Ngày 18/3, Chủ tịch UBND xã Canh Hiển Huỳnh Văn Quý cho biết, chính quyền đã có báo cáo tình hình quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn giai đoạn từ năm 2016-2021 đến Thanh tra huyện Vân Canh để phục vụ cuộc thanh tra đột xuất năm 2022 theo yêu cầu.
"Công bố quyết định thanh tra rồi nhưng cán bộ ở xã có nhiều F0, F1 nên chưa thực hiện được", ông Văn Quý nói.
Đặc biệt, Thanh tra huyện Vân Canh đã yêu cầu xã Canh Hiển cung cấp thông tin liên quan đến tình hình quản lý đối với diện tích đất đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt quy hoạch Khu du lịch Suối Cầu trước đây.
Đây là dự án kêu gọi nhà đầu tư có tổng diện tích 457ha tại các tiểu khu 365a, 358 xã Canh Hiển và tiểu khu 363a xã Canh Hiệp.
Trong đó, được chia thành 3 phần để đầu tư: Diện tích rừng bảo vệ (rừng phòng hộ): 340ha (khu rừng bảo vệ chỉ làm vệ sinh các lối đi tự nhiên), du lịch bơi thuyền hồ chứa nước Suối Cầu 12ha và diện tích xây dựng cơ sở du lịch trồng cây lâu năm, cây ăn quả 105ha.
Theo Chủ tịch UBND huyện Vân Canh Lương Đình Tiên, ngoài Canh Hiển thì Canh Hoà là địa phương thứ 2 có trong danh sách thanh tra đột xuất về công tác quản lý đất đai lần này.
Chủ tịch UBND xã Canh Hoà Nguyễn Văn Kim cho hay, đã giao cho địa chính làm báo cáo và cung cấp hồ sơ liên quan công tác quản lý đất đai, trong đó bao gồm việc cấp đất theo dự án 672 để phục vụ cuộc thanh tra.
Trước đó, Dân Việt đã từng nhiều lần phản ánh những "lùm xùm" liên quan đến việc cấp đất rừng theo dự án 672 ở xã Canh Hoà. Gần 20 hộ dân là người đồng bào dân tộc Chăm ở xã này, đã gửi đơn cứu xét đến Ban thường vụ Huyện ủy, UBND và Công an huyện, đề nghị làm rõ việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đối với trường hợp là cán bộ, người nhà cán bộ xã, có đúng đối tượng hay không(?).
Bởi, theo phản ánh của người dân, một số đối tượng không hề phát dọn, khai hoang và sau khi được cấp đất, cũng không canh tác mà mang đi chuyển nhượng, bán cho người từ nơi khác đến trồng rừng.
Đặc biệt, Giấy chứng nhận quyền sử dụng hàng chục ha đất rừng được cấp "không phù hợp" cho cán bộ xã, người nhà cán bộ nhận đất rừng không canh tác lại mang đi chuyển nhượng. Tại đây, cũng xảy ra tranh chấp đất đai giữa người từ nơi khác với cư dân địa phương nên mọi chuyện "vỡ lở", gây hoài nghi trong nhân dân.
Ông Đoàn Văn Môn - nguyên Chủ tịch UBND xã Canh Hòa (thời điểm thực hiện dự án 672, giữ chức Chủ tịch UBND xã), năm 2019 đã làm đơn trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích hơn 10ha đất rừng được cấp theo dự án, lý do "không phù hợp" với diện tích, vị trí mà ông đã kê khai.
Sở TNMT tỉnh Bình Định khẳng định, gia đình cán bộ sống vùng nông thôn nên họ cũng có quyền được Nhà nước giao đất, nếu họ đúng đối tượng.
Tuy nhiên, không bao giờ ủng hộ việc cán bộ địa phương lợi dụng trong việc giao đất lâm nghiệp. UBND huyện Vân Canh cần phải rà soát, nếu phát hiện đối tượng được giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định dự án 672, bắt buộc thu hồi.
Trước báo giới, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cũng từng nêu quan điểm: "Xử lý theo nguyên tắc bình đẳng, đúng thì làm nhưng sai thì phải "xử", chuyện này lịch sử để lại nên giải quyết từng bước".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.