Chuyển nhượng bất động sản tăng “sốc”, tín dụng ngân hàng "chớp thời cơ"

Huyền Anh Chủ nhật, ngày 07/11/2021 09:07 AM (GMT+7)
Gần 2 tỷ USD FDI đổ vào bất động sản, cổ phiếu bất động sản tăng tới 27% trong 9 tháng đầu năm,… thu từ chuyển nhượng bất động sản trong tháng 10 cao gấp hơn 2 lần trong tháng 8 và tháng 9, cho thấy giao dịch bất động sản vẫn cao. Các ngân hàng tranh thủ “chớp thời cơ”.
Bình luận 0

Nhu cầu bất động sản cao, ngân sách tăng thu nhờ chuyển nhượng nhà đất

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, tổng số thu ngân sách nhà nước phát sinh tháng 10 khoảng 55.100 tỷ đồng, cao hơn mức 54.790 tỷ đồng của tháng 8 và 50.772 tỷ đồng trong tháng 9. Trong đó thuế thu nhập cá nhân tháng 10 đạt 9.442 tỷ đồng.

Đáng chú ý, riêng thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản tháng 10 khoảng 1.400 tỷ đồng. Con số này cao hơn số thu từ chuyển nhượng bất động sản của tháng 8 và tháng 9 cộng lại.

Bên cạnh đó, thu từ lệ phí trước bạ tháng 10 đạt 3.322 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 1.930 tỷ đồng của tháng 9 và 984 tỷ đồng trong tháng 8.

Thu từ chuyển nhượng nhà đất tăng “sốc”, ngân hàng "chớp thời cơ" - Ảnh 1.

Nhu cầu bất động sản cao, ngân sách tăng thu nhờ chuyển nhượng nhà đất. (Ảnh: MK)

Theo lý giải của Tổng cục Thuế, kể từ đầu năm đến nay sự sôi động của thị trường bất động sản, góp phần tích cực trong nguồn thu ngân sách.

Riêng trong tháng 10, số thu từ thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản và thu từ lệ phí trước bạ tăng manh so với các tháng liền trước, là do sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, các doanh nghiệp và người dân tập trung chuyển nhượng nhà đất, lượng hồ sơ làm thủ tục trước bạ lớn. Trong tháng 8 và 9 các hoạt động này gặp khó khăn do giãn cách xã hội.

Dẫn thêm số liệu tại Diễn đàn bất động sản mới đây, TS Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế cho biết: Lĩnh vực bất động sản có 5.400 doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, vốn đăng ký đạt 343.000 tỷ đồng, tạo 35.000 việc làm mới. Có 1.000 doanh nghiệp bất động sản đã và đang hoạt động trở lại.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn rất tích cực. 9 tháng đầu năm ghi nhận vốn đăng ký mới đạt gần 1,8 tỷ USD, đứng thứ 2 sau nhóm chế biến, chế tạo...

Phát hành trái phiếu cũng rất sôi động. Toàn bộ doanh nghiệp đã phát hành gần 400.000 tỷ đồng trong 9 tháng. Riêng doanh nghiệp bất động sản phát hành 148.000 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 37%, đứng thứ 2 sau nhóm ngân hàng.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu bất động sản từ đầu năm đến nay tăng tới 27%, gần tương đương mức tăng chung của thị trường chứng khoán (tăng 29%).

Cũng theo vị chuyên gia này, trong các cuộc khủng hoảng trước, nhu cầu về nhà, đất sụt giảm ngay lập tức, nhưng trong cuộc khủng hoảng do đại dịch lần này, thị trường bất động sản dù thiếu nguồn cung, song nhu cầu tại một số lĩnh vực như bất động sản khu công nghiệp, nhà ở… vẫn phát triển tốt. Cùng với đó, giá bất động sản không giảm, thậm chí có thời kỳ tăng "nóng".

Tất cả những điều kể trên, phản ánh nhu cầu thị trường bất động sản, trong đó có nhà đất vẫn cao, "người dân vẫn đầu tư vào bất động sản, vẫn mua nhà" – theo ông Lực.

Còn theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành chia sẻ với Dân Việt, theo nhiều dự báo Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP cao trong năm 2022. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho thị trường bất động sản bứt phá của thị trường bất động sản trong năm tới. Thời gian qua, thị trường bất động sản cũng đã cho thấy sức đề kháng khá tốt và có thể sẽ phát triển mạnh mẽ trong quý IV này khi hết giãn cách xã hội - theo ông Thành.

Thu từ chuyển nhượng nhà đất tăng “sốc”, ngân hàng "chớp thời cơ" - Ảnh 3.

Thị trường bất động sản sẽ phát triển mạnh mẽ trong quý IV. (Ảnh: M.K)

Ngân hàng "chớp" thời cơ

Đáp ứng nhu cầu mua bất động sản tăng lên sau khi tình hình dịch bệnh ổn định trở lại, một số ngân hàng gần đây tung ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi từ 5%/năm để đẩy mạnh cho vay bất động sản.

Cụ thể, lãi suất cho vay mua nhà tại PVCombank thấp nhất với mức 5%/năm trong 6 tháng đầu và 12% từ tháng thứ 7 trở đi. Thời gian vay tối đa lên tới 10 năm và Cho vay tới 85% giá trị tài sản.

Hay như tại VPBank, nhà băng này triển khai chương trình lãi suất cho vay mua bất động sản với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,9%/năm từ nay đến 31.12.2021.

Thu từ chuyển nhượng nhà đất tăng “sốc”, ngân hàng "chớp thời cơ" - Ảnh 4.

Đáp ứng nhu cầu mua bất động sản tăng lên sau khi tình hình dịch bệnh ổn định trở lại, một số ngân hàng gần đây tung ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi từ 5%/năm để đẩy mạnh cho vay bất động sản. (Ảnh: VPB)

Khách hàng có nhu cầu vay mua bất động sản có giấy chủ quyền sẽ được lựa chọn một trong các gói lãi suất 5,9%/năm cố định trong 3 tháng, 7,9%/năm trong 6 tháng, 8,3%/năm trong 12 tháng, 8,6%/năm trong 18 tháng hoặc 8,9%/năm trong 24 tháng. Đây đều là những mức lãi suất vay mua nhà rất cạnh tranh trên thị trường hiện nay.

Khách hàng sẽ được vay đến 80% giá trị tài sản đảm bảo, hạn mức giải ngân lên đến 20 tỷ đồng và thời hạn vay kéo dài đến 25 năm. Khách hàng cũng được hưởng ân hạn nợ gốc 12 tháng,có nghĩa trong năm đầu tiên, khách hàng sẽ không phải thanh toán nợ gốc cho ngân hàng mà chỉ cần thanh toán phần lãi.

Đặc biệt, VPBank chấp nhận nhiều nguồn thu khác nhau để khách hàng chứng minh khả năng thanh toán như lương, thu nhập từ hoạt động hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp do khách hàng làm chủ và một số nguồn thu khác đảm bảo tính hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Không chỉ các ngân hàng nội, một ngân hàng nước ngoài là NH TNHH MTV Shinhan Việt Nam tung ra gói lãi vay 5,49%/năm cho năm đầu tiên và cố định 7,8%/năm từ năm thứ 2 đến năm thứ 5, thời hạn vay lên đến 25 năm. Với lãi suất này, Ngân hàng Shinhan Việt Nam được xem là tổ chức tín dụng có mức lãi suất cho vay cạnh tranh nhất trên thị trường hiện nay.

Báo cáo về thị trường bất động sản quý III/2021 của Bộ Xây dựng cho biết, tính đến 30/9/2021 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 682.594 tỷ đồng.

Động thái giảm lãi suất xuống mức thấp chỉ từ 5%/năm đối với cho vay bất động sản được kỳ vọng sẽ kích thích được người dân vay tiền mua nhà trong thời điểm cuối năm 2021. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng vào lĩnh vực bất động sản luôn là lĩnh vực Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ. Ngoài các chỉ số kiểm soát dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này, Ngân hàng Nhà nước liên tục ra "tối hậu thư", yêu cầu các tổ chức tín dụng phải kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với bất động sản, đặc biệt là dư nợ lĩnh vực bất động sản với mục đích tự sử dụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem