, kế hoạch Mekong); Tuyên truyền rộng rãi với người dân về tác động của biến đổi khí hậu...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem