“Biệt phủ” 5.000m2: “Không tự đập bỏ vi phạm, sẽ cho CA cưỡng chế”

Nhóm phóng viên Dân Việt Thứ bảy, ngày 05/05/2018 13:00 PM (GMT+7)
Sau ngày đầu tiên tiến hành đập bỏ hạng mục sai phạm thuộc khu "biệt phủ" không phép rộng 5.000m2 của đại úy Công an (CA) huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa) Phạm Văn Công, ông Lê Văn Thao - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc trả lời những câu hỏi của phóng viên Dân Việt về trách nhiệm của các đơn vị liên quan.
Bình luận 0

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc Lê Văn Thao nói: "Chúng tôi cảm ơn báo Dân Việt đã thông tin về sai phạm trong xây dựng dự án khu kinh doanh nông sản và vật tư nông nghiệp (thôn 7, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) của ông Phạm Văn Công - cán bộ CA huyện Vĩnh Lộc. Đây là cơ sở để huyện xử lý. Quan điểm của huyện là vận động ông Phạm Văn Công đập bỏ những phần vi phạm. Nếu không, chúng tôi buộc lòng cho CA cưỡng chế, tháo dỡ.

img

Khu cửa hàng vi phạm thuộc "biệt phủ" 5.000m2 được tháo dỡ. Ảnh: Dân Việt

Huyện "vô can"?

PV: Qua các bài báo Khu 'biệt phủ' không phép 5.000m2 của cán bộ công an huyện"Sở TNMT Thanh Hóa, CA huyện nói về "biệt phủ" không phép 5.000m2Đại úy công an, chủ “biệt phủ” 5.000m2 không phép lên tiếng...; Dân Việt ghi nhận sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng huyện Vĩnh Lộc. Tuy nhiên, trong câu chuyện này, ngoài việc tháo dỡ, đập bỏ sai phạm, độc giả của Dân Việt băn khoăn về trách nhiệm của các bên liên quan từ xã tới huyện, tỉnh khi để xảy ra "sự đã rồi". Khi nào các anh mới có kết luận từng hạng mục vi phạm phải tháo dỡ thuộc "biệt phủ" của ông Phạm Văn Công?

img

Ông Lê Văn Thao - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc (đứng) trả lời câu hỏi của nhóm phóng viên Dân Việt.

- Ông Lê Văn Thao: Chúng tôi phải kiểm tra, đo đạc thực địa đã. Chúng tôi phải đánh giá công năng nhà là nhà kho hay nhà ở, hồ bơi, tường bao, cây trồng...; từ đó mới biết rõ phần nào xây sai phải đập đi, phần nào ông Công được giữ lại. Ông Công nên tự giác đập bỏ những phần sai phạm này thay vì để bị cưỡng chế.

PV: Ông Phạm Văn Công được huyện giao 523m2 đất cho thuê làm khu kinh doanh nông sản, vật tư nông nghiệp nhưng thực tế lại xây cả "biệt phủ" rộng hơn 5.000m2, trách nhiệm của cá nhân ông Lê Văn Thao khi là người ký biên bản thẩm định, trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Công - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện tới đâu?

- Ông Lê Văn Thao: Khi ông Phạm Văn Công xây công trình này được 2 tháng, chúng tôi phát hiện và đoàn của huyện, xã đã xuống kiểm tra, lập biên bản, tạm đình chỉ xây dựng, phạt 3 triệu đồng, yêu cầu ông Phạm Văn Công hoàn thành thủ tục, hồ sơ, giấy phép liên quan.

Chúng tôi là cấp huyện không thể giám sát 24/24h việc xây dựng của ông Công. Đây là trách nhiệm của xã. Chúng tôi không thể lấn sân, nếu lấn sân khác nào lạm quyền. 

Phóng viên Dân Việt hỏi: “Xin hỏi thật ông Lê Văn Thao - Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Nguyễn Văn Công - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường là người ký biên bản thẩm định cho ông Phạm Văn Công, giữa hai ông với ông Phạm Văn Công có quen biết hay thân thiết từ trước”?

- Ông Lê Văn Thao: “Anh Phạm Văn Công là một cán bộ CA, tôi biết nhưng không thân”.

- Ông Nguyễn Văn Công: “Tôi biết”.

PV: Ông Phạm Văn Công nhận mức phạt 3 triệu đồng, sau đó tiếp tục xây dựng "biệt phủ" với quy mô hơn 5.000m2 ngay sát quốc lộ, chẳng nhẽ huyện "vô can"?

- Ông Nguyễn Văn Công - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Vĩnh Lộc: Xã phải chịu trách nhiệm chính. 

PV: Phóng viên Dân Việt theo dõi, giám sát việc đập bỏ hạng mục vi phạm thuộc "biệt phủ" không phép 5.000m2 của ông Phạm Văn Công, vậy, chúng tôi muốn biết, những ngày tới, phần nào, hạng mục nào sẽ tiếp tục được đập bỏ?

- Ông Lê Văn Thao: Tôi làm phó chủ tịch huyện, phụ trách mảng này cũng đã lâu. Nếu tôi không nhầm, kể cả các nhiệm kỳ trước, tại huyện Vĩnh Lộc chúng tôi, chưa có tiền lệ thành lập đoàn cưỡng chế nào. Về vi phạm của ông Phạm Văn Công, quan điểm của chúng tôi là vận động ông Công tự giác đập bỏ những phần xây sai phép. Còn nhà báo hỏi phải đập bỏ những hạng mục nào, chúng tôi phải chờ kết quả kiểm tra, đo đạc trên thực địa.

Chờ kiểm tra, đo đạc, xem công năng là nhà kho hay nhà ở (?)

PV: Cả "biệt phủ" không phép 5.000m2 xây trên đất nông nghiệp mà theo quy định chỉ được phép xây khu kinh doanh nông sản và vật tư nông nghiệp với diện tích 523m2, từ khi triển khai tới lúc gần hoàn thành, nhân dân phản ánh, báo chí vào cuộc, huyện mới xuống đo đạc thực tế, là lãnh đạo huyện, các anh thấy "xấu hổ" không?

- Ông Lê Văn Thao: Ông Phạm Văn Công cũng rất hiểu về luật chứ không phải dân "a ma tơ". Trong quyết định phê duyệt khu kinh doanh nông sản, vật tư nông nghiệp của ông Phạm Văn Công, các hạng mục như nhà kho, sân phơi, khu nhà điều hành... chỉ thể hiện tương đối chứ không phải là thiết kế, bản vẽ thực tế. Do vậy, chúng tôi phải đo đạc, kiểm tra mới biết hạng mục nào là sai, sai đến đâu mới có hướng giải quyết. 

img

Bên ngoài "biệt phủ" của ông Phạm Văn Công. Ảnh: Dân Việt

Phóng viên Dân Việt hỏi: “Bằng mắt thường, lãnh đạo huyện nhận thấy khu “biệt phủ” của ông Phạm Văn Công giống nhà kho hay khu nhà ở”?

- Ông Lê Văn Thao: “Nhà kho hay nhà ở thì chưa thể đánh giá ngay được bằng mắt thường, chúng tôi phải xem xét cả công năng sử dụng có đúng mục đích hay không nữa”.

PV: Cửa hàng vi phạm thuộc "biệt phủ" ông Phạm Văn Công đã được tháo dỡ. Vậy, phiền ông nói cụ thể, mấy ngày tới, các hạng mục nào trong số những hạng mục mà ông Phạm Văn Công xây sai phép: Cổng chính, tường bao, khu nhà chính (lấn vào diện tích 4.590m2 nằm ngoài phần đất được phép thuê), hòn non bộ, hồ bơi... sẽ phải đập bỏ?

- Ông Lê Văn Thao: Chúng tôi phải kiểm tra, đo đạc thực tế đã. Tôi lấy ví dụ, như khu nhà chính, không có bản vẽ thiết kế thì cần xem công năng có phải là nhà kho  không. Nếu chứa được nông sản thì biết đâu cũng có thể là nhà kho. Hiện, không có quy định nhà kho phải xây ra sao cả.

PV: Phóng viên Dân Việt đã âm thầm quay lại hiện trường "biệt phủ" của ông Phạm Văn Công từ sáng 4.5 và ghi nhận việc đập bỏ hạng mục vi phạm, cảm quan cho thấy việc triển khai có phần chậm chạp, chưa quyết liệt, bạn đọc băn khoăn rằng liệu đây có phải là "chiêu" giảm nhiệt, đối phó với dư luận sau loạt bài trên Báo điện tử Dân Việt?

Ông Lê Văn Thao: Cửa hàng vi phạm đang được tháo dỡ. Như tôi đã nói, từ trước tới nay, huyện chúng tôi chưa phải cưỡng chế công trình nào cả. Bước đầu, chúng tôi vận động ông Công tự tháo dỡ. Còn nếu ông Công không làm, chúng tôi sẽ buộc phải cưỡng chế.

PV: Hạng mục vi phạm như khu nhà chính xây chồng lên phần đất chưa được phép chuyển đổi, hồ bơi, hòn non bộ, cây cảnh, tường bao...; huyện xử lý thế nào?

Ông Lê Văn Thao: Tôi khẳng định luôn, hòn non bộ phải đập. Tường bao nếu xác định rõ vi phạm cũng phải đập. Cây cảnh phải chuyển nơi khác. Trong phê duyệt, có ao thì không có hồ, có hồ bơi thì không được để ao. Khu nhà chính, tới đây, sau khi chúng tôi kiểm tra, phần nào xây vượt quá diện tích 523m2 thì cũng phải đập bỏ.

Không tự tháo dỡ hết phần vi phạm, sẽ giao công an cưỡng chế

PV: Nếu cho ông Phạm Văn Công tự tháo dỡ mà ông Phạm Văn Công cứ "đủng đỉnh", mỗi ngày chỉ dỡ có chút, huyện sẽ tính cách nào?

Ông Lê Văn Thao: Vi phạm của ông Phạm Văn Công được Thường vụ Huyện ủy cho ý kiến chỉ đạo. CA tỉnh Thanh Hóa, các sở ngành, CA huyện Vĩnh Lộc... đề nghị cùng tham gia kiểm tra, xử lý với huyện. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là ưu tiên vận động ông Công tự tháo dỡ thay vì bắt buộc phải cưỡng chế vì e sẽ tạo nên áp lực nặng nề, chúng tôi thấy chưa cần nếu như vận động được ông Công.

img

Hòn non bộ bên trong "biệt phủ". Ảnh: Dân Việt

PV: Trong bản ghi âm của Dân Việt, ông Phạm Văn Công tự tin khi xây dựng khu "biệt phủ" này có "anh em tạo điều kiện cho", vậy xin hỏi lãnh đạo huyện, "anh em" ở đây là ai? Có hay không việc phải làm rõ ai, người nào, đơn vị, cá nhân đứng sau, dung túng cho sai phạm này của ông Phạm Văn Công?

- Ông Lê Văn Thao: Khi ông Phạm Văn Công xây dựng được 2 tháng, chúng tôi xuống kiểm tra, yêu cầu xã xử phạt 3 triệu đồng vì hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa sang đất nuôi trồng thủy sản và đất phi nông nghiệp khi chưa được cấp phép. Chúng tôi khẳng định, đâu thì không biết nhưng huyện không tạo điều kiện, chúng tôi không dung túng cho sai phạm của ông Phạm Văn Công.

Cảm ơn ông!

Liên quan tới "biệt phủ" 5.000m2 không phép của ông Phạm Văn Công - đại úy CA huyện Vĩnh Lộc, trả lời Dân Việt, ông Lê Như Tuấn - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa nói: Nếu đó là đất nông nghiệp mà là đất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi thì được phép trồng cây khác chứ không được xây dựng nhà cửa hay công trình kiến trúc. Nếu chưa chuyển đổi mà xây công trình kiến trúc như vậy thì lại càng vi phạm pháp luật”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem