Với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, các học giả tại hội thảo đã trao đổi, tăng cường hiểu biết về lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông; đề xuất các biện pháp tăng cường an ninh và hợp tác ở Biển Đông.
Phát biểu khai mạc, ông Đặng Đình Quý- Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam nhận định, kể từ năm 2009, khi lần đầu tiên tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông, 5 năm qua, tình hình Biển Đông và những vấn đề liên quan đến Biển Đông đã có nhiều thay đổi. Có những thay đổi tích cực và có những thay đổi không tích cực.
Về mặt tích cực, phải kể đến các điểm chính như sau:
Thứ nhất, nhận thức của cộng đồng khu vực và quốc tế về tầm quan trọng của Biển Đông đã cao hơn trước và cùng với nó là là sự gia tăng nhận thức về tầm quan trọng của việc giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông, một sứ mệnh không chỉ là lợi ích, là trách nhiệm của các bên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông mà là lợi ích, là trách nhiệm của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế.
Từ một khu vực chưa được nhiều người biết đến, Biển Đông trở thành khu vực được quan tâm của cộng đồng khu vực và quốc tế, của giới cố vấn và hoạch định chính sách bao gồm cả lãnh đạo cấp cao các nước; Biển Đông trở thành “thuốc thử” đối với chiến lược và chính sách đối ngoại của các nước; “thuốc thử” đối với hòa bình và an ninh của khu vực và thế giới.
Thứ hai, vì lợi ích của chính mình, cũng vì lợi ích của cả cộng đồng khu vực và quốc tế, các nước liên quan trực tiếp và gián tiếp tới Biển Đông đều có điều chỉnh chính sách, có lúc quyết đoán, có lúc táo bạo, nhưng nhìn chung là đều kiềm chế, không để xảy ra xung đột.
Thứ ba, có thêm các cơ chế hợp tác song phương và đa phương được hình thành, có thêm các cơ chế hợp tác song phương và đa phương bắt đầu phát huy tác dụng trong việc kiềm chế xung đột, xử lý các vấn đề nảy sinh. Và theo đó, thay vì đối đầu, tập quán và văn hóa hợp tác giữa các bên liên quan đã được củng cố thêm một bước. ASEAN và Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực triển khai DOC, cùng hướng tới xây dựng một COC với mức độ cam kết chính trị cao; với những cơ chế kiểm soát tranh chấp, ngăn ngừa xung đột có hiệu quả.
Mặt không tích cực lớn nhất là còn một số bên liên quan đến tranh chấp quan niệm và theo đuổi các lợi ích trước mắt của mình ở Biển Đông mà chưa tính đến đầy đủ lợi ích lâu dài và rộng lớn hơn của chính mình, chưa tính đến đầy đủ lợi ích của các nước trong khu vực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
Mặt không tích cực khác là vẫn tồn tại sự khác nhau về cách diễn giải và áp dụng luật quốc tế, nhất là Công ước quốc tế về luật biển 1982 đối với các vùng biển có chồng lấn yêu sách ở Biển Đông, đối với quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan.
Tiếp đó là sự chần chừ, thiếu quyết tâm trong việc xây dựng một cơ chế hợp tác hiệu quả hơn trong quản lý tranh chấp và ngăn ngừa xung đột trên Biển Đông; hiệu quả hơn trong việc giữ nguyên trạng trong khi hướng tới một giải pháp cơ bản lâu dài cho khu vực này…
Ông Đặng Đình Quý nhận định, Biển Đông trong 5 năm tới tiếp tục tiềm ẩn nhiều bất trắc. Theo ông Quý, Biển Đông tiếp tục là một trong những khu vực tranh chấp phức tạp nhất thế giới. Chủ nghĩa dân tộc quá khích đã xuất hiện và gia tăng trong một số nước; xu hướng tăng cường vũ trang, bán vũ trang đang mạnh dần lên; lòng tin giữa các bên liên quan tiếp tục suy giảm. Cùng với những mặt chưa tích cực của tình hình trong năm năm qua, những xu hướng này sẽ làm cho tình hình Biển Đông có thể diễn biến phức tạp hơn, không loại trừ khả năng bùng nổ xung đột vũ trang.
Giáo sư Clive Symmons đến từ Ireland cũng đồng ý với nhận định này của ông Đặng Đình Quý. Ông Symmons cho biết, nếu các bên không kìm chế và Trung Quốc không thực thi đúng với luật pháp quốc tế, xung đột trên Biển Đông rất dễ xảy ra.
Tiến sĩ Subhash Kapila, đại biểu đến từ Ấn Độ cho rằng, ổn định và an ninh khu vực Biển Đông gần đây bị đe dọa bởi chính sách bên miệng hố chiến tranh hiếu chiến và sự leo thang xung đột của Trung Quốc với các bên tranh chấp khác, cụ thể là Việt Nam và Philippines. Ấn Độ đã công khai khẳng định ở cấp độ chính trị cao nhất đó là Biển Đông bao hàm “các lợi ích chung toàn cầu” và “tự do hàng hải” không thể bị cản trở.
Hội thảo sẽ tiếp diễn đến hết ngày 12.11, với rất nhiều bài tham luận quan trọng của các học giả quốc tế.
Thúy Đăng (Thúy Đăng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.