Bình Dương: Doanh nghiệp mong muốn gì ở chính quyền khi khôi phục sản xuất?
Bình Dương: Doanh nghiệp mong muốn gì ở chính quyền khi khôi phục sản xuất?
Văn Dũng
Thứ năm, ngày 23/09/2021 08:37 AM (GMT+7)
Trước việc tỉnh Bình Dương cho phép các doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động sản xuất trong trạng thái bình thường mới, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ những mong muốn, kiến nghị để đảm bảo nguyên tắc “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”.
Doanh nghiệp muốn giữ lại phương án sản xuất "3 tại chỗ"
Bình Dương vừa cho phép các doanh nghiệp trên địa bàn được khôi phục lại hoạt động sản xuất, trong trạng thái bình thường mới với nguyên tắc "An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn".
Để việc trở lại hoạt động sản xuất được an toàn, không bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp đã có những kiến nghị, mong muốn UBND tỉnh Bình Dương tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp từng bước khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Văn Hậu – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thực phẩm và Nước giải khát JOY (phường Tân Đông Hiệp, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết, khi khôi phục lại hoạt động sản xuất, doanh nghiệp sẽ cố gắng giữ lại mô hình sản xuất "3 tại chỗ" đã thực hiện thời gian qua, đồng thời đưa các công nhân đã hoàn thành thời hạn cách ly ở ngoài trở lại làm việc, thực hiện tốt biện pháp 5K của Bộ Y tế.
Khi được quay trở lại hoạt động với số lượng 100% công nhân được đến nhà máy, ông Hậu kiến nghị tỉnh Bình Dương hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác chống dịch để sản xuất có hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được đi lại, giao thương hàng hoá để đảm bảo cung ứng tốt nhất về nguyên vật liệu cũng như phân phối sản phẩm của doanh nghiệp.
Ông Hậu cũng mong muốn, nếu trong quá trình trở lại hoạt động sản xuất mà phát hiện có ca mắc Covid-19 trong doanh nghiệp, thì mong muốn chính quyền cũng như ngành y tế sớm có phương án chăm sóc, điều trị cho công nhân để công ty có thể tập trung cao hơn trong công tác sản xuất và bảo đảm dịch bệnh không lây lan trong nhà máy.
Với việc lo sợ thiếu lao động khi mở cửa trở lại sản xuất, ông Hậu đề xuất chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các công nhân nếu đã về quê thì có thể được quay trở lại Bình Dương (có danh sách do doanh nghiệp trình cơ quan chức năng) để tiếp tục làm việc. Hoặc, các sở ban ngành, hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động mới để đáp ứng được điều kiện sản xuất trong trạng thái bình thường mới.
Còn anh Nguyễn Kim Phi – Chủ tịch Công đoàn kiêm Trưởng phòng Sản xuất Công ty TNHH SV Probe Việt Nam (KCN VSIP 1, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương) kiến nghị, khi mở cửa trở lại và cho phép các doanh nghiệp được tiếp tục hoạt động sản xuất, điều cần nhất là phải tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho 100% công nhân của doanh nghiệp để đảm bảo tiêu chí "công nhân xanh".
Anh Phi cho biết, hiện tại mới chỉ có 70% công nhân của công ty được tiêm vaccine mũi 1, còn mũi 2 thì mới chỉ có 11/567 công nhân, lao động được tiêm.
"Nếu khôi phục lại hoạt động sản xuất, chúng tôi mong muốn UBND tỉnh Bình Dương cùng ngành y tế tổ chức tiêm vaccine cho 100% công nhân, lao động của doanh nghiệp, điều này tạo sự an tâm cho doanh nghiệp lẫn người lao động khi quay trở lại sản xuất, đảm bảo mục tiêu vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch", anh Phi bày tỏ.
Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn còn nhiều khu vực thuộc "vùng đỏ" trên bản đồ Covid-19 của tỉnh, công nhân lao động của doanh nghiệp sinh sống ở nhiều vùng khác nhau, nên doanh nghiệp mong muốn tỉnh tạo điều kiện trong việc đi lại cho công nhân khi đến nhà máy làm việc và trở về chỗ ở.
Anh Phi đưa ra dẫn chứng, một số công nhân mặc dù có đầy giấy tờ đi đường để đến công ty làm việc, nhưng khi qua một số chốt kiểm dịch thì nơi cho qua, còn có nơi không cho với lý do là cư trú tại "vùng đỏ".
Cũng theo anh Phi, sắp tới công ty cũng sẽ tiếp tục tiến hành sản xuất theo phương án "3 tại chỗ". Bởi, công nhân của công ty có nơi cư trú tại nhiều địa bàn của Bình Dương, và ý thức của nhiều công nhân vẫn chưa được tốt.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho việc tái sản xuất thì doanh nghiệp sẽ tổ chức cho công nhân nghỉ lại tại một khách sạn, nhà nghỉ ở gần công ty chứ không về nhà.
"Trước khi vào công ty, công nhân phải vào cách ly tại một khách sạn đủ 14 ngày với đầy đủ các xét nghiệm. Khi nào đủ thời hạn cách ly với các xét nghiệm đều cho âm tính với SARS-CoV-2 mới được vào nhà máy để làm việc, mọi chi phí phía công ty sẽ lo hết", anh Phi khẳng định.
Bình Dương sẽ tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất
Liên quan đến những kiến nghị của doanh nghiệp, ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương khẳng định, trong mọi giai đoạn, Bình Dương luôn xác định sự phát triển của doanh nghiệp chính là sự phát triển của tỉnh. Bình Dương luôn đồng hành để kịp thời hỗ trợ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Theo ông Dũng, Bình Dương đã ban hành kế hoạch từng bước phục hồi kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Theo đó áp dụng lộ trình tổ chức lại sản xuất, kinh doanh theo 3 giai đoạn tương ứng 30%, 50% và 70% công suất.
Trên cơ sở đó, ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương giao các Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Sở Công Thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, các địa phương tiếp tục trao đổi với doanh nghiệp về phương án tái sản xuất, tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp trong điều kiện của tỉnh, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tái sản xuất đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch hiệu quả.
Ông Bùi Minh Trí – Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, hiện có gần 400 doanh nghiệp mới đăng ký để trở lại hoạt động sản xuất với số lao động là hơn 50.000 lao động.
Ngày 22/9, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã có văn bản hướng dẫn điều kiện người lao động tham gia sản xuất tại doanh nghiệp và người dân được lưu thông trên đường kể từ hôm nay.
Theo đó, các doanh nghiệp muốn tổ chức lại hoạt động sản xuất, kể cả mô hình "3 tại chỗ" thì toàn bộ công nhân, người lao động phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19 đủ 14 ngày.
Đặc biệt, trước khi đến nhà máy, xí nghiệp thì người lao động phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 ít nhất 2 lần bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 1 và ngày thứ 4. Sau khi vào công ty phải được bố trí tại nơi cách ly tạm thời ít nhất 3 ngày, xét nghiệm test nhanh có kết quả âm tính vào ngày thứ 3 thì mới được tham gia sản xuất.
Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp phải tổ chức thực hiện nghiêm theo quy định 5K và sau 7 ngày test nhanh một lần cho công nhân. Nếu phát hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 phải lập tức cách ly, báo ngay cho y tế địa phương nơi trú đóng để phối hợp truy vết F1, lấy mẫu xét nghiệm khẳng định PCR.
Trường hợp xét nghiệm khẳng định PCR âm tính, tất cả quay trở lại sản xuất bình thường; dương tính thì phong tỏa tạm thời phân xưởng, khu vực, hay toàn bộ công ty theo mức độ để chờ hướng dẫn tiếp theo. Khi người lao động muốn ra khỏi công ty về nơi ở thì phải có kết quả test nhanh kháng nguyên âm tính.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.