Bình Dương bứt phá trong phát triển đô thị, thu hút đầu tư chất lượng cao
Bình Dương bứt phá trong phát triển đô thị, thu hút đầu tư chất lượng cao
P.V
Thứ hai, ngày 23/11/2020 10:05 AM (GMT+7)
Sau 23 năm tách từ tỉnh Sông Bé và trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cùng với sự phát triển vượt bậc về công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp, diện mạo đô thị của tỉnh Bình Dương ngày càng văn minh, hiện đại.
Từ năm 2016, Bình Dương triển khai đề án Thành phố thông minh nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đón làn sóng đầu tư mới, chất lượng cao.
Cơ sở hạ tầng gắn với phát triển đô thị
Không chỉ quan tâm đến ứng dụng công nghệ, đề án Thành phố thông minh là chương trình toàn diện nhằm tăng tốc kinh tế - xã hội Bình Dương, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển vượt bậc giai đoạn 2016-2020 và tạo đà bứt phá mới cho giai đoạn 2021-2025.
Phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có của địa phương, nhất là những sáng tạo trong việc gắn xây dựng cơ sở hạ tầng với phát triển đô thị, tỉnh Bình Dương đã chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật với nhiều nguồn lực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chung toàn đô thị.
Theo đó, kết cấu hạ tầng giao thông được xây dựng theo hướng đồng bộ liên hoàn, kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường tỉnh với các đường huyện, đồng thời kết nối với hệ thống giao thông quốc gia và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cụ thể, Bình Dương đã đầu tư xây dựng tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối với quốc lộ 1A, TP.HCM, tỉnh Bình Phước; đầu tư xây dựng các tuyến đường tỉnh như ĐT744 kết nối Bình Dương với Tây Ninh, ĐT741 kết nối Bình Dương với Bình Phước; đường vào cầu Phú Long kết nối Bình Dương với TP.HCM… Nhiều khu công nghiệp tầm cỡ đã được hình thành. Nhiều khu dân cư, khu đô thị cao tầng, khang trang đã được xây dựng.
Bên cạnh đó, những năm qua, các chương trình, đề án, dự án về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật được tập trung thực hiện, nâng cao chất lượng đời sống của người dân đô thị, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình phát triển đô thị Bình Dương giai đoạn 2011- 2015, tầm nhìn đến năm 2020; Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020; Chương trình số 22-CTr/TU ngày 15/8/2016 của Tỉnh ủy Bình Dương về "Phát triển đô thị theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân" đã và đang tác động sâu rộng, toàn diện đến quá trình phát triển đô thị Bình Dương.
Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 80,17% công tác quy hoạch xây dựng cơ bản, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt 100%, tỷ lệ xã hoàn thành lập quy hoạch nông thôn mới đạt 100%, các khu chức năng, dự án đầu tư xây dựng đều có quy hoạch chi tiết.
Một trong những điểm nhấn then chốt trong phát triển hạ tầng công nghiệp, dịch vụ và đô thị của Bình Dương là việc quy hoạch xây dựng và đưa vào sử dụng Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị gần 4.200 ha, trong đó có Thành phố mới Bình Dương và Trung tâm Hành chính của tỉnh.
Thành phố mới Bình Dương có quy mô 1.000 ha, nằm tại vị trí trung tâm Khu Liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị. Đây chính là trung tâm của thành phố Bình Dương trong tương lai. Nếu xem các khu công nghiệp là đòn bẩy giúp Bình Dương phát triển trong thời gian qua, thì Thành phố mới Bình Dương chính là hạt nhân của một đô thị Bình Dương hiện đại, năng động, bền vững và thông minh trong tương lai.
Thành phố mới Bình Dương hội tụ đầy đủ các loại hình dịch vụ và một hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ. Sau nhiều năm xây dựng, thành phố mới hôm nay đã trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, tạo điểm nhấn quan trọng, tác động trực tiếp cho TP.Thủ Dầu Một xứng tầm là đô thị loại I.
Đón làn sóng đầu tư
Đến nay, theo kế hoạch nâng cấp đô thị, tỉnh Bình Dương đã có 3 thành phố là TP.Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An), 2 thị xã (Bến Cát và Tân Uyên). Việc Bình Dương trở thành tỉnh đầu tiên trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có 3 thành phố, giàu tiềm năng phát triển sẽ góp phần để tỉnh nhà thu hút mạnh mẽ được nguồn lực toàn xã hội, xây dựng và phát triển đô thị văn minh, hiện đại, đáng sống, xanh sạch, là khu vực dịch vụ chất lượng cao cho toàn vùng, đồng thời tạo đà phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Với mục tiêu xây dựng Bình Dương trở thành đô thị loại I, nâng cao mức sống vật chất, tinh thần cho người dân, tiến tới văn minh, giàu đẹp, trong thời gian tới UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục tập trung huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng bảo đảm chất lượng và đồng bộ, gắn với chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo lộ trình.
Ông Võ Hoàng Ngân - Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương cho biết, giai đoạn 2020-2025 tỉnh Bình Dương tiếp tục triển khai "Chương trình phát triển đô thị theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lương sống nhân dân". Nghiên cứu xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình phù hợp với giai đoạn mới và xác định danh mục các công trình trọng điểm cần tập trung huy động nguồn lực, thực hiện linh hoạt hình thức đầu tư để tạo động lực phát triển, gắn với triển khai thực hiện hiệu quả các công việc, dự án cụ thể của đề án xây dựng thành phố thông minh.
Hiện nay, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp tại Bình Dương đạt 9.139,5 tỷ đồng. Bao gồm 29 khu công nghiệp (trong đó 27 khu đã đi vào hoạt động) với diện tích 12.743 ha, đạt tỷ lệ cho thuê 80,8% và 12 cụm công nghiệp (có 9 cụm đã đi vào hoạt động) với diện tích 790 ha, đạt tỷ lệ cho thuê 70,6%.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao cho biết, cùng với nền tảng có được từ những kết quả xây dựng thành phố thông minh, Bình Dương đã thống nhất triển khai đề án "Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương", hình thành Khu công nghiệp khoa học công nghệ. "Đây là bước đột phá trong sản xuất công nghiệp, hạ tầng mang tính nền tảng cho việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư có giá trị gia tăng cao, tạo tiền đề cho sản xuất công nghệ cao", ông Thao nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Hoàng Thao, "vùng đổi mới sáng tạo" có thể so sánh phù hợp với 4 chương trình đột phá của tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, cũng như 9 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, bao gồm đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và hạ tầng giao thông, phát triển công nghiệp phải gắn liền với phát triển khoa học công nghệ,... Song song đó, phát triển kinh tế của Bình Dương phải gắn với phát triển kinh tế của vùng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.