Bình Định lấy lại không gian biển cho dân: Khách sạn đầu tiên "gật đầu" được hỗ trợ 32 tỷ!!

Dũ Tuấn Thứ tư, ngày 26/06/2019 09:59 AM (GMT+7)
Ba khách sạn là Hải Âu, Hoàng Yến và Bình Dương (ở TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) sẽ được di dời để dành toàn bộ dải bờ biển vịnh Quy Nhơn cho cộng đồng. Cả 3 khách sạn này, đều được xây dựng từ nhiều năm trước, nằm ở vị trí đắc địa sát biển.
Bình luận 0

Tại các buổi tiếp xúc cử tri trong tháng 6/2019, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định hứa chấp nhận bồi thường di dời khách sạn chỉ với mục đích duy nhất là xây dựng công viên, trả lại không gian biển cho người dân. Trong bối cảnh “tấc đất tấc vàng” thì hành động mang tính đột phá này của lãnh đạo tỉnh Bình Định được người dân đánh giá cao.

img

Biển Quy Nhơn mang dáng dấp vầng trăng khuyết nhìn từ trên cao.

Hỗ trợ 32 tỷ và khu đất mới

Lãnh đạo khách sạn Bình Dương (thuộc Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng) cho biết, khách sạn Bình Dương hoạt động từ năm 1989. Việc kinh doanh khách sạn này đang thuận lợi, phục vụ tốt cho khách của quân đội, Binh đoàn 15 và cả khách bên ngoài. Khách sạn cũng tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người. Hàng năm, khách sạn vẫn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ cho địa phương.

“Khách sạn đang hoạt động tốt, nếu đập đi để di dời đi nơi khác thì lãng phí tài sản của đơn vị cũng như công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, chủ trương dời khách sạn Bình Dương đã được lãnh đạo Bộ Quốc phòng và lãnh đạo tỉnh Bình Định bàn bạc, thống nhất, chúng tôi chấp hành và thực hiện theo đúng chỉ đạo”, vị này cho hay.

Lãnh đạo khách sạn Bình Dương cũng kiến nghị, việc đền bù, hỗ trợ phải thỏa đáng theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đặc biệt, vị trí mới để di dời khách sạn cũng phải đảm bảo tương xứng.

img

Bình Dương là khách sạn đầu tiên dự kiến di dời nhường chỗ cho công viên cộng đồng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu xác nhận, địa phương vừa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tài sản do thu hồi đất của khách sạn Bình Dương. Đây là khách sạn đạt chuẩn 2 sao có quy mô 6 tầng với 60 phòng ngủ.

Theo ông Châu, tỉnh Bình Định sẽ hỗ trợ 32 tỷ đồng để di dời khách sạn Bình Dương, đồng thời bố trí cho họ một vị trí mới là 20 Nguyễn Văn Trỗi.

“Về phía khách sạn, họ hoàn toàn đồng ý, sau khi đền bù họ sẽ tháo dỡ và chuyển đến vị trí mới”, ông Châu nói.

Cây xanh, công viên mọc trên “đất vàng”

Tại hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị Quy Nhơn mới đây, khi nói đến cách làm quy hoạch, ông Lê Đăng Tuấn - Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định ví von rằng, nếu như ở nơi khác đất vàng sẽ được dùng để xây dựng công trình thì điều khác lạ ở Quy Nhơn là đổi đất vàng chỉ để trồng cây xanh, công viên.

Ông Tuấn kể rằng, trước đây toàn bộ phía biển Quy Nhơn tồn tại hàng loạt công trình nhếch nhác, mức độ nhà cửa dày đặc khiến che khuất tầm nhìn ra biển.

Ở đường ven biển Xuân Diệu, tỉnh Bình Định đã chấp nhận tiêu tốn tiền bạc, thử thách thời gian để giải tỏa, di dời khoảng 2.500 hộ dân. Một việc làm rất khó khăn ở thời điểm đó, nhưng được người dân ủng hộ và mục đích duy nhất là để tạo ra không gian cộng đồng đặc trưng ở biển Quy Nhơn bây giờ.

img

Biển Quy Nhơn không bị rào chắn, không gian mở dành cho người dân xuống biển.

“Rất may, sự nỗ lực này đã được nhiều du khách, cán bộ cấp cao đến với Quy Nhơn đánh giá cao. Chúng tôi quy hoạch luôn tôn trọng, phát triển không gian sinh hoạt cộng đồng, chứ không phải muốn xây dựng cái gì cũng được, không tư nhân hóa bãi biển nào cả. Thực tế, mật độ xây dựng hơi thấp, khoảng cách công trình xa và thụt lùi vào phía trong. Đây là sự trả giá rất lớn vì giá trị khai thác đất sẽ bị giảm đi nhưng bù lại Quy Nhơn có được bản sắc riêng, phục vụ cộng đồng”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cam kết, không gian biển là của cộng đồng, biển Quy Nhơn sẽ không có rào chắn, không cấp cho ai khác sau đó. Toàn bộ không gian biển của vịnh Quy Nhơn là niềm tự hào của người dân và họ được tự do xuống biển, chính quyền không giao cho bất cứ nhà đầu tư nào cả. Thậm chí, tỉnh này còn chủ động bỏ tiền ra để giải phóng mặt bằng làm công viên, phố đi bộ phục vụ cộng đồng.

Ông Dũng nhấn mạnh, tới đây sẽ giải tỏa khách sạn Bình Dương trả lại không gian công cộng cho người dân và ông đã hứa với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng rằng, dời khách sạn chỉ làm công viên.

img

Khách sạn Hải Âu - theo lộ trình cũng được di dời để trả lại không gian ven biển cho dân.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng – Bí Thư Tỉnh ủy Bình Định, Quy Nhơn bây giờ đã khác xưa, mỗi ngày có khoảng 40 chuyến bay đi và đến tỉnh này với lượng khách đông đúc.

Mới đây, Quy Nhơn được giới thiệu là “thiên đường” nghỉ dưỡng mới của du lịch biển Việt Nam trên nhật báo “Bangkok Post”, một trong những nhật báo uy tín, xuất bản bằng tiếng Anh của Thái Lan. Du lịch miền nhiệt đới thường gắn các chữ S gồm sun (mặt trời), sea (biển), sand (bãi cát), với Quy Nhơn còn là sự thanh bình và trong tiếng Anh được viết là Senerity mà không phải nơi nào cũng có được. Với chữ S quý giá thứ 4, Quy Nhơn trở thành điểm đến cực kỳ hấp dẫn.

“Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vừa có cuộc điều tra dư luận xã hội chủ yếu dành cho khách du lịch để tìm hiểu câu trả lời vì sao họ lại chọn Quy Nhơn. Họ nói rằng thích môi trường trong lành, hải sản tươi ngon, rẻ và an ninh tốt. Sắp tới, tỉnh sẽ dời Tượng đài Chiến Thắng ra phía biển để trả lại đường giao thông, làm công viên biển. Tại khu lấn biển Mũi Tấn chuẩn bị kè trả lại đường cong tương đối cho bờ biển, hốt lên bờ khoảng 40%, phần còn lại làm vườn hoa, quán cà fe, phía dưới xây dựng khách sạn đảm bảo không che khuất tầm nhìn”, ông Tùng thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem