Bình Dương: "Bà đỡ" giúp nông dân vươn lên làm giàu

P.V Thứ tư, ngày 18/11/2020 14:57 PM (GMT+7)
Quỹ Hỗ trợ nông dân được xem là mấu chốt trong hoạt động hỗ trợ vốn cho nhà nông. Vai trò tư vấn của Hội Nông dân giúp xây dựng sinh kế lâu dài và khơi gợi được ý thức tự cường là yếu tố then chốt để nông dân Bình Dương thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Bình luận 0

Đất lành

Bình Dương: "Bà đỡ" giúp nông dân vươn lên làm giàu - Ảnh 1.

Ông Trần Phương Nhi bên vườn sầu riêng của gia đình

Sau nhiều năm bôn ba, năm 2006, ông Trần Phương Nhi đưa gia đình từ Khánh Hòa vào xã Tam Lập (huyện Phú Giáo, Bình Dương) lập nghiệp. Những năm đầu tiên ở vùng đất mới, cuộc sống gia đình ông còn gặp nhiều khó khăn. Hai vợ chồng phải làm đủ thứ việc, từ trồng rau, tỉa bắp tới vừa buôn bán trái cây để có thu nhập.

Nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân (HND) cấp xã, huyện, thông qua các lớp tập huấn, ông Nhi không ngừng học hỏi để tích lũy kinh nghiệm. Ở ấp Gia Biện, xã Tam Lập này, ông Nhi là người tiên phong trong việc trồng cây có múi. Cũng từ sự tư vấn của hội, ông Nhi mạnh dạn vay 50 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ nông dân để mở rộng đầu tư. Thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông mua cây giống để trồng sầu riêng và xen canh hoa màu ngắn ngày.

Đến nay, ông Nhi đã sở hữu được 2ha sầu riêng, 1ha bưởi da xanh trồng xen quýt đường. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, mỗi năm, ông Nhi thu lãi khoảng 800 triệu đồng sau khi trừ chi phí từ hơn 20 tấn trái cây các loại.

Bình Dương: "Bà đỡ" giúp nông dân vươn lên làm giàu - Ảnh 2.

Mục tiêu của Quỹ hỗ trợ nông dân phải khơi dậy được ý chí, khát vọng vươn lên của mỗi hộ nghèo và xây dựng mô hình sinh kế lâu dài

Ông Đặng Trọng Quảng - Phó Chủ tịch HND huyện Phú Giáo cho biết, bằng nghị lực bản thân, gia đình ông Nhi từ hộ nghèo đã phát triển kinh tế ổn định, là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh 3 năm liền. Ông Nhi cũng là một trong những gương điển hình vượt khó được HND tỉnh khen thưởng điển hình tiên tiến.

"Từ sự hỗ trợ ban đầu của HND, giờ đây ông Nhi thường xuyên đóng góp trở lại để ủng hộ cho Quỹ Hỗ trợ nông dân và tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới do địa phương phát động", ông Quảng cho biết.

Tại xã Cây Trường (huyện Bàu Bàng), gia đình bà Dương Thị Liên cũng là một trong những hộ vươn lên làm giàu trên vùng đất mới. Bà Liên kể, nhờ hưởng ứng phong trào thi đua do HND huyện phát động, bà Liên đã nỗ lực học hỏi để phát triển kinh tế gia đình. Từ số vốn tích cóp ban đầu, bà Liên vay thêm vốn của Quỹ Hỗ trợ để mua một chiếc máy cày về cày thuê cho bà con trong vùng. Được HND huyện, xã chuyển giao kỹ thuật trồng cây cao su và các cây trồng khác, kinh tế gia đình bà phát triển ngày càng thuận lợi.

Bình Dương: "Bà đỡ" giúp nông dân vươn lên làm giàu - Ảnh 3.

HND tỉnh trao Quyết định giao vốn xuống các cấp Hội cơ sở để hỗ trợ nông dân

Sau nhiều năm nỗ lực, bà Liên đang sở hữu 5ha đất canh tác, mỗi năm thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng. Khi đã có của ăn của để, bà Liên giúp đỡ ngược lại cho nhiều nông hộ khác trong sản xuất, và tương trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Đỗ Ngọc Huy - Chủ tịch HND tỉnh Bình Dương cho biết, HND với vai trò là cầu nối đã định hướng cho nông dân nâng cao nhận thức, lựa chọn các mô hình khởi nghiệp theo hướng bền vững, dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế, đạt năng suất, chất lượng và an toàn. Trong đó, Quỹ Hỗ trợ nông dân được xem là nòng cốt trong hoạt động hỗ trợ vốn, giúp nông dân giải bớt cơn khát vốn ở nông thôn. Trong giai đoạn từ 2016 - 2020, Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc HND tỉnh Bình Dương đã kịp thời hỗ trợ, xét cho hơn 3.400 lượt hộ nông dân vay đầu tư vào 284 dự án, với số vốn hơn 133 tỷ đồng.

Bình Dương: "Bà đỡ" giúp nông dân vươn lên làm giàu - Ảnh 4.

Cán bộ Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh làm thủ tục giải ngân vốn vay

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Theo HND tỉnh, con số hơn 133 tỷ đồng của Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đang quản lý đã tăng 1,77 lần so với thời điểm cuối năm 2015. Còn tính chung cả nguồn vốn vận động, bổ sung, vốn quay vòng và vốn ngân sách ủy thác, 5 năm qua, HND các cấp đã xét cho hơn 9.000 lượt hộ nông dân vay với số tiền gần 216,3 tỷ đồng; thực hiện 470 dự án, chủ yếu đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt và dịch vụ nông nghiệp.

Sắp tới, đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2020-2025 sẽ được thực hiện với tổng kinh phí dự kiến 150 tỷ đồng, với mức cho vay tối đa là 100 triệu/hộ; phí cho vay 0,5%/tháng. Đối tượng vay vốn là hội viên nông dân khó khăn, thiếu vốn, có nhu cầu và có điều kiện thực hiện nguồn vốn đúng quy định, có hộ khẩu tại nơi cho vay và không vướng các tệ nạn xã hội.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, không chỉ nông dân nghèo mà phương châm trong công tác giảm nghèo của tỉnh là không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau. Công tác giảm nghèo trở thành mối quan tâm, nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị. Từ Hội Nông dân, Hội Phụ nữ... cho tới các cấp chính quyền địa phương, không một đơn vị, đoàn thể nào đứng ngoài cuộc.

Bình Dương: "Bà đỡ" giúp nông dân vươn lên làm giàu - Ảnh 5.

Từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều hội viên nông dân tỉnh Bình Dương đã vươn lên thoát nghèo, và sản xuất, kinh doanh giỏi.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoàng Thao cho biết, để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, các cấp ngành, các tổ chức chính trị trên địa bàn tỉnh cần vận dụng linh hoạt các chính sách, tiếp tục đổi mới trong nhận thức và cách làm. Trong đó, Quỹ Hỗ trợ nông dân phải phát huy tính hiệu quả, quản lý an toàn, khai thác đúng đối tượng, mức cho vay cho các cá nhân có quy mô sản xuất phù hợp. Nguồn vốn cho vay cần lồng ghép vào các dự án mang tính lợi ích phát triển của xã hội như nông sản sạch, khởi nghiệp sáng tạo…

Đồng thời, Bình Dương cũng cần rà soát các mô hình sinh kế hiệu quả để triển khai nhân rộng, chuyển giao, tăng cường xã hội hóa trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo. "Trong đó, vấn đề mấu chốt là phải khơi dậy được ý chí, tinh thần tự lực vươn lên trong mỗi hộ nghèo", ông Thao nhấn mạnh.

Tính tới nay, Bình Dương không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của tỉnh đến cuối năm 2019 chỉ còn 3.806 hộ; chiếm tỷ lệ 1,3%. Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo theo chuẩn đa chiều mới của tỉnh giai đoạn 2021-2025 còn dưới 2,5%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem