Zing có cuộc trò chuyện với biên kịch Lại Phương Thảo xung quanh bộ phim 11 tháng 5 ngày, tác phẩm mang chủ đề thanh xuân đang được chú ý. Bên cạnh đó, cô cũng nêu quan điểm về phim truyền hình Việt hiện nay.
Chọn cách thể hiện mặt đáng ghét của nhân vật
Phim truyền hình Việt vốn không có nhiều tác phẩm về giới trẻ, tình yêu thanh xuân. Chị cùng ê-kíp đã ấp ủ và xây dựng kịch bản này như thế nào?
- Cách đây khoảng một năm, tôi và ê-kíp được giao nhiệm vụ làm một bộ phim về đề tài thanh xuân. Thực ra, đây không phải đề tài quá mới, từng có những tác phẩm thành công trước đó. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm thế nào để kể câu chuyện cũ theo cách mới mẻ và thú vị nhất có thể.
Để hình thành nên câu chuyện 11 tháng 5 ngày mà khán giả đang xem, chúng tôi thực hiện nhiều bản đề cương. Đạo diễn Khải Anh là người theo sát bộ kịch bản này, từ tập đầu tiên đến tập cuối. Nhiều anh chị khác cũng đưa ra góp ý, từ đó chúng tôi chỉnh sửa, bồi đắp và hoàn thiện.
Từ đâu, ê-kíp có ý tưởng về nhân vật nữ chính (Tuệ Nhi) mạnh mẽ, cá tính nhưng kiêu căng và khó ưa?
- Có lẽ khán giả đã quen với các nữ chính phim Việt mang hình ảnh đẹp. Tôi muốn thử một cách khác, xây dựng nhân vật Tuệ Nhi có tính xấu, nhược điểm. Và tính cách đó lại được làm bật lên (thậm chí hơi quá) ở ngay những tập đầu.
Tuệ Nhi mang dáng dấp của những người trẻ từng nông nổi, bốc đồng, luôn muốn mình là cái rốn của vũ trụ và rồi phạm sai lầm. Như tôi vẫn nói vui rằng Tuệ Nhi là nạn nhân của chính cô ấy. Chính tính cách làm cô thất bại trong mọi thứ, từ tình cảm gia đình, tình yêu cho đến công việc. Đó là cách tôi xây dựng nhân vật.
Tức là chị lường trước nhân vật sẽ bị phản ứng trái chiều?
- Chắc chắn rồi. Ban đầu, tôi cũng nhận được lời khuyên từ các anh chị tiền bối trong nghề rằng có nên chọn cách mạo hiểm như thế, hay là để khán giả yêu thương nữ chính ngay từ đầu. Bởi nếu thích nữ chính, họ mới kiên trì theo dõi phim.
Tôi cũng rất trăn trở, băn khoăn. Nhưng cuối cùng tôi vẫn chọn cách thể hiện sự đáng ghét của nhân vật trước.
Chúng tôi đã lường trước phản ứng, song thật sự vẫn bất ngờ. Làn sóng chỉ trích lúc đó quá mạnh. Nhiều khán giả tuyên bố bỏ phim. Thú thực vào thời điểm ấy, tôi rất thương Khả Ngân. Khán giả ghét nhân vật, chuyển sang công kích diễn viên. Tôi đã nhắn tin riêng cho Ngân, động viên bạn ấy bình tĩnh, giữ tinh thần để tiếp tục quay phim.
Các thành viên trong ê-kíp, ngay cả đạo diễn, đều ít nhiều bị ảnh hưởng tâm lý. Chúng tôi động viên lẫn nhau và chờ đợi. Quả thực sau khoảng một tuần, mọi thứ đã thay đổi. Khán giả dần có thiện cảm với nữ chính. Và cho đến bây giờ, tôi tin nhiều người yêu mến Tuệ Nhi.
Vào lúc bộ phim bị “ném đá” dữ dội nhất, điều gì khiến chị tin khán giả sẽ thay đổi suy nghĩ?
- Thú thực, tôi đã trải qua cảm giác hoang mang. Nhưng ở góc độ nghề nghiệp, tôi hiểu mình đang làm gì và vẫn có sự kiên định. Bởi tôi tin khán giả sẽ muốn theo dõi tiếp để xem cô tiểu thư Tuệ Nhi thay đổi ra sao. Cô ấy tốt lên, trưởng thành hơn hay vẫn ngạo mạn, cố chấp.
Hơn nữa, khi chúng tôi mang đến một nữ chính đáng ghét, chúng tôi phải trả lại những tuyến nhân vật khác đáng yêu. Đó là Đăng, Long đần, cô Vân, cậu Tiến và những người ở xóm trọ bình dân. Chính họ đã kéo khán giả lại.
Ban đầu, ê-kíp chỉ hy vọng tác phẩm có thể thu hút đối tượng khán giả trẻ. Tuy nhiên, đến bây giờ, nhiều khán giả lớn tuổi cũng theo dõi phim. Đây là hiệu ứng mà chúng tôi không ngờ tới.
Tôi thấy may mắn khi phim lên sóng trước Hometown Cha-Cha-Cha
Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng “11 tháng 5 ngày” có chi tiết na ná "Bỗng dưng muốn khóc". Đó là câu chuyện nam chính Đăng được bố Nhi nhờ ở bên cạnh để giúp đỡ, bảo vệ cô. Chị có thể nói gì về sự so sánh trên?
- Tôi thấy khán giả nói đúng. Tôi cũng không bất ngờ khi đọc được bình luận so sánh. Trong phim ảnh, việc có những câu chuyện hay một vài chi tiết, tình huống giống nhau là điều bình thường.
Tôi từng chia sẻ với hai đạo diễn (Nguyễn Đức Hiếu và Lê Đỗ Ngọc Linh) rằng thật may mắn khi phim của chúng tôi lên sóng trước Hometown Cha-Cha-Cha, tác phẩm truyền hình Hàn Quốc đang gây sốt. Nếu lên sóng sau, có lẽ 95% khán giả sẽ nói chúng tôi đạo ý tưởng.
Hai phim đều có mô-típ là một cô gái có cuộc sống vật chất đầy đủ, rồi gặp biến cố, phải làm quen với môi trường mới. Cô ấy gặp những người tốt rồi được cảm hóa và thay đổi. Hai nữ chính lại cùng ôm trong mình nỗi đau, ẩn ức về người mẹ đã khuất.
Đây chỉ là một ví dụ cụ thể về sự tương đồng trong sáng tác mà chúng ta có thể thấy rõ ràng.
Quay lại với Bỗng dưng muốn khóc, bộ phim truyền hình Việt từng gây sốt một thời, đây cũng không phải phim đầu tiên đi theo mô-típ chàng giàu yêu nàng nghèo hoặc ngược lại.
Tôi tin khán giả xem phim công tâm sẽ thấy 11 tháng 5 ngày không mang bóng dáng của bất cứ tác phẩm nào cả. Mỗi bộ phim luôn có một thông điệp riêng. Và không hẳn phép so sánh nào cũng khiến cho người làm chuyên môn cảm thấy không vui. Trái lại, tôi thấy vui khi 11 tháng 5 ngày được so sánh với hai phim nói trên.
Nữ biên kịch cho rằng việc các tác phẩm có một vài chi tiết, tình huống giống nhau là điều khó tránh.
Với những hiệu ứng tích cực mà phim đang đón nhận, chị áp lực ra sao trong việc liệu kịch bản có duy trì được sức hút ở giai đoạn cuối. Bởi không ít phim Việt từng lâm vào tình trạng dài dòng,“đầu voi đuôi chuột”?
- Tôi không thấy áp lực. Có lẽ một phần vì ngay khi mở đầu, phim đã bị hứng “gạch đá”. Đầu phim không “voi” lắm nên tôi không quá băn khoăn.
Phim được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu. Vậy trong quá trình quay, ê-kíp có thay đổi nào so với kịch bản gốc?
- Một số nội dung được thay đổi vì phim sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19. Có những tình tiết nằm trong kịch bản nhưng lại khó đáp ứng ở hiện trường. Tuy nhiên, những thay đổi này không ảnh hưởng đến tinh thần chung.
Đa dạng đề tài là điều cần thiết
Với một tác phẩm mang màu sắc ngôn tình lãng mạn, việc tìm nam và nữ chính đóng cặp khá quan trọng. Điều gì khiến ê-kíp lựa chọn Thanh Sơn và Khả Ngân?
- Quá trình casting diễn ra khi kịch bản chưa hoàn thiện. Ban đầu, khi chọn Thanh Sơn, tôi hơi lo lắng vì chưa nhìn thấy những nét tính cách của nhân vật Hải Đăng ở Sơn. Nhưng đến bây Thanh Sơn và Khả Ngân chứng tỏ được sự kết hợp ăn ý trên màn ảnh. Như bạn cũng thấy, nhiều khán giả bắt đầu đẩy thuyền hai diễn viên ngoài đời.
Tôi cho rằng bên cạnh phản ứng hóa học tự nhiên của diễn viên, nhờ sự nắn chỉnh từ đạo diễn cùng ê-kíp, Sơn và Ngân đã thoát khỏi hình bóng những vai diễn họ từng đảm nhận.
Hình mẫu nam chính dường như được xây dựng giống các soái ca trong phim Hàn?
- Hải Đăng không hẳn là soái ca đâu. Ở chặng đầu, Đăng rất đàn ông, cá tính, trượng nghĩa, che chở, bảo vệ Nhi. Nhưng đến chặng sau, khi bắt đầu có tình cảm với Tuệ Nhi, anh ta lại do dự, không dứt khoát. Lúc này, Đăng thể hiện điểm yếu trong tính cách.
Hơn nữa, khi bí mật giữa Đăng và bố của Tuệ Nhi được mở ra, một bộ phận khán giả bắt đầu phản ứng trái chiều, chê nam chính. Đăng cũng là một con người bình thường với những mưu cầu vật chất.
Từ hiệu ứng của "11 tháng 5 ngày" hay trước đó là "Nhà trọ Balanha", chị có cho rằng phim Việt cần thêm những kịch bản về tuổi trẻ, tình yêu lãng mạn để cân bằng với đề tài gia đình, hôn nhân vốn đã dày đặc thời gian qua?
- Tôi nghĩ mảng phim truyền hình là một thế giới rộng lớn. Nhu cầu của khán giả luôn là chỉ xem những gì họ muốn xem. Do đó, với đội ngũ làm phim, đây cũng là một bài toán khó.
Bạn thử tưởng tượng xem nếu bật kênh nào cũng thấy phim màu sắc vui tươi, hài hước như Nhà trọ Balanha, liệu khán giả còn thích thú hay không. Sự đa dạng đề tài là điều cần thiết, giống như việc đổi món bữa ăn hàng ngày để không gây nhàm chán.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.