Biến sân thượng thành "chợ" thực phẩm cho gia đình mùa dịch
Biến sân thượng thành "chợ" thực phẩm cho gia đình mùa dịch
Mộc
Thứ sáu, ngày 13/08/2021 13:20 PM (GMT+7)
Tận dụng thời gian rảnh rỗi mùa giãn cách, chị Thùy Linh ( Hà Nội) đã khéo léo biến sân thượng của mình thành "chợ" cung cấp thực phẩm tươi sống hàng ngày cho gia đình.
Chị Thùy Linh nuôi gà trên sân thượng để lấy trứng, làm thịt và dùng phân gà để ủ phân bón cho cây.
Sân thượng nuôi gà, chim "cứu tinh" trong mùa dịch
Sẵn nhà có sân thượng trên tầng 3 rộng 16m2, chị Ngô Thùy Linh ( Hà Nội) đã khéo léo đặt vào đó mấy chuồng gà, lồng chim cút để lấy trứng, thịt làm thực phẩm hàng ngày cho gia đình.
Chị Linh nói :" Nói chung vì xác định nuôi phục vụ nhu cầu của gia đình nên chị không tham nuôi nhiều. Mỗi lứa chỉ khoảng hơn chục con gà, cứ xoay vòng, gối nhau. Ngoài ra, mình cũng nuôi thêm 80 chim cút để thi thoảng có thịt chim cho các con đổi bữa".
Chị Linh mua trứng cút lộn về cho ấp nở ra thành chim non để nuôi.
Vì nuôi gà trên sân thượng, nên chị Linh cẩn thận xử lý phân gà bằng chế phẩm sinh học rồi rải lớp trấu dầy khoảng 5-10 cm dưới đáy chuồng và rắc hỗn hợp đã ủ lên trên. Giải pháp pháp này giúp chuồng gà luôn khô ráo, hạn chế mùi hôi và giảm nguy cơ mắc các bệnh thông thường ở gà.
Lớp trấu và chế phẩm sinh học được chị Linh thay định kỳ khoảng 2-3 tháng/lần. Chị còn tận dụng hỗn hợp để bón rau.
Đàn gà, chim cút nhà chị Thùy Linh phục vụ nhu cầu thực phẩm trong những ngày Hà Nội giãn cách.
Chị Thùy Linh tâm sự: "Từ ngày Hà Nội giãn cách vì dịch bệnh, nhờ có vườn rau trên sân thượng, đàn gà, chim, mình không phải đi mua thực phẩm bên ngoài, vừa đảm bảo an toàn, vừa được ăn đồ sạch.
Hằng ngày, muốn đổi món cho cả nhà, mình lại chạy lên tầng bắt con gà xuống thịt. Hôm luộc, hôm quay, không thì kho, rán tụi trẻ nhà mình đều thích.
Thi thoảng có chim cút, mình lại mang quay cho các con, rất thơm và nhiều chất bổ. Đặc biệt trứng gà, trứng chim cút lúc nào cũng có sẵn, rau thì ăn bữa nào hái bữa đó rất tươi ngon".
Chị còn cho gà ấp trứng, cho ra gà con nuôi xoay vòng.
Kinh nghiệm nuôi trồng trên sân thượng
Thậm chí chị Linh còn không cần mua chim cút giống mà tự mua trứng lộn về ấp nở.
Chị Linh chia sẻ: "Nếu nhiệt độ thời tiết là 35 độ trở lên thì chỉ cần ủ trứng vào khăn, sau đó để góc nhà. Phòng nào nóng nhất, góc nhà nào nóng nhất mọi người để rổ trứng ở đấy. Chỉ ít ngày là trứng nở.
Nếu thời tiết ngoài trời mát mẻ, dưới 35 độ thì phải thắp thêm đèn sưởi cho trứng. Trứng không đủ nhiệt, đến ngày nở trứng vẫn nở nhưng con chim cút con sẽ bị yếu chứ không khỏe".
Theo chị Linh, trứng cút lộn sau khi đem về thì chỉ khoảng 5 - 6 ngày sẽ nở. Các con khỏe thì sẽ mổ vỏ trứng theo đường tròn để chui ra khỏi vỏ. Những con yếu hơn chỉ có thể đục vỡ vỏ trứng ở một điểm. Và phải chia riêng con khỏe và con yếu để có chế độ chăm sóc riêng biệt.
Nhà chị Linh nuôi 80 con chim cút.
Ngoài ra, chim non cần phải có đèn sưởi ấm liên tục trong một tuần đầu tiên. Sau khi nở một ngày chim non mới có thể ăn và uống. Thức ăn có thể là cám gạo, cám gà con hoặc ngô xay.
Chim cút sau một tuần đầu sẽ có thể ăn uống ổn định và đến ngày thứ 20 có thể cho ăn thêm rau và cơm. Khoảng 45 - 50 ngày bắt đầu cho thu hoạch trứng.
Một lưu ý đặc biệt từ kinh nghiệm mà chị Linh tiết lộ là nên mua cóng đựng nước cho chim non uống. Bởi vì khi chim non uống nước dễ bị ướt lớp lông dẫn đến cảm lạnh sẽ yếu hơn.
Sử dụng 1 - 2 nhánh tỏi ngâm vào rượu trắng rồi nhỏ vào nước cho chim non uống 2 - 3 ngày để tăng đề kháng.
Đàn chim đẻ trứng liên tục mỗi ngày.
Nhờ mát tay, hay chăm, chim cút của chị Linh nuôi luôn mắn đẻ, khỏe mạnh.
Sân thượng đủ rau và trứng, thịt gà, chim gia đình chị Linh yên tâm ở nhà trong mùa dịch.
Chị còn trồng nhiều loại rau, trồng dưa trên sân thượng. Như vậy, mùa dịch, chị chẳng cần đi chợ hàng ngày mà có đủ thực phẩm sống, rau tươi, trứng ngon, hoa quả ngọt ăn hàng ngày.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.