Bình Dương: Hạ tầng giao thông là động lực cho phát triển

Quang Phương Thứ bảy, ngày 26/09/2020 13:33 PM (GMT+7)
Hạ tầng giao thông tại Bình Dương đang được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, đa dạng hóa nguồn lực và phương thức đầu tư để góp phần kết nối các khu vực trong tỉnh, các tỉnh, thành lân cận và tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.
Bình luận 0

Kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Tuyến đường như một dải lụa tạo nên mạch giao thông chiến lược của tỉnh. Đây là tuyến kết nối phát triển vùng công nghiệp phía nam và phía bắc của tỉnh, là một phần của dự án đường Vành đai 3 của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tuyến đường hoàn thành đã góp phần làm giảm áp lực cho quốc lộ 13, ĐT743, đồng thời kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật của tỉnh với cảng Thị Vải, Cái Mép, cảng container; sân bay quốc tế Long Thành. Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Dương: Việc đầu tư xây dựng đường Mỹ Phước - Tân Vạn có ý nghĩa quan trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương.

Bình Dương: Hạ tầng giao thông là động lực cho phát triển - Ảnh 1.

Tuyến đường ĐT734 được tỉnh Bình Dương nâng cấp mở rộng.

Bên cạnh đó, các tuyến đường nâng cấp, mở rộng như đường 7A (từ cầu Đò đến ngã ba Rạch Bắp), ĐT741, ĐT742, ĐT743, ĐT744, ĐT746, cầu Ông Cộ, đường Phạm Ngọc Thạch... đã được đầu tư, kết nối liên hoàn, đồng bộ. Tổng chi phí xây dựng "dải lụa" Mỹ Phước - Tân Vạn là 4.300 tỉ đồng (chưa tính chi phí giải phóng mặt bằng).

Ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết, để tiếp tục phát huy vai trò của đường Mỹ Phước - Tân Vạn trong việc kết nối vùng, cơ quan chức năng đang tích cực chuẩn bị cho dự án cải thiện hạ tầng giao thông công cộng tỉnh. "Sắp tới sẽ hình thành tuyến xe buýt nhanh nối giữa trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương và TP.HCM, chạy dọc trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Tuyến xe buýt này có điểm cuối tại bến xe Miền Đông mới tại quận 9, TP.HCM", ông Luận nói.

Theo Sở GTVT tỉnh Bình Dương, nhằm tăng cường kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Bình Dương đang tập trung đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường. Cụ thể, hiện tỉnh đang triển khai nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 để giải quyết tình trạng ùn tắc, bảo đảm kết nối giao thông vùng. Tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn Chơn Thành - Đức Hòa), tỉnh đã đề nghị Bộ GTVT sớm triển khai xây dựng để tăng cường kết nối giữa Bình Dương với Bình Phước, Tây Ninh. Hay như tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM (tuyến đi trùng với đường Mỹ Phước - Tân Vạn đến Bình Chuẩn rẽ trái giao với quốc lộ 13 và vượt sông Sài Gòn), hiện tỉnh đã đầu tư xây dựng đoạn từ ngã ba Tân Vạn đến Bình Chuẩn quy mô 6 làn xe.

Bên cạnh đó, Bình Dương đang triển khai đầu tư xây dựng từng đoạn tuyến của đường Vành đai 4 để kết nối Bình Dương với TP.HCM và Đồng Nai.

Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Bình Dương, cho biết: Bình Dương đã kiến nghị Bộ GTVT sớm đẩy nhanh tiến độ cắm mốc giải phóng mặt bằng tuyến đường và tiến hành đầu tư xây dựng theo quy mô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở để địa phương quản lý quy hoạch xây dựng theo quy định.

Bình Dương: Hạ tầng giao thông là động lực cho phát triển - Ảnh 2.

Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn được ví như "dải lụa" giao thông

Nền tảng cho phát triển

Tại Hội nghị Thủ tướng với các tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (diễn ra vào tháng 5 vừa rồi), lãnh đạo tỉnh Bình Dương đề nghị Chính phủ bố trí vốn cho đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một, cũng như ủng hộ chủ trương kéo dài 1,8km tuyến metro số 1 bằng vốn vay ODA Nhật Bản.

Ngoài ra, Bình Dương đang đẩy nhanh xây dựng cầu Bạch Đằng 2 qua sông Đồng Nai (nối liền Đồng Nai và Bình Dương). Đây là một trong những dự án trọng điểm sẽ được khởi công trong năm 2020 để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Dự kiến sẽ khởi công trong quý 4/2020. Theo thiết kế, cầu Bạch Đằng 2 có tổng chiều dài gần 400 mét với bề rộng gần 18 mét có 4 làn xe, nối liền xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Tổng mức đầu tư dự án hơn 490 tỷ.

Hai tỉnh đã thống nhất kinh phí làm phần cầu chính chia đều 50-50, phần đường dẫn thuộc tỉnh nào tỉnh đó triển khai. Để triển khai dự án giao thông quan trọng này, huyện Vĩnh Cửu đã thực hiện xong phần cắm mốc đường dẫn vào cầu, song song đó cũng đang triển khai đầu tư nâng cấp mở rộng hương lộ 7, hương lộ 15, đường 768 giai đoạn 2 và mở thêm tuyến 768B…

Song song với việc chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, Bình Dương cũng hết sức quan tâm đến phát triển hệ thống giao thông đường sắt. Đối với tuyến Dĩ An - Lộc Ninh và tuyến TP.HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ - Cà Mau, theo ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, tỉnh đã kiến nghị Bộ GTVT sớm triển khai cắm mốc tim tuyến và ranh giải phóng mặt bằng để tỉnh công bố quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng theo quy định.

Bình Dương: Hạ tầng giao thông là động lực cho phát triển - Ảnh 4.

ơ đồ tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn

Hiện nay, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang triển khai thi công và sẽ được nối dài đến Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kết nối các đô thị giữa TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương. Dự án sẽ giải quyết được nhu cầu vận chuyển hành khách công cộng giữa 3 địa phương về lâu dài. Bên cạnh đó, dự án còn tạo điều kiện thuận lợi cho chiến lược xây dựng và phát triển đô thị vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần giảm áp lực dân cư và ùn tắc giao thông cho TP.HCM.

Sự phát triển hạ tầng giao thông có sức ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng quá trình phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa của tỉnh. Nhờ vào giao thông được đầu tư mạnh, Bình Dương trở nên vô cùng hấp dẫn và tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư. Nhờ sức hút từ hạ tầng giao thông, Bình Dương được giới chuyên gia đánh giá là khu vực nổi bật nhất trên thị trường bất động sản vùng ven. Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2020-2025, hạ tầng vẫn là yếu tố được Bình Dương coi trọng hàng đầu để duy trì và khai thác tốt nội lực, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem