Bình Dương nâng cao ý thức người dân bảo vệ môi trường
Bình Dương nâng cao ý thức người dân bảo vệ môi trường sống, xây dựng đô thị văn minh
Văn Dũng
Thứ sáu, ngày 19/11/2021 10:16 AM (GMT+7)
Kế hoạch 5 năm thực hiện bảo vệ môi trường của tỉnh Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả, nâng cao nhận thức của người dân, góp phần xây dựng đô thị ngày càng văn minh, hiện đại.
Trong 5 năm qua (2016 - 2020), công tác bảo vệ môi trường của tỉnh Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả tốt, tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức của người dân trong việc phân loại chất thải rắn tại nguồn, hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn. Tác động mạnh mẽ đến sự phát triển, góp phần quan trọng xây dựng đô thị ngày càng văn minh, hiện đại.
Nước thải sinh hoạt đô thị, được xem là nguồn ô nhiễm nước thải chính hiện nay. Bởi, tốc độ gia tăng dân số cơ học nhanh nên lượng nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đã gia tăng đột biến, ước tính khoảng 226.608m3/ngày (tăng gần 1,6 lần so với năm 2015 với khoảng 142.816m3/ngày).
Để giải quyết vấn đề, 5 năm qua Bình Dương đã ưu tiên các nguồn lực bằng nguồn ngân sách Nhà nước và vốn vay ODA triển khai thực hiện các dự án thu gom xử lý nước thải.
Cụ thể, tỉnh đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải đô thị Thuận An (công suất 17.000m3/ngày), nhà máy xử lý nước thải đô thị Dĩ An (công suất 20.000m3/ngày). Lập thủ tục nâng công suất nhà máy xử lý nước thải đô thị Thủ Dầu Một (công suất từ 17.650m3/ ngày lên 35.000m3/ngày), đồng thời đã triển khai nhiều dự án về thoát nước để tăng khả năng tiêu thoát, hạn chế ngập úng, nhất là các khu vực tập trung đông dân cư.
Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, chiếu sáng đô thị, thoát nước, cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh, trong đó có chính sách hỗ trợ công tác đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom xử lý nước thải đô thị. Đến nay, khoảng 70% lượng nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh trên địa bàn tỉnh đã được thu gom, xử lý.
Đối với chất thải rắn, khối lượng phát sinh đã tăng lên đáng kể trong 5 năm qua do sự thay đổi trong lối sống của người dân và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh chóng. Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh năm 2020 khoảng 2.102 tấn/ngày (tăng gần 2 lần so với năm 2015).
Phần lớn chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn (hiện nay mới triển khai thí điểm tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh), tỷ lệ thu hồi chất thải có khả năng tái chế và tái sử dụng như giấy vụn, kim loại, nhựa… còn thấp và chủ yếu là tự phát.
Ông Trần Thanh Quang – Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, Sở đã phối hợp với UBND TP. Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và TX. Bến Cát cùng các đơn vị có liên quan triển khai nhiều hoạt động như tổ chức lễ phát động ra quân thực hiện kế hoạch thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Tổ chức hội nghị triển khai quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn trên một số tuyến đường, khu phố và một số khu vực đông dân cư trên địa bàn tỉnh.
Một số địa phương đã thay đổi được nhiều điểm nóng về đổ chất thải hoặc bãi rác gây ô nhiễm môi trường thành mảng xanh và tiểu cảnh làm đẹp cho địa phương, tạo mỹ quan đô thị. Đặc biệt, TP.Thủ Dầu Một đến nay không còn điểm tập kết rác thải tự phát.
Xây dựng phương án bảo vệ môi trường giai đoạn 2021 - 2030
Thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn 2021 - 2025, Bình Dương chú trọng xây dựng các phương án bảo vệ môi trường trong việc lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Thực hiện phân vùng môi trường với định hướng các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội phù hợp; thiết lập cơ chế kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động phát triển gây ảnh hưởng đến môi trường trong từng khu vực.
Ngoài ra, tỉnh thực hiện phân loại các dự án đầu tư mới theo mức độ tác động đến môi trường ngay từ khi thực hiện đánh giá tác động môi trường để kiểm soát trong suốt vòng đời hoạt động của dự án.
Thực hiện đánh giá tác động môi trường sơ bộ đối với các dự án có mức độ ô nhiễm môi trường cao. tăng cường kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trước khi dự án đi vào vận hành thử nghiệm, hoạt động chính thức.
Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian tới Bình Dương tiếp tục chú trọng cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc. Trong đó đẩy mạnh phân loại chất thải rắn tại nguồn theo tính chất và phương thức xử lý để thúc đẩy giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế.
Hiện đại hóa trang thiết bị và hệ thống trạm trung chuyển để đẩy mạnh thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị; mở rộng mạng lưới dịch vụ thu gom chất thải rắn ở khu vực nông thôn, khuyến khích áp dụng công nghệ xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng; thực hiện hiệu quả các chương trình chống chất thải nhựa.
Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thúc đẩy bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên.
Theo thống kê, đến nay tỷ lệ chất thải rắn đô thị trên toàn tỉnh được thu gom đạt 98%, tỷ lệ chất thải rắn công nghiệp không nguy hại được thu gom, xử lý và tái chế khoảng 95% (tái chế khoảng 80% và xử lý 15%), tỷ lệ chất thải nguy hại và chất thải y tế được thu gom, xử lý và tiêu huỷ đạt 100%.
Nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường trong cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên và quần chúng nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thời gian qua, Tỉnh Đoàn Bình Dương đã tổ chức triển khai và hỗ trợ kinh phí cho nhiều mô hình thanh niên tham gia bảo vệ môi trường.
Các mô hình hay và nhiều ý nghĩa đã thu hút đông đảo cán bộ đoàn, hội viên, thanh thiếu niên... nhiệt tình hưởng ứng, như: Mô hình "Thay áo mới cho bức tường cũ, trụ điện"; "Văn phòng xanh"; "Trồng hoa trên các tuyến đường"; "Vỉa hè sạch - góc phố đẹp";...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.