Bình Phước kiểm tra dự án “khủng” bảo vệ rừng bị tố có nhiều sai phạm

Hoàng Hưng Thứ năm, ngày 14/05/2020 06:47 AM (GMT+7)
UBND tỉnh Bình Phước vừa ra quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra dự án bảo vệ rừng do Công ty Sasco làm chủ đầu tư. Đây là dự án bảo vệ rừng có diện tích "khủng" (347 ha), hiện đang bị tố cáo có nhiều sai phạm…
Bình luận 0

Ngày 14/5, nguồn tin từ UBND tỉnh Bình Phước cho hay, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền vừa ra quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành, để thanh tra dự án bảo vệ rừng do Công ty Sasco làm chủ đầu tư từ năm 2006. Đây là dự án bảo vệ rừng có diện tích "khủng" (347 ha), hiện đang bị tố cáo có nhiều sai phạm…

Theo đó, đoàn thanh tra liên ngành gồm đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Bình Phước (do Thanh tra tỉnh làm trưởng đoàn) có nhiệm vụ "kiểm tra, rà soát quá trình giao đất và thực hiện dự án bảo vệ rừng và chăn thả gia súc của Công ty Sasco, tại khoảnh 2, 6,7,8,9,10,11 – Tiểu khu 363".

Đồng thời, đoàn thanh tra phải thụ lý nội dung đơn tố cáo của ông Trần Đức Lý (trú ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) đối với dự án trên.

Bình Phước kiểm tra dự án “khủng” bảo vệ rừng, bị tố có nhiều sai phạm - Ảnh 1.

Do chuyển đổi mục đích quản lý rừng sang trồng cao su, nên hàng loạt cây rừng cổ thụ, tại khu vực dự án Sasco đã bị cưa hạ. Ảnh: Nguyễn Hùng

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước cũng cho biết, việc kiểm tra, rà soát trên là theo Kết luận Báo cáo số 740/BC-TTCP, phần phụ lục số 25 của Thanh tra Chính phủ.

Trước đó, tại Phụ lục số 25, Thanh tra Chính phủ đã cho biết Kết quả kiểm tra, rà soát vụ việc mà ông Trần Đức Lý tố cáo, cho thấy: Dự án bảo vệ rừng và chăn thả gia súc (347 ha), do Sasco làm chủ đầu tư đã phát sinh nhiều vấn đề trái với quy định của luật pháp.

Cụ thể: Năm 2006, Bình Phước chấp thuận cho Sasco đầu tư dự án trên diện tích 545 ha đất rừng. Sau đó, diện tích rút xuống còn 347 ha vào năm 2008. Sau khi nhận đất rừng, Sasco chuyển đổi mục đích quản lý bảo vệ rừng sang trồng cao su.

Sasco ký hợp đồng luôn với chủ rừng là Ban quản lý rừng kinh tế (QLRKT) Suối Nhung để liên doanh trồng cao su, với tỷ lệ ăn chia sản phẩm" Sasco 90%, Ban QLRKT Suối Nhung 10%.

Bình Phước kiểm tra dự án “khủng” bảo vệ rừng, bị tố có nhiều sai phạm - Ảnh 2.

Hơn 8.000 m3 gỗ hiện đang để cho mục nát tại các dự án rừng ở tỉnh Bình Phước. Ảnh: Hoàng Hưng

Tuy nhiên, sau khi được giao đất, Sasco lại ký 2 hợp đồng kinh tế liên doanh trồng cây công nghiệp với cá nhân ông Trần Tấn Minh. Theo đó, tỷ lệ ăn chia sản phẩm giữa Sasco và ông Minh, khi hết thời kỳ kiến thiết cơ bản vườn cao su trên diện tích 105 ha là 40/60 và trên diện tích 143 ha là 48,1/51,9.

Từ đây, ông Trần Tấn Minh đã được thể mang diện tích đất rừng (190,5 ha), tiếp tục liên kết đầu tư với 14 cá nhân khác trồng cao su. Các cá nhân này phải nộp tiền cho Trần Tấn Minh giống như mua bán đất rừng, kéo dài trong nhiều năm…

Năm 2013, UBND tỉnh Bình Phước đã thu hồi dự án của Sasco. Nhưng sau đó, không hiểu vì sao, UBND tỉnh lại cho Sasco tiếp tục thực hiện dự án.

Thanh tra Chính phủ kết luận: Trình tự, thủ tục giao khoán cho Sasco thực hiện dự án và cho phép chuyển đổi mục đích khoán rừng, sang trồng cao su chưa thực hiện chặt chẽ, chưa đảm bảo quy định của pháp luật.

Bình Phước kiểm tra dự án “khủng” bảo vệ rừng, bị tố có nhiều sai phạm - Ảnh 3.

Một đống gỗ được chặt hạ từ dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su ở Tiểu khu 363- Nông lâm trường Tân Lập. Ảnh: Hoàng Hưng


Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Bình Phước giải quyết khiếu nại tố cáo của ông Trần Đức Lý. Đồng thời, kiểm tra, làm rõ những sai phạm, tồn tại trong quá trình thực hiện dự án; có biện pháp xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong thực hiện dự án".

Thanh tra Chính phủ đề xuất tại Phụ lục số 25

Công tác quản lý, bảo vệ rừng còn buông lỏng, dẫn đến việc thực hiện dự án của chủ đầu tư không đúng mục đích ban đầu; liên doanh liên kết với các cá nhân không đúng chủ trương, quy định của tỉnh, dẫn đến tình trạng đất rừng bị lấn chiếm, phát sinh khiếu kiện phức tạp, khó thu hồi.

Việc Công ty Sasco tự ý ký hợp đồng với ông Trần Tấn Minh và thoả thuận ăn chia một phần diện tích cao su đã trồng là trái với chủ trương cho thực hiện dự án của UBND tỉnh Bình Phước và vi phạm hợp đồng liên doanh liên kết với Ban QLRKT Suối Nhung.

Ông Trần Tấn Minh là Giám đốc Ban QLRKT Suối Nhung, với vai trò chủ rừng, phải chịu trách nhiệm giám sát quá trình thực hiện dự án, thực hiện hợp đồng liên doanh với Ban QLRKT Suối Nhung đã ký kết với Công ty Sasco nhưng lại ký hợp đồng cá nhân với Công ty Sasco, sau đó giao lại cho các cá nhân khác thực hiện là trái quy định.

Bình Phước kiểm tra dự án “khủng” bảo vệ rừng, bị tố có nhiều sai phạm - Ảnh 5.

Rất nhiều cây rừng đã bị chặt hạ dưới danh nghĩa "tận thu" rừng nghèo kiệt để chuyển sang trồng cao su ở các dự án thuộc tỉnh Bình Phước. Ảnh: Hoàng Hưng

 Được biết để có được sự kiểm tra nói trên của Thanh tra Chính phủ, thời gian qua, ông Trần Đức Lý đã có nhiều đơn tố các các dấu hiệu sai phạm xảy ra tại dự án Sasco. Đặc biệt, ông Lý đã tố có việc buông lỏng quản lý 347 ha đất giao cho Sasco.

Ông Lý tố ông Trần Tấn Minh lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cấu kết với Sasco sử dụng đất không đúng mục đích; tố Sasco trong việc thanh toán tiền trồng cao su trên 150 ha cho các cá nhân không đúng đối tượng. Một số cá nhân không trồng cao su, vẫn lập hồ sơ nhận tiền.

Ông Lý cũng tố UBND tỉnh Bình Phước tiếp tục giao đất cho Sasco thực hiện dự án, trong khi Sasco mắc sai phạm và đã có quyết định thu hồi dự án. Ngoài ra, Bình Phước chuyển đổi rừng đã để mục nát hơn 8.000 m3 gỗ, gây thất thoát tài sản Nhà nước, thất thoát tài nguyên rừng…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem