Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết: "Không có chồng tỷ phú thì cái tên RADA tôi cũng không biết"
Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết: "Không có chồng tỷ phú thì cái tên RADA tôi cũng không biết"
Thủy Vũ
Thứ tư, ngày 04/12/2024 07:00 AM (GMT+7)
Mới đây, trong một cuộc trò chuyện về cuộc đời của mình tại một chương tình talk show, Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết đã kể lại nguyên nhân khiến bà học lấy bằng Tiến sĩ ở trường RADA - Royal Academy of Dramatic Art - Viện Nghệ thuật kịch Hoàng gia (Anh).
Kể về cơ duyên thi lấy bằng Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết nói: "Cơ duyên của việc học Tiến sĩ này là từ ông chồng tỷ phú. Ông có 2 bằng Tiến sĩ: Kinh tế và Luật".
Đây là người chồng thứ 2 bà tình cơ quen biết sau khi đổ vỡ cuộc hôn nhân đầu. Cả hai đã chung sống nhiều năm nhưng chia tay ở tuổi xế chiều.
"Ông nói với tôi rằng: Là một người nghệ sĩ tài danh mà trình độ học vấn không ngang bằng sự nổi tiếng thì đó là bi kịch. Bạn đang là nghệ sĩ tài danh của nghệ thuật cải lương nên tôi muốn bạn hoàn thành chuyện học của bạn cho tốt. Sau này, bạn cũng lấy cái đó làm gương cho con cái của mình.
Nhờ ông mà tôi mới biết trường RADA. Nếu không có ông thì đến tên trường RADA tôi cũng không biết. Tôi đã phải mất 4 năm chuẩn bị mọi thứ để bước vào trường đó. Cho đến giờ, tôi vẫn nghĩ cuộc sống quá may mắn với mình. Tôi đã được Tổ nghề thương nên gặp được những người dẫn đường cho mình về tri thức cho bằng với nghệ thuật cải lương mình theo đuổi" - NSND Bạch Tuyết kể.
Nói thêm về tính cách "nổi loạn", ham hiểu biết cũng như hoàn cảnh cô độc ảnh hưởng đến con đường học vấn của mình, NSND Bạch Tuyết bộc bạch: "Ngay từ nhỏ tôi đã bướng, trong lớp tiểu học cô giáo nói là tôi nổi loạn, nếu không dạy thì sau không ai dạy nổi. Giờ văn thầy hay gọi tôi lên ngâm thơ cho cả lớp.
Tôi sống cô độc vì mẹ mất sớm, không biết nói chuyện với ai nên chỉ biết đọc sách. Tôi còn nhớ khi đó tôi đọc một cuốn sách có câu "Sống trong thời đại loạn chỉ có sự minh triết mới giữ được thân", tôi viết vào vở để nằm lòng. Mỗi khi đọc 1 cuốn sách, tôi lại rút ra được một câu nào đó tự dạy mình.
Tôi cũng ham hiểu biết, ai tặng chiếc xe là tháo ra xem có gì mà nó chạy được, mặc dù không lắp lại được. Từ sự ham hiểu biết đó nên muốn mình phải đi trên đời bằng đôi chân và cái đầu của mình. Không được trách ai, không được so sánh với người có cha mẹ, trong khi đó mình chỉ có một mình. Tôi bắt buộc phải đi một mình".
Tháng 1/2024, NSND Bạch Tuyết được tạp chí Forbes vinh danh trong Top 50 phụ nữ châu Á có tầm ảnh hưởng. NSND Bạch Tuyết được giới thiệu là nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam, gắn liền với bộ môn cải lương tuồng cổ. Bà có bằng Tiến sĩ và được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân - danh hiệu cao quý dành cho người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật Việt Nam.
Ngoài ra, tạp chí Forbes còn ghi nhận giải thưởng Âm nhạc của năm mà NSND Bạch Tuyết được trao tại TikTok Awards 2022 với ca khúc Về nghe mẹ ru. Đây là ca khúc kết hợp giữa rap, R&B và cải lương do NSND Bạch Tuyết và ca sĩ Hoàng Dũng trình bày, gây sốt mạng xã hội trong năm 2022.
"Sự hợp tác của bà với các thể loại nghệ thuật đương đại như hip-hop đã thu hút gần 20 triệu lượt xem. Bà đang thực hiện một chương trình truyền hình thực tế vào năm 2024 này", Forbes nhấn mạnh.
Thời gian qua, NSND Bạch Tuyết đã có nhiều cống hiến, đóng góp trong việc đưa cải lương đến gần hơn với thế hệ trẻ thông qua các bản cover nhạc trẻ theo phong cách vọng cổ và kết hợp với các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ.
Gần đây, nữ nghệ sĩ gây chú ý khi kết hợp cùng ca sĩ Hồ Phi Nal thực hiện MV Cô Ba ca cổ. Sự kết hợp lần đầu tiên giữa NSND Bạch Tuyết và giọng ca gốc Đồng Tháp nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả.
Ca khúc mang âm hưởng nhạc quê hương miền Tây, kết hợp với lý, câu vọng cổ ở giữa bài. Nội dung bài hát ngợi ca vẻ đẹp cảnh sắc, phẩm chất của con người miền Tây.
Ở tuổi 70 nhưng nghệ sĩ Bạch Tuyết luôn nắm bắt xu thế, kết hợp cùng các ca sĩ trẻ, cho ra MV đặc sắc, mang màu sắc rất riêng.
Sau thành công của ca khúc Về nghe mẹ ru kết hợp cùng ca sĩ Hoàng Dũng, nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền và 14 Casper, bà kết hợp cùng rapper Wowy thực hiện MV Tia sáng cuối cùng.
Điều này cho thấy độ "chịu chơi" của nghệ sĩ Bạch Tuyết khi đưa vọng cổ vào âm nhạc của bạn trẻ, với mong muốn giữ gìn và lan tỏa âm nhạc truyền thống của dân tộc.
NSND Bạch Tuyết quê ở Châu Đốc, An Giang, lên sân khấu lần đầu tiên vào năm 1962 với vai cô lái đò, vở Lá thắm chỉ hồng của soạn giả Điêu Huyền. Năm 1963, Bạch Tuyết được trao huy chương vàng giải triển vọng Thanh Tâm qua vai người vợ bé trong kịch bản Tàn một kiếp hoa của tác giả Trọng Nguyên.
Năm 1965, trong vai Lê Thị Trường An vở Tuyệt tình ca của soạn giả Hoa Phượng - Ngọc Điệp, Bạch Tuyết tiếp tục nhận huy chương vàng giải Thanh Tâm dành cho diễn viên xuất sắc. Bà được giới báo chí lúc bấy giờ phong tặng danh hiệu "Cải lương chi bảo".
Bộ đôi Bạch Tuyết - Hùng Cường để lại dấu ấn đẹp nhất trong lòng khán giả mộ điệu cải lương. Ngoài ra, bà còn biểu diễn ăn ý với các nam nghệ sĩ như: Thanh Sang, Minh Phụng, Minh Vương. Bạch Tuyết là nữ nghệ sĩ cải lương đầu tiên xuất hiện trên sân khấu thể nghiệm với vai trò độc diễn trong Diễn kịch một mình, Hoàng hậu của hai vua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.