Bình Dương "giải bài toán khó", hướng tới nền kinh tế carbon thấp
Bình Dương "giải bài toán khó", hướng tới nền kinh tế carbon thấp
Nguyên Vỹ
Thứ năm, ngày 18/01/2024 13:55 PM (GMT+7)
Để trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết, Việt Nam phải giải bài toán vừa hướng tới một nền kinh tế carbon thấp, đồng thời có tốc độ phát triển vượt bậc.
Bà Susan Burns - Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM nhấn mạnh như thế Hội thảo Net Zero với chủ đề: Hợp tác Việt Nam – Mỹ tiến tới Net Zero, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải cho công nghiệp bền vững tổ chức ngày 18/1 tại Bình Dương.
Chưa có thị trường cho kinh tế carbon thấp
Theo quy hoạch, Bình Dương định hướng ưu tiên phát triển khu, cụm công nghiệp lên phía Bắc. Nơi đây ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động. KCN Tân Bình ở huyện Bắc Tân Uyên do Công ty CP KCN Tân Bình làm chủ đầu tư cũng nằm trong định hướng thu hút làn sóng dịch chuyển này.
Ông Nguyễn Quốc Thái - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP KCN Tân Bình (huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) cho biết, các dự án thu hút đầu tư ở KCN có mức độ ô nhiễm thấp, tỷ lệ tái sử dụng chất thải công nghiệp cao, ít xả thải ra môi trường.
KCN cũng phân bố cây xanh đạt tỷ lệ tiêu chuẩn, hạn chế thấp nhất mức độ ảnh hưởng đến khu vực dân cư lân cận. Đặc biệt, nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN vận hành 24/24h, đạt tiêu chuẩn xả thải trước khi xả ra môi trường.
Hệ thống xử lý được trang bị camera giám sát và quan trắc nước thải đầu ra tự động. Tất cả các thông số như lưu lượng, TSS, pH, COD, độ màu... đều được truyền dữ liệu cập nhật liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương.
Nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường chính là một trong các tiêu chí quan trọng để KCN Tân Bình đạt chứng nhận doanh nghiệp bền vững.
"Điều này đồng nghĩa các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN cũng được ưu tiên trong lựa chọn của các nhà mua hàng khi xuất khẩu hàng hóa", ông Thái nói.
Theo bà Nah Yoon Shin – chuyên gia trong lĩnh vực tư nhân của Ngân hàng Thế giới, các KCN là nơi lý tưởng thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải.
Việc này không chỉ giúp cải thiện hiệu quả nền kinh tế mà còn bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tuy nhiên hiện tại, Việt Nam chưa có KCN sinh thái nào. Nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài KCN vẫn còn loay hoay với giải pháp thực hiện tín chỉ carbon.
"Việc phát triển thị trường mua bán tín chỉ carbon ở Việt Nam còn chậm, triển khai tài chính xanh gặp nhiều khó khăn", bà Nah Yoon Shin nói.
Ông Lê Quang Linh, cố vấn phát triển thị trường carbon, Công ty Cổ phần Khoa học và môi trường Giant Barb (TP.Hà Nội) cũng cho biết, Việt Nam chưa có thị trường carbon trong nước để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Linh, nếu chậm trễ, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang các thị trường lớn, có yêu cầu cao về tín chỉ này.
Mỹ hỗ trợ Việt Nam hướng tới kinh tế carbon thấp
Bà Susan Burns - Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM cho biết, biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao và an ninh toàn cầu.
Để đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết, Việt Nam phải giải bài toán vừa hướng tới một nền kinh tế Carbon thấp đồng thời có tốc độ phát triển vượt bậc.
Hội thảo Hợp tác Việt Nam – Mỹ tiến tới Net Zero do Tổng Công ty Becamex IDC và Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM phối hợp tổ chức nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm thực tiễn và công nghệ giữa Mỹ và Việt Nam, thông qua các giải pháp đa dạng hóa nguồn năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tận dụng các nguồn hỗ trợ quốc tế và tài chính xanh.
Hội thảo hướng tới ứng dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp để đạt kết quả sử dụng tốt hơn, giảm phát thải carbon, khí nhà kính, nâng cao năng suất, tăng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
"Đây là một chương trình trong chuỗi hoạt động của Thương vụ Hoa Kỳ được tổ chức để hỗ trợ hiện thực hóa mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam", bà Susan Burns nói.
Theo ông Phạm Ngọc Thuận – Tổng Giám đốc Becamex IDC, thị trường ngày càng đặt ra những thách thức mới cho doanh nghiệp, như hiệu quả chi phí sản xuất, trách nhiệm với cộng đồng và các mục tiêu khử cacbon.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Becamex đã đồng hành với World Bank và các tổ chức tư vấn quốc tế để thực hiện dự án nghiên cứu tiền khả thi về cơ hội phát triển Khu công nghiệp sinh thái theo Nghị định số 35 của Chính phủ.
Ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết, mục tiêu Net zero vào năm 2050 mà Việt Nam đặt ra tại COP26 là rất thách thức. Song, đây cũng là cơ hội để chuyển đổi sang nền sản xuất phát thải carbon thấp.
Để thích nghi với những biến động đang tạo ra những biến số khó lường, Bình Dương đang phát triển một hệ sinh thái hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, đưa nền công nghiệp của tỉnh đi lên phân khúc cao hơn.
Theo ông Dũng, hướng tới phát thải ròng bằng 0 không chỉ là bài toán giải quyết vấn đề về môi trường và phát triển bền vững, mà còn là bài kiểm tra về năng lực quản trị của địa phương.
"Với vai trò là một trung tâm sản xuất lớn của Việt Nam, Bình Dương cam kết sẽ tham gia sâu rộng vào quá trình đưa phát thải ròng về bằng 0, góp sức mình xây dựng một tương lai bền vững cho Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung", ông Dũng chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.